Lần đầu tiên sau 20 năm, Microsoft có CEO kiêm nhiệm cả vị trí chủ tịch, danh tính "người bí ẩn" khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Satya Narayana Nadella sinh năm 1967 ở Hyderabad, Ấn Độ. Cha ông là một công chức nhà nước còn mẹ ông là giảng viên tiếng Phạn cổ. Từ khi còn nhỏ, Nadella đã mơ ước trở thành một vận động viên cricket chuyên nghiệp. Cho đến 1 ngày, Nadella nhận ra mình có niềm đam mê với công nghệ lớn hơn bất kỳ điều gì.

Năm 1992, Nadella gia nhập Microsoft, là 1 trong số 30 người nhập cư Ấn Độ làm việc tại đế chế 2.000 tỷ USD.

Satya Nadella thời kì mới gia nhập Microsoft.

Năm 1999. Sau khi cầm tấm bằng MBA, Nadella đảm nhận vai trò điều hành đầu tiên với tư cách là Phó chủ tịch Microsoft Central, một tập hợp các dịch vụ web dành cho các doanh nghiệp.

Năm 2001, Nadella trở thành Phó chủ tịch Microsoft Business Solutions – công ty con được thành lập thông qua một loạt vụ mua lại, bao gồm cả Great Plains, công ty sản xuất phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nadella tiếp tục thăng tiến vào những năm sau đó. Năm 2007, ông trở thành Phó chủ tịch của Microsoft Online Services, điều hành hoạt động của công cụ tìm kiếm Bing cũng như những phiên bản trực tuyến đầu tiên của Microsoft Office và dịch vụ game Xbox Live.

Tới tháng 2/2011, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ tịch của công ty Công cụ và Máy chủ. Khi Nadella tiếp quản, bộ phận này có doanh thu 16,6 tỷ USD nhưng tới năm 2013, con số này tăng lên 20,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời gian này Microsoft gặp bão lớn. Ở mảng máy tính cá nhân (PC), Windows 8 trở thành một thảm họa trong bối cảnh nhu cầu PC giảm. Cùng năm đó, Ballmer tuyên bố từ chức, Microsoft hoang mang tìm kiếm tân CEO để tiếp tục chèo lái con thuyền đang gặp sóng.

Tháng 2/2014, sau nhiều đồn đoán, Microsoft tuyên bố Nadella chính thức trở thành CEO mới với sự ủng hộ của cả Ballmer và Gates. Để lôi kéo Nadella đảm nhiệm vai trò này, ban lãnh đạo của Microsoft đã phê duyệt gói lương thưởng 84 triệu USD cho ông trong năm đầu tiên.

Satya Nadella từng từ bỏ thẻ xanh để có thể đưa gia đình sang Mỹ cùng mình.

Khi Satya Nadella "nắm quyền cai trị" Microsoft, đế chế công nghệ đình đám một thời này đã gần như thay đổi 180 độ.

Sau 5 năm hoạt động dưới sự dẫn dắt của CEO tài năng gốc Ấn Độ, Microsoft đã trải qua những bước chuyển mình mang tính chiến lược.

Giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gấp 3 lần so với trước khi Nadella xuất hiện, lần đầu tiên Microsoft vượt qua mức định giá 1.000 tỷ USD và cũng là lần đầu tiên khôi phục lại được vị trí của công ty có giá trị niêm yết công khai lớn nhất thế giới, vượt trên cả những ông lớn ở thời điểm hiện tại là Amazon và Apple.

Microsoft đã chính thức trở lại cuộc chơi của những kẻ mạnh nhất.

Vào tháng 12/2018, Comparably đánh giá Satya Nadella là CEO số 1 Hoa Kỳ, và rõ ràng điều này không phải do may mắn mà có được.

Một cách lặng lẽ, thông minh, và không hề phô trương, Satya Nadella đã biến Microsoft thành một doanh nghiệp hoàn toàn lột xác, sẵn sàng đương đầu với sự cạnh tranh công nghệ đến nghẹt thở trong thế kỷ 21 này.

Nadella cũng đứng sau nhiều thương vụ thâu tóm lớn nhất của Microsoft, gồm vụ mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD năm 2016 và gần đây hơn là thâu tóm trang chia sẻ code GitHub với giá 7,5 tỷ USD.

Vào 17/6/2021, CEO Satya Nadella vừa được thăng chức làm Chủ tịch HĐQT công ty, kiêm nhiệm thêm chức CEO như hiện tại ở một trong những công ty giá trị nhất thế giới.

Nắm trong tay 1,6 triệu cổ phiếu của Microsoft, nhưng Satya Nadella không có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới.

Ở tập đoàn 2.000 tỷ USD, Satya Nadella nhận được tổng lương thưởng khoảng gần 50 triệu USD, gấp 249 lần mức trung bình 172.512 USD của nhân viên Microsoft, ước tính tổng tài sản của vị CEO ở 1 con số khá khiêm tốn - 300 triệu USD.

Kết thúc ngày giao dịch vừa qua trên thị trường Mỹ, Microsoft vừa đạt một cột mốc mới khi giá trị vốn hóa của công ty lần đầu vượt mức 2.000 tỷ USD.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu Microsoft đã tăng 20%. Điều này giúp người khổng lồ phần mềm bám sát gót Apple trong cuộc đua trở thành công ty giá trị nhất thế giới.

Thanh Minh (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.