19/07/2021 4:11 PM
CafeLand - Khu vực này sẽ cần nhiều không gian văn phòng hơn trong mười năm tới, bất chấp thách thức từ xu hướng làm việc từ xa.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ cần 1,35 tỷ feet vuông văn phòng (tương đương 125 triệu mét vuông) trong thập kỷ tới, tăng 66% so với 800 triệu feet vuông được thuê bởi các doanh nghiệp trong 10 năm trước đó.

“55% khối lượng xây dựng văn phòng trên toàn thế giới là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ nay đến cuối năm 2024, chúng tôi dự kiến mỗi năm có khoảng 120 triệu feet vuông ​​diện tích văn phòng được xây dựng”, Matthew Bouw, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.

Nhân khẩu học, kinh tế và các yếu tố khác mà đang ảnh hưởng đến lĩnh vực văn phòng cũng sẽ thúc đẩy hoạt động của các loại hình bất động sản khác của khu vực trong thập kỷ này.

Trên toàn thế giới, 1,94 tỷ feet vuông văn phòng hạng A đã được xây thêm từ năm 2010 đến năm 2020. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm tỷ lệ lớn nhất với 42%, vượt qua cả Châu Âu và Châu Mỹ.

“Nhu cầu văn phòng tại Châu Á chịu tác động từ các xu hướng gồm tăng trưởng dân số, tăng trưởng GDP, sự phát triển của người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, và tăng trưởng lao động trí thức. Thế giới sẽ cần 2,1 tỷ feet vuông văn phòng trong thập kỷ tới, 65% trong đó nằm ở Châu Á – Thái Bình Dương”.

Bouw cho biết sự tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản ở Châu Á – Thái Bình Dương cho đến năm 2030 chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng ​​của các nền kinh tế trong khu vực.

“Nền kinh tế thế giới nó sẽ tăng trưởng từ 87 nghìn tỷ USD lên khoảng 114 nghìn tỷ USD đến cuối thập kỷ này. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu”, ông nói.

“Châu Á – Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu không chỉ với tư cách là nền kinh tế khu vực lớn nhất trên thế giới, mà còn là nền kinh tế khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới”.

Ông nói thêm rằng vào cuối thập kỷ này, nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm 40% tổng sản lượng GDP của thế giới. Dẫn đầu mức tăng trưởng này là Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực ASEAN.

“Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 8 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Điều đó tương đương với mức tăng trưởng 59% của nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, từ khoảng 14 nghìn tỷ USD lên 22 nghìn tỷ USD, và gấp ba lần quy mô của kinh tế Pháp”.

“Nền kinh tế Mỹ được ước tính sẽ tăng trưởng 25% vào thời điểm đó. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới”, ông nói thêm.

Kinh tế Ấn Độ được cho là sẽ cải thiện trong thập kỷ tới, cùng với các nước ASEAN như Indonesia, Việt Nam và Philippines.

“Ấn Độ hiện được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới. Vào cuối thập kỷ này, nó sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư, được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 67%”, Bouw lưu ý.

“ASEAN đứng thứ ba về kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, gồm 10 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh ở Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam và Philippines. Khối này có tổng dân số là 667 triệu người và GDP của khối này được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 4,6% mỗi năm trong suốt thập kỷ tới. Mức tăng trưởng này thật ấn tượng khi so sánh với các khu vực khác như Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (1,6%) và châu Mỹ (2,15%)”.

Hoạt động của thị trường bất động sản cũng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện có 7,8 tỷ người trên thế giới thì 3,7 tỷ được phân loại là tầng lớp trung lưu, trong đó 2 tỷ hoặc 54% sống ở khu vực này. Trong thập kỷ này, từ năm 2020 đến năm 2030, thế giới sẽ có thêm khoảng 1,67 tỷ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, trong đó khoảng 1,5 tỷ người sẽ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

“Điều này có nghĩa là tại Châu Á – Thái Bình Dương, tất cả các loại hình bất động sản, cho dù đó là văn phòng, bán lẻ, công nghiệp, hậu cần, khách sạn, nhà ở, đều sẽ chứng kiến nhu cầu tăng trưởng đáng kể trong suốt thập kỷ này”, Bouw lưu ý.

Lam Vy (REA)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.