Ngày 3/9/2013 đã trở thành cột mốc lịch sử, một bước ngoặt trong chặng đường phát triển của hai "ông lớn" công nghệ Nokia và Microsoft khi ban lãnh đạo hai tập đoàn đạt thỏa thuận về việc Microsoft mua lại "phần lớn" bộ phận sản xuất thiết bị và dịch vụ kinh doanh của Nokia.

CEO của Microsoft Steve Ballmer (trái) và Stephen Elop CEO Nokia vui mừng giới thiệu Nokia Lumia 920 chạy hệ điều hành Windows. (Nguồn: AP)

Với Nokia, tập đoàn công nghệ Phần Lan này sẽ chấm dứt quá trình phát triển thần kỳ, ngoạn mục suốt hơn 26 năm qua ở mảng thiết bị di động, giúp đưa thương hiệu Nokia trở thành một thương hiêu toàn cầu. Còn với Microsoft, "gã khổng lồ" phần mềm này sẽ bắt đầu khởi động một quá trình phát triển mới ở mảng sản xuất thiết bị di động, vốn bị chỉ trích là đã chậm chân quá lâu trong xu thế công nghệ di động hiện đại.

Với việc đầu tư mua lại bộ phận sản xuất thiết bị di động của Nokia, Microsoft có vẻ như đã đặt canh bạc phát triển mảng điện thoại di động trong tương lai của hãng vào di sản mà Nokia để lại và kỳ vọng nhờ đó sẽ tạo ra một quá trình phát triển thần kỳ như Nokia đã làm được trong hơn 26 năm qua.

Nhìn lại Nokia

Khởi đầu là một nhà máy chế biến gỗ giấy công nghiệp bên bờ thác ghềnh Tammerkoski chảy qua thị trấn Tampere miền tây nam Phần Lan năm 1865 và sự xuất hiện thương hiệu Nokia năm 1871, những người sáng lập ra tập đoàn này đã khổng thể tượng tượng được cái tên Nokia lại có thể trở thành một thương hiệu toàn cầu gắn liền với những chiếc điện thoại di động trong hơn 100 năm sau.

Năm 1982 đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Nokia khi hãng vượt lên dẫn đầu ngành công nghiệp điện thoại di động với sự ra đời chiếc điện thoại xe hơi đầu tiên của hãng. Năm năm sau, công ty tung ra sản phẩm Mobira Cityman, điện thoại cầm tay đầu tiên, với giá khoảng 6.000 USD.

Năm 1999, công ty giới thiệu Nokia 7110, trong đó có khả năng email và các chức năng Internet cơ bản. Một năm sau, cổ phiếu của Nokia đạt giá trị 300 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác ở châu Âu. Năm 2002, tờ New York Times đã đăng một bài viết cho biết vào năm 2001 khoảng 37 trong số 100 điện thoại di động lưu hành trên thế giới mang tên Nokia. Đến năm 2005, công ty đã bán được hơn 1 tỷ điện thoại trên toàn thế giới .

Ở đỉnh cao của triều đại điện thoại di động của mình, trong năm 2008, Nokia đã nắm giữ 40% thị phần điện thoại toàn cầu - tỷ lệ cao nhất mà công ty sẽ không bao giờ có được nữa.

Sự suy giảm của Nokia đến ngay sau đó khi đối thủ Apple giới thiệu iPhone vào năm 2007. Nhiều người đã cho rằng Nokia đã không chịu đầu tư vào điện thoại thông minh nên mới phải chịu sự suy giảm nhưng phải nói khách quan rằng, chiếc iPhone của Apple với những tính năng vượt trội, đặc biệt khi đón đầu kịp thời xu thế truyền thông di động Internet để tạo nên một cơn sốt, một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng công nghệ di động, từ đó đánh bật các hãng điện thoại động khác (trong đó có Nokia) trong cuộc đấu không cân sức.

Sự phát triển theo kiểu bùng nổ của iPhone và các loại điện thoại thông minh khác đã từng bước đẩy Nokia - vốn là ông vua của thời đại điện thoại chức năng cơ bản - khỏi vị trí quán quân trong thế giới điện thoại di động. Trong quý thứ ba năm 2010, thị phần thiết bị cầm tay trên toàn thế giới của Nokia đã giảm xuống 28,2% , và thị phần của Apple lúc đó chỉ là 3,2 % . Nhưng Apple bắt đầu lấn dần vào thị phần của Nokia cùng với đối thủ cạnh tranh khác đang nổi lên: Google. Hệ điều hành Android của "gã khổng lồ tìm kiếm" - cung cấp miễn phí cho các nhà sản xuất điện thoại di động - tỏ ra quá mạnh với đối thủ hệ điều hành Symbian của Nokia.

