02/04/2021 9:55 AM
CafeLand - Khối lượng vốn trên thế giới đổ vào bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ ngày càng tăng, tập trung vào các lĩnh vực hậu cần, khu công nghiệp và trung tâm dữ liệu.

Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield, tổng khối lượng đầu tư vào bất động sản (không bao gồm các khu vực phát triển) ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021 có thể đạt ngưỡng 165 tỷ USD, bằng khoảng 90% so với năm 2019. Điều này là do niềm tin của nhà đầu tư lớn hơn khi châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế trên toàn thế giới. Thị trường bất động sản tại khu vực này cũng đang trên đà tích cực nhờ sự gia tăng đầu tư trong quý cuối cùng của năm 2020.

Các nhà đầu tư bất động sản đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng trong phần lớn thời gian của năm 2020 khi đại dịch càn quét toàn thế giới, dẫn đến tổng khối lượng đầu tư (không bao gồm các khu vực phát triển) trên toàn cầu giảm gần 29% trong năm ngoái. Là khu vực đầu tiên phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19, thị trường châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng trong suốt nửa đầu năm 2020, nhưng đã tăng lên vào quý 4 năm 2020 với Trung Quốc và Hàn Quốc dẫn đầu về thu hút vốn trong khu vực.

Francis Li, Giám đốc Quốc tế kiêm Trưởng bộ phận Thị trường Vốn tại Trung Quốc Đại lục của Cushman & Wakefield cho biết: “Chúng tôi nhận thấy khối lượng vốn trên thế giới đổ vào bất động sản của khu vực này ngày càng tăng, tập trung vào các tài sản hậu cần, khu công nghiệp và trung tâm dữ liệu của Trung Quốc nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về công nghệ cao và thương mại điện tử. Các lĩnh vực văn phòng và bán lẻ của Trung Quốc cũng nằm trong số các thị trường hoạt động tốt nhất trên toàn cầu. Mặc dù có thêm nhiều nguồn cung mới trong ngắn hạn, chúng tôi tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng về trung và dài hạn của Trung Quốc khi nước này tiếp tục đi đầu trong phát triển cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và đổi mới. "

Bức tranh đầu tư trên toàn cầu

Các nền kinh tế, thị trường cho thuê và thị trường vốn trên toàn cầu sẽ bắt nhịp được với tình hình đại dịch trong năm nay. Trái ngược với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trước đó, hoạt động đầu tư được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường cho thuê trong quá trình phục hồi của lĩnh vực bất động sản nhờ điều kiện tài chính mạnh mẽ.

Thị trường vốn toàn cầu đã trải qua nhiều bất ổn trong năm 2020. Năm 2021 hứa hẹn nguồn vốn sẽ ổn định hơn khi lãi suất cơ bản thấp, vốn chủ sở hữu cao, và mức định giá hấp dẫn của bất động sản. Trong đó, bất động sản hậu cần và chung cư đã là 'những người chiến thắng đại dịch' và sẽ vẫn là những khoản đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu. Tuy nhiên, các lĩnh vực văn phòng và bán lẻ vẫn sẽ mang lại cơ hội đầu tư khi chúng tiếp tục phát triển phù hợp với sự thay đổi của mô hình làm việc, sinh sống và mua sắm.

Catherine Chen, Giám đốc và Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Vốn tại Trung Quốc Đại lục của Cushman & Wakefield, cho biết: “Đối với các khoản đầu tư cốt lõi, chúng tôi đề xuất các bất động sản văn phòng tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc và các thành phố công nghệ đang phát triển như Hàng Châu, cũng như các trung tâm hậu cần ở cấp 1 và các thành phố vệ tinh. Các trung tâm mua sắm chất lượng cao và bán lẻ ở các thành phố cấp 1 và thủ phủ của các tỉnh cũng là những lựa chọn khôn ngoan cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm với khả năng quản lý vững chắc. Nếu muốn gia tăng giá trị, các dự án chuyển đổi và tái tạo đô thị sẽ là những lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có định hướng dài hạn, có khả năng tiếp cận các cơ hội, và quan hệ đối tác địa phương tốt. Cuối cùng, đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội, hãy lưu ý đến các bất động sản hoạt động kém hiệu quả và/hoặc gặp khó khăn tài chính do các nhà phát triển sử dụng đòn bẩy quá mức, cùng sự bùng nổ du lịch sau đại dịch tại các điểm đến chẳng hạn như Hồng Kông”.

Đầu tư vào châu Á - Thái Bình Dương tăng mạnh

Châu Á - Thái Bình Dương ​​sẽ chứng kiến ​​động lực ngày càng tăng trong hoạt động đầu tư, mặc dù tốc độ phục hồi sẽ khác nhau đối với các thị trường khác nhau. Trong đó, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore và Úc được dự báo sẽ thu hút nguồn vốn mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế vào lĩnh vực bất động sản.

Về mặt loại hình, bất động sản hậu cần sẽ vẫn là trọng tâm chính khi thương mại điện tử và chuỗi cung ứng tiếp tục phát triển. Các lĩnh vực hậu cần và công nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương có quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ, cũng được hưởng lợi từ chi phí tương đối thấp và dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tăng. Đặc biệt, Trung Quốc đại lục dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​mức tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử cao nhất trong 5 năm tới, tăng gấp đôi từ 863 tỷ USD vào năm 2020 lên 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Các trung tâm dữ liệu tiếp tục cung cấp tiềm năng tăng trưởng to lớn, được hưởng lợi từ sự tăng tốc trong kết nối điện toán đám mây. Các thị trường châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ hoạt động như các điểm đến của trung tâm dữ liệu do sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ và mạng lưới kết nối tới nhiều quốc gia.

Văn phòng vẫn sẽ là một tài sản đầu tư được săn đón, đặc biệt là những văn phòng ở vị trí đắc địa. Khi các công ty tính toán tác động của làm việc từ xa đối với nhu cầu sử dụng văn phòng và bắt đầu đưa ra các cam kết dài hạn, thị trường văn phòng sẽ có động lực tăng trong nửa cuối năm nay. Trung Quốc đại lục dự kiến ​​sẽ tiếp tục dẫn đầu nhu cầu về người sử dụng văn phòng vào năm 2021 nhờ sự kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Các cửa hàng tiện lợi và tiện ích bán lẻ mang tính địa phương sẽ vẫn có khả năng phục hồi như đã được chứng minh trong thời kỳ đại dịch cho đến nay. Tuy nhiên, các không gian bán lẻ mang tính trải nghiệm vốn đã gặp nhiều khó khăn do các hạn chế của đại dịch, đặc biệt là những nhà bán lẻ phụ thuộc vào du lịch quốc tế, ​​sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Lam Vy (Taiwan News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.