Với kinh nghiệm nhiều năm sống và làm việc ở Đức, Tiến sĩ toán học Mai Huy Tân quyết định bắt tay làm tư vấn cho các công ty Việt Nam và Đức đầu tư vào lĩnh vực môi trường.

Ông Mai Huy Tân khởi nghiệp tư vấn đầu tư với số vốn đặc biệt. Đó là vốn sống tích lũy từ 4 năm làm nghiên cứu sinh và bảo vệ tiến sĩ Toán loại xuất sắc tại đại học Tổng hợp Martin Luther, thành phố Halle, Cộng hòa dân chủ Đức. Và sau đó là những chuyến đi đi- về về giữa Đức và Việt Nam, cũng góp phần tạo dựng nền tảng phong phú cho các mối quan hệ khi bước vào kinh doanh, dù ông đã ở cái tuổi ngoài 60. Ông tâm nguyện thành lập công ty TNHH Nhịp Cầu Việt – Đức (ViDe Bridge) để kết nối doanh nghiệp hai nước trong một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng – công nghệ môi trường.

Ưu tiên năng lực lõi

“Trong kinh doanh, việc bắt đầu khởi sự một lĩnh vực mới luôn luôn tiềm ẩn tính mạo hiểm và nguy cơ thất bại do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Ở tuổi của tôi bây giờ, quỹ thời gian còn lại không nhiều. Vì vậy, tôi rất thận trọng, chỉ tập trung công sức vào một số lĩnh vực cụ thể với những dự án có tính khả thi cao, có hiệu quả kinh tế để tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Đức hợp tác với nhau”, tiến sĩ Mai Huy Tân lí giải về nguyên nhân khởi nghiệp khá trễ của mình.

Tuy nhiên, ông Tân cũng xác định rõ chỉ làm những gì mà người khác không thể làm tốt bằng mình và tập trung cho 4 lĩnh vực cốt lõi. Cụ thể, ViDe Bridge tập trung vào hoạt động tư vấn cho các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối) và sử dụng năng lượng tiết kiệm; Công nghệ môi trường (xử lý rác thải và chất thải trong sản xuất); Đào tạo nghề theo mô hình song hành của Đức; Y tế và sản xuất thực phẩm chức năng từ dược liệu thiên nhiên ở Việt Nam. Đây đều là những lĩnh vực chưa được quan tâm thích đáng tại Việt Nam.

Ông Tân cho biết, ở CHLB Đức, thậm chí còn có cả một ngành kinh tế gọi là ngành kinh tế chất thải. Ngành kinh tế này thu hút sự đầu tư của hàng nghìn doanh nghiệp Đức, có doanh thu tới hơn 50 tỷ Euro/năm (gần bằng GDP của cả nước Việt Nam hiện nay). Tiến sĩ Tân tin chắc rằng, tương lai không xa, chiến lược phát triển xanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ môi trường, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặt viên gạch cho ngành công nghiệp chất thải

Đức có 1% dân số làm nông nghiệp, nhưng 1 lao động nông nghiệp ở Đức có thể nuôi được 124 người, trong khi 1 lao động Việt Nam chỉ nuôi được 3 người.

Năm 2010, Nhịp Cầu Việt – Đức bắt tay xây dựng những dự án nhằm đặt những viên gạch bước đầu cho ngành công nghiệp chất thải tại Việt Nam như dự án xây dựng trung tâm công nghệ Đức kết hợp với trung tâm dạy nghề tại tỉnh Thanh Hóa, thông qua sự hợp tác với tỉnh Mittelsachsen và thành phố Freiberg thuộc Bang Sachsen, CHLB Đức. Bên cạnh đó phải kể đến dự án chế biến chất thải biomass (rơm, trấu, mùn cưa, gỗ vụn) thành viên năng lượng sinh học để xuất khẩu và thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ)…

Ông Tân lí giải: 2/3 dân số Việt Nam sống ở nông thôn, 60% lao động Việt Nam làm việc trong nông nghiệp. Nhưng năng suất lao động trong nông nghiệp Việt Nam rất thấp. Ở Đức chỉ 1% dân số làm nông nghiệp nhưng 1 lao động nông nghiệp ở Đức có thể nuôi được 124 người, trong khi 1 lao động Việt Nam chỉ nuôi được 3 người.

Đặc biệt, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam đang tạo ra một khối lượng khoảng 100 triệu tấn/năm phụ phẩm như: rơm, trấu, bã mía, mùn cưa, cành cây, phân gia súc, gia cầm, bùn thải từ hồ ao nuôi thủy sản… “Nếu áp dụng các công nghệ phù hợp của Đức để chế biến những nguồn phụ phẩm tái tạo nói trên thành các sản phẩm có giá trị sử dụng cao, thì sẽ tạo dựng được một nền kinh tế chất thải với doanh thu hàng chục tỷ đô la Mỹ/năm”, ông Tân đánh giá.

Thực tế các dự án này vẫn tiếp tục được triển khai dưới sự tư vấn và kết nối của Nhịp cầu Việt Đức. Tuy nhiên, không hẳn mọi việc lúc nào cũng suôn sẻ. Tiến sĩ Tân cho biết, điểm khác biệt quan trọng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức là ở chỗ doanh nghiệp Đức coi chi phí tư vấn và chuẩn bị đầu tư là đương nhiên phải có (giống như đầu tư một công trình xây dựng thì phải trả chi phí tư vấn thiết kế), nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì khác. Các doanh nghiệp trong nước thường không sẵn sàng trả chi phí tư vấn, cho dù nếu không có tư vấn thì dự án khó thành công.

Đây cũng là điểm khá rủi ro với các doanh nghiệp làm công tác tư vấn như ViDe Bridge. Tiến sĩ Tân cũng đã lường trước được những điều này. Nhưng là một nhà khoa học say mê nghiên cứu và khám phá cái mới, ông tin vào sự lựa chọn của mình cũng như vào triển vọng của một ngành còn rất nhiều cơ hội phát triển.

Lê Dung (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.