Một công ty của Singapore thuộc sở hữu của người giàu nhất Thái Lan muốn thâu tóm Vinamilk làm quân bài trong cuộc chiến thị phần với Coca Cola và Pepsi ở Đông Nam Á.

Fraser & Neave Ltd. (F&N), công ty sản xuất đồ uống thuộc sở hữu của người đàn ông giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đang tìm cách tăng cường thị phần của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á sau khi nguồn tiền của công ty phát triển tới 745 triệu USD, Bloomberg đưa tin.

Hãng tin dẫn lời giám đốc điều hành của F&N trong lĩnh vực đồ uống không cồn Lee Meng Tat cho biết mục tiêu tiềm năng mà F&N nhắm đến là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk.

Doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam là một ví dụ của những gì mà F&N muốn trong một vụ thâu tóm: một công ty sữa có thị phần cao trên thị trường, thương hiệu nổi tiếng và mạng lưới phân phối mạnh mẽ.


Vinamilk có tất cả những đặc điểm mà F&N mong muốn để mở rộng thị phần tại Đông Nam Á. Ảnh: Reuters

“Tình hình lý tưởng nhất là có thể mua lại”, Lee nói. Ông đề cập đến những nỗ lực của F&N trong việc mở rộng tại Đông Nam Á, nơi mà ông nói rằng khoảng cách của công ty với 2 gã khổng lồ PepsiCo Inc. và Coca Cola Co. của Mỹ là khá xa. “Điều đó khiến chúng tôi phải tìm ra con đường nhanh hơn để chiếm lấy thị phần”, Lee chia sẻ.

Cuối tháng 6, F&N có trụ sở tại Singapore sở hữu khối tiền mặt và các khoản tương đương trị giá 725,3 triệu USD sau khi bán cổ phần của doanh nghiệp tại Myanmar Brewery Ltd vào cuối tháng 8 năm ngoái, 3 năm sau khi thoái vốn cổ phần của Asia Pacific Breweries.

Kế hoạch thâu tóm Vinamilk nằm trong chiến lược nhắm vào thị trường Đông Nam Á với 600 triệu dân và là nơi có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Đơn vị này cũng lên kế hoạch xây dựng sự hiện diện của họ tại một số thị trường khác nếu thất bại trong việc thâu tóm Vinamilk.

Vinamilk là công ty lớn nhất của Việt Nam nếu xét về giá thị trường. Hôm 16/8, cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng 1,2% trên sàn giao dịch TP HCM trong khi cổ phiếu của F&N giảm 1% trên sàn giao dịch tại Singapore.

Cổ phiếu của Vinamilk tăng lên mức kỷ lục trong tuần trước sau khi hãng sữa được phép nới room cho chứng khoán ngoại. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận dỡ bỏ giới hạn cổ phần nước ngoài tại đơn vị này. Cổ phiếu của doanh nghiệp đã tăng 32% trong năm nay, so với mức tăng 14% chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhờ việc nới room, doanh nghiệp có thể tiếp cận cổ phiếu Vinamilk, và sẽ luôn theo sát giao dịch của cổ phiếu hãng này, đại diện F&N chia sẻ.

Tuy nhiên, Bloomberg cũng dẫn tờ Nhịp cầu Đầu tư cho biết, Vinamilk không có trong danh sách 120 công ty mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước lên kế hoạch thoái vốn trong năm nay.

F&N hiện là cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk với 11% cổ phần. Chính phủ Việt Nam giữ 45% cổ phần.

Các thương hiệu chính của F&N gồm 100Plus và nước uống đóng chai Ice Mountain. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phân phối nước giải khát được sản xuất bởi các công ty khác thuộc sở hữu của ông chủ người Thái như nước uống trà xanh của Oishi Friup Pcl và bia Chang của Thai Beverage Pcl.

F&N là một trong 3 nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất tại Singapore, Thái Lan và Malaysia, theo Euromonitor International. Tuy nhiên, công ty này không nằm trong top 5 tại Việt Nam, Indonesia và Philippines – những nơi mà công ty đang nghiên cứu cách để phát triển.

Charoen đã đưa ra một chiến lược mở rộng trên toàn khu vực Đông nam Á sau khi hoàn toàn mua lại F&N với giá 7,84 tỷ USD vào tháng 2/2013. Tỷ phú người Thái đã đặt mục tiêu đưa các doanh nghiệp thực phẩm và nước giải khát của F&N và các công ty khác gồm Thai Beverage, Semrsuk Pcl và Oishi vào nhóm 3 thương hiệu hàng đầu tại Đông Nam Á vào năm 2020.

Tuy nhiên, F&N cảnh giác với việc trả giá quá cao để thâu tóm, Lee nói. “Có một ranh giới mà chúng tôi không thể vượt qua bởi nếu vượt qua, chúng tôi sẽ hủy hoại các giá trị. Nếu bạn phải mất thời gian để biện minh cho sự trở lại, bạn cũng có thể dùng tiền để xây dựng kinh doanh”, ông nói..

Kim Ngân (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.