Khi thị phần giảm và người tiêu dùng chuyển sự chú ý của họ cho iPhone và điện thoại Android, Nokia hướng nhìn về "chiếc phao" Microsoft để chống lại các đối thủ cạnh tranh.

Trong năm 2011, hai công ty này đã chính thức hợp tác với nhau. Theo đó, Nokia cam kết tạo ra điện thoại thông minh mà có thể chạy trên hệ điều hành Windows Phone của Microsoft. Nhưng có vẻ như sự hợp tác này chưa thực sự hiệu quả khi dòng điện thoại Lumia của Nokia chạy hệ điều hành Windows Phone hiện nay chỉ chiếm khoảng 3,7% của thị phần hệ điều hành trên toàn thế giới (tính đến quý 2/2013). Trong khi đó, Apple đang nắm giữ vị trí thứ 2 về thị phần cho cả doanh số bán hàng thiết bị và hệ điều hành điện thoại thông minh, theo hãng phân tích thị trường Gartner.

Chỉ hai năm sau khi quan hệ đối tác ban đầu với Nokia, Microsoft đã mua hầu hết cổ phần công ty đối tác với giá khoảng 7,2 tỷ USD. Mảng kinh doanh mạng của Nokia sẽ vẫn còn, nhưng công ty này coi như đã bị Microsoft "thôn tính." Giờ đây tương lai phát triển của mảng thiết bị di động của Nokia sẽ là một phần của sự phát triển của Microsoft. Và với Microsoft, mặc cho dư luận chỉ trích cho sự chậm chân trong sản xuất thiết bị di động, thì họ vẫn có quyền tự tin vào triển vọng phát triển mảng kinh doanh này nhờ vào di sản huy hoàng của Nokia mà họ vừa tiếp nhận.

Tương lai mới của Microsoft

Trong khi còn quá sớm để kết luận việc hợp nhất giữa hai gã khổng lỗ Microsoft và Nokia sẽ tạo ra một cuộc bứt phá cho Microsoft trong cuộc đua với hai đối thủ đang ở thế thượng phong là Apple và Samsung thì ngay từ bây giờ, giới công nghệ có thể khẳng định rằng thương vụ hợp nhất trên là bước đi hợp lý của Microsoft, đúng định hướng chiến lược phát triển mới của hãng là "Một Microsoft" - thống nhất các mảng kinh doanh trong một chiến lược phát triển chung tương tự như môt hình của Apple.

Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là liệu Microsoft có thể giải quyết tốt hơn di sản của Nokia và những vấn đề tồn tại mà đối tác này chưa thể giải quyết được khi nó còn đứng độc lập.

Nhảy vào kinh doanh phần cứng, có nghĩa là Microsoft đã đưa ra lời "tuyên chiến" với Samsung, bán được hơn 75 triệu điện thoại trên toàn thế giới trong quý 2 năm nay và Apple đứng thứ hai.

Thêm vào đó, Microsoft sẽ tiếp tục phải đối mặt với cạnh tranh hệ điều hành của Apple và Google, có khả năng giữ vị trí hàng đầu trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, từ bài học kinh nghiệm rút ra từ thất bại của máy tính bảng Surface cho tới những phân tích rút ra từ những vấn đề tồn tại của Nokia, có thể là một khởi đầu mới cho Microsoft để đạt được một chỗ đứng vững chắc trong thị trường điện thoại thông minh. Với Microsoft ở giữa của một quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới , nhà đầu tư nên vui mừng khi thấy công ty tập trung vào làm cho các thiết bị riêng của mình, ngay cả khi nó chưa thấy rõ ràng tương lai phía trước.

Với việc mua lại của Nokia của Microsoft, giới công nghệ cũng kỳ vọng về một cuộc chiến "Tam quốc" mới thay thế cho các cuộc đua "song mã" đang dần nhàm chán giữa Samsung và Apple về lĩnh vực sản xuất phần cứng cùng như giữa Apple và Google về lĩnh vực hệ điều hành./.

Việt Đức (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.