Các ngân hàng đang tích cực huy động vốn?
Từ cuối tháng 3 đến nay, quy mô giao dịch vay mượn vốn giữa các ngân hàng tăng đột biến. Vào đầu tháng 5, trung bình mỗi ngày các tổ chức tín dụng vay mượn nhau tới hơn 147.000 tỷ đồng, tăng 14% so với trước đó. Điều này khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng, ghi nhận tăng hơn 1 điểm % trong các kỳ hạn. Cụ thể, trong 2 tháng qua, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng từ mức 0,26%/năm lên 1,35%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng từ mức 0,41%/năm lên 1,49%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng từ mức 0,43%/năm lên 1,59%/năm.
Các ngân hàng thương mại phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn
Gần đây, lãi suất huy động cũng bất ngờ nhích lên. Theo một thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố, lãi suất huy động trung bình tăng 0,02 - 0,03%/năm đối với 2 kỳ hạn là 6 tháng và 12 tháng. Thị trường tiền tệ tháng 5 đang ghi nhận xu hướng trái ngược trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Trong khi nhóm ngân hàng có vốn hoá nhỏ (dưới 5.000 tỷ đồng) có với mức tăng 0,06%/năm ở cả 2 loại kỳ hạn. Trong khi đó, nhóm ngân hàng vốn hoá lớn gần như không thay đổi lãi suất huy động, chỉ tăng 0,01%/năm với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
Các nhà băng còn tăng cường phát hành trái phiếu bổ sung cho nguồn vốn hoạt động với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm từ 1 - 1,2%/năm. Đơn cử VietinBank vừa tuyên bố phát hành thành công 1.500 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn 8 năm, lãi suất 6,475%/năm và 85 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lãi suất 6,7%/năm. Agribank cũng vừa phát hành 1.789 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn 7 năm, lãi suất phát hành thực tế 6,88%/năm...
Vì sao?
Trong năm nay, tính tới ngày 19/3, tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,41% và tiếp tục tăng mạnh lên mức 3,34% tại ngày 16/4, trong khi tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54%. Riêng tại TP HCM, tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm tăng mạnh 3,01%, trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 0,65%. Điều này khiến cho thanh khoản giảm, NIM mỏng hơn và tăng trưởng vốn không đáp ứng kịp nhu cầu tín dụng.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng nhu cầu tín dụng tăng cao khi giá bất động sản ở một số phân khúc đang tăng mạnh dẫn tới tình trạng “sốt ảo” và thị trường chứng khoán đã có sự bứt phá ngoạn mục vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Biến động ở thị trường 1 đã kéo theo những thay đổi trên thị trường 2, nhất là khi mới đây có thông tin cho rằng cung tiền trên thị trường đang rất cao và việc tập trung chủ yếu ở mảng bất động sản và chứng khoán có thể dẫn tới “bong bóng” trên hai thị trường tài sản này. Nhiều ngân hàng đã tham gia vào thị trường 2 để tạo tính thanh khoản và duy trì dự trữ bắt buộc.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng các ngân hàng thương mại phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh dòng vốn trong dân cư đang bị hút sang các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán. Mặt bằng lãi suất sẽ giữ nguyên hoặc nhích nhẹ trong các tháng cuối năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định có thể các ngân hàng đang thiếu vốn do mạnh tay cho vay hơn bởi lạc quan trước tình hình thị trường. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chủ động cho vay ngay từ những tháng đầu năm, chứ không để đến nửa cuối năm mới đẩy mạnh như nhiều năm trước. Tuy nhiên, việc huy động lại không song hành với thực tế cho vay, nên đã có những khó khăn nhất định về thanh khoản, nhất là các ngân hàng nhỏ.
Trước nhu cầu vay vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp, từ quý 2/2021 trở đi, lãi suất sẽ chịu thêm áp lực lạm phát khi cung tiền trên thị trường tăng. Đặc biệt, cung tiền M2, một trong những chỉ số ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam đang rất cao khi so sánh với tốc độ tăng trưởng GDP.
Lạm phát duy trì ở mức cao đang tạo áp lực lên chính sách tiền tệ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 đã tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 2,7% so với cùng kỳ (so với mức 1,2% vào tháng 3/2021).
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) nhận định rằng lãi suất huy động thời gian tới có thể sẽ tăng nhẹ do vấn đề lạm phát. Giá cả một số hàng hóa trên thị trường thế giới hiện nay đã tăng, lạm phát ở các nước cũng đã cao hơn trước. Dự báo lãi suất liên ngân hàng ở quanh mức 2%/năm, còn lãi tiền gửi tiết kiệm có thể sẽ tăng chậm hơn liên ngân hàng.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích, công thức chung của cơ quan quản lý khi lạm phát tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng sẽ là: thứ nhất, hạn chế tín dụng; thứ hai, lãi suất sẽ tăng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ khó sử dụng những công cụ này trong bối cảnh đang áp dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm chống chọi trước đại dịch Covid-19, bao gồm giãn thời gian vay, hạn chế tăng lãi suất, bơm tiền cho doanh nghiệp.
Bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Khối Quản trị Tài chính và Nguồn vốn của Ngân hàng SCB thì cho biết một trong những nguyên nhân khiến lãi suất VND tăng trên thị trường liên ngân hàng là do tháng 4 vừa qua, lãi suất trái phiếu tăng, các ngân hàng tận dụng mức chênh lệch để giao dịch. Thống kê cho thấy, có 26.302 tỷ đồng trái phiếu được huy động thành công trong tháng 4/2021 từ Kho bạc Nhà nước, tăng 115% so với tháng 4 và tăng 756% so với cùng kỳ năm 2020.
Một lý do nữa là nếu trước đây các ngân hàng có hai kênh hỗ trợ thanh khoản từ cơ quan quản lý Nhà nước là kênh thị trường mở OMO và việc mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thì hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn, khiến việc bơm tiền đồng để hỗ trợ thanh khoản thông qua động thái mua vào ngoại tệ bị hạn chế khá nhiều.
-
Lãi suất tiền gửi bất ngờ tăng trở lại
Sau nhiều tháng đứng ở mức thấp, lãi suất huy động bật tăng trở lại tại một số ngân hàng.
-
IMF: Thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lãi suất toàn cầu lên cao
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, vừa đưa ra cảnh báo rằng các mối đe dọa về thuế quan từ Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khiến chi phí vay dài hạn trên toàn cầu tăng cao....
-
Chuyên gia tài chính: “Nếu bạn đặt tiền đúng nơi, năm 2025 sẽ là một năm thuận lợi cho người tiết kiệm”
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025...
-
Vì sao Trung Quốc tránh giảm nhanh lãi suất?
Trung Quốc tránh cắt giảm lãi suất quá nhanh, đồng thời hút về lượng tiền mặt lớn nhất kể từ năm 2014 thông qua một công cụ chính sách.