18/07/2018 8:22 AM
CafeLand - Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dưới rất nhiều sức ép lên tiền đồng như hiện nay, cùng với hiện tượng tỷ giá USD tự do tăng nóng, rất có thể đang có hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các nhà đầu cơ.

Tỷ giá tiếp tục nóng từ cuối tuần trước tới nay. Tỷ giá USD trên thị trường tự do liên tục lập đỉnh mới, từ 23.300 đồng/USD đến 23.330 đồng/USD. Đây là một hiện tượng lạ, có phần ngược chiều với giá USD trên thế giới.

Để làm rõ nguyên nhân tỷ giá tiếp tục tăng nóng trong thời gian vừa qua, CafeLand đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – ngân hàng để làm rõ hơn vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, ngân hàng

CafeLand: Trong một vài ngày trở lại đây, tỷ giá USD tiếp tục tăng nóng với diễn biến mạnh trên thị trường tự do. Xin ông cho biết ý kiến của mình về tình trạng này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tỷ giá đang chịu rất nhiều áp lực từ bên ngoài như việc đồng nhân dân tệ (CNY) phá giá, có thời điểm đã lên tới 6,69 CNY/USD. Và tôi dự đoán rằng, việc đồng nhân dân tệ phá giá sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Việc này càng tạo áp lực lên tỷ giá tiền đồng khi chúng ta muốn giữ ổn định giá đồng Việt Nam với USD.

Trước những áp lực nói trên, rất có thể có hiện tượng găm giữ ngoại tệ trong người dân và giới đầu cơ. Họ chờ đợi đến một thời điểm giá USD lên cao hơn sẽ bán ra để lấy lời.

Có một hiện tượng cần được giải thích là giá USD trên thị trường tự do thì tăng nóng nhưng giá USD tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay các ngân hàng thương mại thì không có nhiều biến động. Tại sao vậy, thưa ông?

Tôi nghĩ điều này không quá khó hiểu khi NHNN vẫn đang mong muốn giữ ổn định tỷ giá, neo tiền đồng với USD. Vì muốn giữ ổn định nên dù trên thị trường tự do tỷ giá tăng nóng, giao dịch sôi động thì NHNN sẽ vẫn giữ tỷ giá trung tâm thấp hơn để ghìm cương tỷ giá. Chưa kể tới việc, ngoài thị trường tự do dễ diễn ra hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các nhà đầu cơ.

Tuy nhiên, việc giữ tỷ giá ổn định như vậy vẫn sẽ chịu áp lực rất lớn từ diễn biến tỷ giá trên thế giới, khi đồng USD dự báo sẽ tăng giá tiếp, còn CNY tiếp tục phá giá. Điều này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc và khuyến khích hàng hoá Trung Quốc ồ ạt chảy sang Việt Nam.

Vậy thưa ông, trước bài toán CNY phá giá, USD tăng giá, chính sách tiền tệ phải làm gì để Việt Nam có lợi nhất trong “cuộc chiến” này?

Tôi dự đoán rằng đồng CNY sẽ còn mất giá thêm khoảng 3% nữa trong thời gian tới. Cụ thể, vào thời điểm tháng 12/2016, có lúc tỷ giá CNY/USD đã lên tới mức 6,95 CNY/USD. Dường như không có một trần phá giá nào của đồng CNY với USD cả, vì thế nó còn rất nhiều dư địa để phá giá. Việc phá giá tới đâu chỉ phụ thuộc và Chính phủ Trung Quốc và ngân hàng Trung ương của nước này thôi.

Cùng với đó, USD sẽ có thêm khoảng 2 lần tăng lãi suất từ nay tới cuối năm. Vì thế chính sách tiền tệ của chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để làm sao cân bằng giữa 2 thái cực.

Trung Quốc là quốc gia chúng ta nhập siêu lớn nhất, nên nếu cứ tiếp tục giữ tiền đồng ổn định với USD sẽ làm tăng giá tiền đồng với CNY, làm hàng Trung Quốc đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và xuất khẩu của ta sang Trung Quốc ngày càng hạn chế.

Vì vậy, điều này tuỳ thuộc rất lớn vào quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước muốn ổn định giá tiền đồng với USD hay cũng phá giá tiền đồng.

Muốn ổn định tiền đồng, NHNN có thể dùng tới quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thị trường, giữ tiền đồng ổn định. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lạm dụng phương án này sẽ gây thất thoát dự trữ ngoại hối lớn.

Còn nếu NHNN muốn vận hành theo cung cầu, thì tỷ giá thời gian tới sẽ tăng lên khá nhanh và mạnh trước áp lực phá giá từ đồng CNY.

Theo quan điểm của tôi, để đồng Việt Nam phá giá khoảng 3% trong năm nay là hợp lý. Từ đầu năm tới nay đã phá giá trên 1%. Vì vậy, từ nay tới cuối năm tiền đồng phá giá thêm 1,5% là hợp lý.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên ứng phó ra sao với tình trạng này, thưa ông?

Riêng với các doanh nghiệp, để đối phó với tình trạng tỷ giá tăng và có nguy cơ tăng cao trong những tháng cuối năm thì nên mua hợp đồng tương lai với các ngân hàng. Như vậy sẽ có một lượng ngoại tệ đảm bảo sẵn cho doanh nghiệp với giá cả thoả thuận từ trước.

Tuy nhiên, hiện nay giá mua USD trong hợp đồng tương lai đang nương vào chênh lệch lãi suất giữ USD và đồng Việt Nam. Nên có thể doanh nghiệp sẽ thấy giá mua ngoại tệ khá cao so với việc nếu tỷ giá ổn định không tăng nhiều và mua ngay thời điểm cần. Nhưng việc mua ngay cũng có những rủi ro nhất định về giá cả, đặc biệt trong tình trạng giá USD khó lường như hiện nay.

Vì vậy, thiết nghĩ các doanh nghiệp muốn chắc chắn thì vẫn nên mua hợp đồng tương lai với thoả thuận từ trước về giá và cam kết của ngân hàng sẽ bán số USD đó cho doanh nghiệp.

Nói tóm lại, có thể thấy NHNN đang ở vào thế đi dây, làm sao để cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Nếu lãi suất thấp có thể dẫn tới tình trạng chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD co lại, sẽ khuyến khích người dân mua USD để tích trữ. Còn nếu giữ lãi suất ở mức cao sẽ khó hỗ trợ được sản xuất, tăng trưởng. Đó là 2 tình huống nghịch nhau và là 2 mặt của một chính sách, khó thoả mãn nhiều điều kiện trong cùng một thời điểm.

Xin cảm ơn ông!

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.