Phiên xử “đại án” Huyền Như chiều (15.1 tiếp tục “nóng” hơn nữa khi hàng loạt luật sư bảo vệ quyền lợi cho các Cty, ngân hàng tham gia phần tranh luận. Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương tiếp tục đến dự lắng nghe phiên tòa.
Huyền Như tại phiên tòa. Ảnh: Phùng Bắc
Luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Ngân hàng Á Châu-ACB) đã làm “nóng” phiên tòa với phần tranh luận của mình. “Trong bất kỳ quốc gia nào, tài chính là huyết mạch trong mậu dịch, thương mại và công nghiệp. Còn lĩnh vực ngân hàng đóng vai trò xương sống của kinh doanh tài chính hiện đại… Như vậy, muốn một ngân hàng tồn tại, phát triển, một trong nhưng đặc tính quan trọng, đảm bảo uy tín và đảm bảo sự sống còn cho ngân hàng đó là yếu tố an toàn và bảo mật.
Nếu một ngân hàng mà hệ thống quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn tiền gửi kém, bảo mật thông tin cho khách hàng sơ hở, lỏng lẻo, ngân hàng đó sẽ hay gặp rủi ro trong kinh doanh tiền tệ, dễ làm mất tiền của khách hàng. Mà đã làm mất tiền, đồng nghĩa với việc mất niềm tin của khách hàng, thì khách hàng sẽ ngày càng xa lánh và uy tín của ngân hàng đó sẽ chỉ có đội nón ra đi mà thôi !” - luật sư Lưu Văn Tám đã vào đề phần tranh luận của mình, khiến nhiều người tham dự chú ý lắng nghe !
Luật sư tiếp tục: “Trong những ngày vừa qua, tại phiên tòa này, chúng tôi đã nghe, đã thấy về cách thức ứng xử của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với các khách hàng gửi tiền của mình. Chúng tôi đã thấy một Huyền Như là Phó phòng quản lý rủi ro của Vietinbank, Quyền Trưởng phòng giao dịch cấp 1, người lẽ ra có trách nhiệm giúp ngân hàng hạn chế rủi ro, thì lại chính là người đem lại nhiều rủi ro, rắc rồi nhất cho Vietinbank. Một Vietinbank do hệ thống quản trị rủi ro lỏng lẻo, dẫn đến việc làm mất tiền của khách hàng, Vietinbank càng tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình đối với tiền gửi của khách hàng, thì uy tín của Vietinbank lại ngày càng xuống thấp trước con mắt khách hàng và dư luận xã hội, làm ảnh hưởng tới uy tín của toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và Ngân hàng Công Thương nói riêng. Rõ ràng, điều đó ai cũng hiểu, chỉ có Ngân hàng Công thương không biết có hiểu hay không mà thôi ?”.
Luật sư tranh luận: “Trong quá trình tham gia tố tụng, từ khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ACB luôn luôn có quan điểm là yêu cầu Vietinbank phải trả số tiền là hơn 718 tỉ đồng, đồng thời khẳng định ACB không đòi tiền Huyền Như. Tại tòa, ACB đã cung cấp những tài liệu, chứng cứ có giá trị chứng minh cho yêu cầu chính đáng của mình.
Tuy nhiên, sau một quá trình xét hỏi, điều tra công khai tại tòa, với rất nhiều tình tiết, tài liệu được ACB đưa ra, chứng minh làm rõ tại tòa, nhưng trong phần kết luận của mình, vị đại diện VKSND TPHCM vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã nêu và vẫn cho rằng “Vietinbank không có trách nhiệm trả tiền cho ACB”.
Luật sư Lưu Văn Tám tranh luận: “Người đại diện Vietinbank tại phiên tòa ngày 10.1, đó là ông Nguyễn Mạnh Toàn - Trưởng Phòng Pháp chế, đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank đã khẳng định đối với các hợp đồng do Vietinbank ký với khách hàng, có chữ ký, con dấu thật thì Vietinbank chịu trách nhiệm trả cho khách hàng.
Như vậy, tại tòa, chính đại diện của Vietinbank đã thừa nhận trách nhiệm của mình đối với các khách hàng có ký hợp đồng tiền gửi thật, có chuyển tiền thật vào Vietinbank. Đây chính là ý chí, là sự tự nguyện của Vietinbank, xuất phát từ sự thay đổi về quan điểm và nhận thức phù hợp với những tình tiết, diễn biến mới tại phiên tòa trong những ngày qua. Đây cũng là biểu hiện thái độ cầu thị, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Vietinbank.
Tuy nhiên, không hiểu tại sao, sự cam kết trách nhiệm này của Vietinbank lại không được cơ quan công tố lưu ý, xem xét trong phần luận tội sáng 13.1. Việc vị đại diện VKSND TPHCM vẫn tiếp tục khẳng định Vietinbank không phải chịu trách nhiệm trả tiền cho ACB, mà không ghi nhận ý kiến của Vietinbank tại tòa là trái với nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện của các đương sự khi giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Lưu Văn Tám khẳng định: “Hiện nay, giữa Vietinbank và các nhân viên ACB có ký 32 hợp đồng tiền gửi, đại diện là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương, đều là Phó Giám đốc Vietinbank TPHCM ký, đóng dấu thật. Như vậy, quan hệ giữa các cá nhân ACB với Vietinbank là quan hệ hợp đồng tiền gửi. Các hợp đồng này, được ký tại nhà khách hàng, ký ngoài quán cà phê, hay tại trụ sở ngân hàng thì cũng không làm thay đổi bản chất của hợp đồng tiền gửi và cũng không làm cho hợp đồng này vô hiệu. Theo quy định tại điều 122 Bộ luật Dân sự, thì điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự không bắt buộc các bên phải phải ký tại trụ sở Vietinbank hay một nơi cố định nào. Việc ký ở đâu là do các bên tự thỏa thuận với nhau, miễn là hợp đồng có đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự theo quy định tại điều 122 Bộ luật Dân sự”.
Luật sư Lưu Văn Tám còn khẳng định: “Các khoản tiền gửi này đều được chuyển vào tài khoản tiền gửi tại Vietinbank, có xác nhận bằng sao kê tài khoản của Vietinbank cấp cho các khách hàng nhân viên ACB. Chính Vietinbank trực tiếp trả gốc, lãi của các khoản tiền gửi tương tự khác của ACB trước đó. Vì vậy, Vietinbank phải có trách nhiệm trả tiền cho ACB”.
Luật sư Lưu Văn Tám kiến nghị: “Vietinbank phải hoàn trả cho ACB tổng cộng hơn 913 tỉ đồng (gồm cả gốc và lãi phát sinh). Người gửi tiền lại bị xem xét trách nhiệm hình sự, còn Vietinbank quản lý lỏng lẻo, để cấp dưới lợi dụng chiếm đoạt số tiền cực lớn lại không xét xét trách nhiệm, đề nghị xử lý trách nhiệm một số cán bộ lãnh đạo Vietinbank và Vietinbank Chi nhánh TPHCM”.
Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các Cty, ngân hàng khác cũng cho rằng, Vietinbank chính là bị đơn dân sự trong vụ án này, Vietinbank phải có trách nhiệm trả tiền cho khách hàng khi khách hàng đã gửi tiền vào Vietinbank.

17h15, phiên tòa tạm dừng, ngày 16.1, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Phùng Bắc (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.