22/09/2023 3:25 PM
Các công ty mà không vay được để sản xuất kinh doanh không phải vì ngân hàng không cho vay mà do bản thân doanh nghiệp không muốn vay.

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ tại hội thảo “Bất động sản phía Nam đón đầu cơ hội phát triển hạ tầng” do CafeLand tổ chức sáng ngày 20.9, TS.Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho biết, vào cuối năm 2022, các chuyên gia lo lắng về hệ thống tài chính tiền tệ, vấn đề tăng lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp, CPI. Tuy nhiên, giai đoạn đó, những chính sách của Chính phủ đang từng bước giúp ổn định thị trường. Liên tục từ tháng 4.2022 đến hết năm 2022, nhiều chính sách, nghị định, thông tư được ban hành đã dìu bước nền kinh tế đi qua từng khó khăn. Trong thời điểm hiện tại, thị trường đang được điều tiết tốt hơn về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

“Diễn biến kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 mặc dù GDP giảm, còn nhiều khó khăn nhưng không có dấu hiệu sụp đổ. Đó là tín hiệu tích cực”, TS Hiển nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 đi ngược với năm 2022. Từ tháng 1.2022, kinh tế tăng trưởng trở lại sau giãn cách xã hội. Đến tháng 6.2022, khi các vấn đề nóng về tín dụng xuất hiện, thị trường có xu hướng đi xuống. Ngược lại, từ tháng 1.2023 kinh tế đi xuống, tháng 7, tháng 8 có những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế do lãi suất đã ổn định, tiền trong ngân hàng sẵn sàng cho vay và thực sự cho vay nếu muốn mua bất động sản.

Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp chia sẻ không vay được để sản xuất kinh doanh. Lý giải cho câu chuyện này, ông Hiển cho rằng, các công ty mà không vay được để sản xuất kinh doanh không phải vì ngân hàng không cho vay mà do bản thân doanh nghiệp không muốn vay.

“Ngân hàng sẵn sàng trải thảm cho vay nhưng doanh nghiệp than không vay được, không phải vì ngân hàng không muốn cho vay, mà bản thân doanh nghiệp không chịu, không chấp nhận khắc phục những bất cập trong sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp này đòi hỏi ngân hàng phải cấp vốn để tiếp tục sản xuất”, ông Hiển cho hay.

Theo ông, trong 6 tháng này, chúng ta đã chấp nhận sự thận trọng của Chính phủ, không cung tiền ồ ạt. Nhà đầu tư cá nhân nhận thấy thị trường suy thoái, nhưng kinh tế vĩ mô thì không hoàn toàn suy thoái.

Mặc dù bất động sản có dấu hiệu trì trệ theo góc nhìn tăng giá, nhưng nền kinh tế có niềm tin về sự phục hồi và tăng trưởng. Đó là một khởi đầu mới mang lại niềm tin cho thị trường.

“Thực tế, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã thoát khỏi những mối lo rất lớn về sự sụp đổ của nền kinh tế và hệ thống tài chính, tiền tệ. Đây là một trong những điểm tích cực trong giai đoạn 8 tháng đầu năm 2023”, ông Hiển nhấn mạnh.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam không nằm trong vùng tăng trưởng âm. Đây là điều Việt Nam đã làm tốt trong việc điều hành chính sách để tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của một nền kinh tế.

So sánh thời điểm hiện tại với giai đoạn 2011 – 2015, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính cho rằng hai giai đoạn này có những điểm khác. Thời điểm 2011-2015, lạm phát có khi lên đến 15%, trong khi đó lạm phát hiện tại của Việt Nam đang khoảng 4 – 5%. Như vậy, giai đoạn này kinh tế vĩ mô, tài chính ổn định hơn. Đó là công lao của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.