Ảnh minh họa: Internet
Trao đổi với CafeLand, một số nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào các giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ để vực dậy thị trường bất động sản… Doanh nghiệp bất động sản hy vọng đây là “liều thuốc” giúp họ thoát khỏi khó khăn hiện thời. Trong khi đó những người đưa ra giải pháp này thì xem đây là chìa khóa để gỡ nút thắt nợ xấu, tạo công ăn việc làm và gỡ khó cho nhiều ngành liên quan khác.
Bên cạnh những hi vọng tràn trề đó thì không ít người quan ngại về tính hiệu quả và cơ sở của giải pháp này. Thứ nhất, có quan điểm quan ngại việc NHNN tung hàng chục nghìn tỷ đồng liệu có cứu được bất động sản, liệu có chữa được căn bệnh của thị trường này tích tụ hàng chục năm nay hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. 20.000 tỷ đồng mà NHNN dự định tung ra chỉ như muối bỏ biển. Thị trường bất động sản cần những giải pháp căn cơ hơn nhiều chẳng hạn như về quy hoạch, xử lý tiêu cực trong việc cấp đất, cấp phép dự án…
Hiện trạng hôm nay của thị trường bất động sản không chỉ xuất phát từ sự suy yếu của nền kinh tế nói chung mà còn do sự thiếu lành mạnh của thị trường. Do vậy, để thị trường phát triển lành mạnh trong tương lai thì phải trải qua một quá trình tái cấu trúc để đưa thị trường về đúng quỹ đạo của nó.
Thứ hai, quan điểm quan ngại còn cho rằng việc bơm tiền của NHNN theo cách mà Nghị quyết 02 mới ban hành có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Đầu tiên có thể thấy là về cách thức thì rõ ràng với giải pháp này thì NHNN đóng vai trò như là Chính phủ chứ không còn là một ngân hàng trung ương đúng nghĩa. NHNN thực hiện chính sách an sinh xã hội bằng cách cấp vốn giá rẻ cho vay mua nhà thu nhập thấp thông qua NHTM. Như vậy, việc chênh lệch lãi suất giữa thị trường và lãi suất mà NHNN ấn định sẽ được xử lý thế nào? Về bản chất thì chính NHNN đang in tiền và tung ra để làm công việc “từ thiện”. Theo lý thuyết thì số tiền NHNN in này xem như là một thuế lạm phát đối với toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó khi thực hiện chính sách này, NHNN phá vỡ quy định trong Luật ngân hàng nhà nước năm 2010 quy định là lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu chỉ được cấp cho NHTM trong ngắn hạn hoặc chỉ nhằm mục đích giải quyết thanh khoản cho hệ thống tài chính hoặc chỉ đưa ra trong trường hợp khẩn cấp để cứu ngân hàng khỏi đổ vỡ.
Tóm lại, rất nhiều người kỳ vọng gói 20.000 tỷ đồng mà NHNN tuyên bố sắp tung ra sẽ giúp thị trường thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên, phân tích kỹ cho thấy nó khó mang lại hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó nó còn phá vỡ nguyên tắc trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Lạm phát từ việc bơm tiền này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và có thể làm suy giảm lòng tin của người dân vào việc ra quyết định chính sách.
-
Cổ phiếu bất động sản giảm mạnh sau sự kiện “bầu Kiên” đúng 6 tháng
CafeLand - Kể từ đầu tháng 12/2012 đến nay, thị trường đã có một chuổi ngày tăng điểm gần như không ngừng nghỉ. Cố phiếu bất động sản là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn trong đợt phục hồi này. Ngày 21/02/2013 đúng 6 tháng sau khi “bầu Kiên” bị bắt “bỗng dưng” thị trường chứng khoán lại có một phiên hoảng loạn. Một lần nữa cổ phiếu bất động sản lại là một trong những nhóm cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất.
-
Phần 1: Chuẩn mực nào cho “sàn giao dịch” bất động sản?
CafeLand - Sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trong những năm gần đây là tín hiệu rất đáng mừng cho hoạt động phân phối, môi giới sản phẩm BĐS. Sự có mặt của các sàn giao dịch BĐS, đã được thể hiện rõ nét bức tranh chuyên nghiệp hơn của ngành công nghiệp BĐS còn non trẻ đang dần được phát triển tại Việt Nam.
-
Tỷ giá 2013: Chuyên gia và NHNN “kẻ tám lạng, người nửa cân”
CafeLand - Một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2012 là tỷ giá khá ổn định. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm tỷ giá giảm nhẹ. Có quan điểm cho rằng đó là một thành công của ngân hàng nhà nước (NHNN) trong việc điều hành tỷ giá. Về tỷ giá năm 2013, một số chuyên gia cho rằng NHNN nên chủ động phá giá tiền đồng, còn đại diện phía NHNN lại e ngại việc phá giá sẽ ảnh hưởng tới lạm phát và sự ổn định của nền kinh tế.