Ai chả thích làm giàu. Nhưng đó phải là việc làm giàu chính đáng, nhất là làm giàu không chỉ cho riêng mình mà cho cả đơn vị mình, thậm chí cho cả đất nước mình. Điều đó dễ mấy ai làm được. Thế mà tôi quen biết một người như vậy.
Sinh viên trường Đại học FPT Ảnh: Quốc Dũng
Đó là PGS.TS Trương Gia Bình. Anh kém tôi tới 18 tuổi, nghĩa là khi tôi tốt nghiệp Đại học (1956) thì anh mới ra đời. Vậy mà đã từ lâu tôi coi anh như một thần tượng, tốt nghiệp khoa Toán Cơ, Đại học Tổng hợp Lomonosov năm 1979. Bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là TS) vào năm 1983. Đạt danh hiệu Phó giáo sư năm 1991. Tôi thân hơn với anh từ khi anh là người gắn bó với GS Nguyễn Văn Đạo, người đồng học của tôi và sau là chef của tôi (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài). Anh là một mẫu hình trí thức của thời đại mới, biết vươn lên bằng trí tuệ của chính mình và biết nâng cao trí tuệ ấy lên bằng trí tuệ của những đồng nghiệp do anh tạo dựng lên. Anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế ( Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng các nhà doanh nghiệp Trẻ Việt Nam (1998-2005). Với từng ấy nhiệm vụ nhưng anh có lối làm việc rất khoa học, biết dựa vào các đồng nghiệp trẻ và giỏi nên anh đã và đang rất thành công trong sự nghiệp của mình.
Tôi chỉ muốn kể ít nhiều thành công của anh gắn liền với sự phát triển bền vững và nhanh chóng của Tập đoàn FPT.
Tập đoàn FPT ra đời vào ngày 13-9-1988, với tên gọi Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm (The Food Processing Technology Company), kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Khi đó anh mới 32 tuổi. Bằng sự chuyển hướng bắt đầu từ sự kiện ký Hợp đồng cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và việc đặt quan hệ với hãng máy tính Olivetti năm 1989, ngày 27-10-1990 Công ty đổi tên thành Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ (The Corporation for Financing and Promoting Technology) với định hướng kinh doanh tin học. Khi đó anh mới 34 tuổi. Sự thông minh mở đầu bằng việc chuyển hướng hoàn toàn mục tiêu của doanh nghiệp nhưng vẫn giữ được danh hiệu FPT với ba màu sắc truyền thống trong biểu tượng là Lam, Da cam. Lục. FPT lớn nhanh như Phù Đổng. Sau 8 năm hoạt động, đến năm 1996 FPT khẳng định vị trí số 1 trên thị trường tin học Việt Nam. Với nhiều năm liên tiếp được bạn đọc của Tạp chí PC World bình chọn là công ty tin học uy tín nhất Việt Nam. Hướng tới mục tiêu Toàn cầu hóa Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm (tiền thân của Công ty Phần mềm FPT – FPT Software) được thành lập vào cuối năm 1999 với mục tiêu xuất khẩu phần mềm sang châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Các chi nhánh FPT tại Bangalore (Ấn Độ) và Văn phòng FPT tại Mỹ lần lượt được thành lập vào năm 1999, 2000.

Ông Trương Gia Bình

Tháng 3-2002, FPT cổ phần hóa. Ngày 13-12-2006, cổ phiếu FPT chính thức niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (nay là Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh – HOSE). FPT liên tục tăng trưởng trên 50%/năm kể từ năm 2002 và năm 2008 đã cán đích doanh thu 1 tỷ USD. Năm 2008, đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần FPT và tái khẳng định ngành nghề kinh doanh cốt lõi gồm viễn thông, công nghiệp nội dung và các dịch vụ công nghệ thông tin. Năm 2010, lần đầu tiên sau 22 năm hoạt động FPT thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho chiến lược tiến vào thị trường đại chúng của FPT. Năm 2011, với Chiến lược One FPT – bằng lộ trình 13 năm (2011-2024) nhằm mục tiêu "FPT phải trở thành Tập đoàn Toàn cầu Hàng đầu của Việt Nam”, quyết tâm lọt vào danh sách Top 500 trong Forbes Global 2000 vào năm 2024. Trương Gia Bình đã xác định tầm nhìn của Tập đoàn FPT là "FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”.
Tập đoàn FPT hiện đang quản lý 7 Công ty và đơn vị nào cũng có thể coi là hùng mạnh. Đó là Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom); Công ty dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online); Công ty Phần mềm FPT (FPT sofware); Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT Information System); Công ty Thương mại FPT (FPT Trading); Công ty Bán lẻ FPT (FPT Shop) và Đại học FPT (FPT University). Lĩnh vực nào cũng phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Nếu kể cả các Công ty nhỏ hơn thuộc FPT thì hiện nay Tập đoàn FPT có tới 83 công ty thành viên và các đơn vị trực thuộc hoạt động trong tất cả các lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông với gần 10.000 cán bộ và chuyên gia. Trong 3 năm tới, doanh số sẽ vượt trên 2 tỷ USD. FPT hiện là đối tác của hơn 200 tập đoàn công nghệ lớn nhất trên toàn cầu.
Chỉ nhìn vào vài con số gần đây nhất: Năm 2012, trong khi phần lớn các doanh nghiệp lao đao do khủng hoảng kinh tế thì mảng xuất khẩu phần mềm của FPT vẫn duy trì được mức tăng trưởng 30%, đạt doanh thu 81 triệu USD và mục tiêu năm 2013 phải đạt doanh thu 100 triệu USD. FPT đang triển khai các giải pháp và phát triển ứng dụng trên nền tảng "Điện toán đám mây” của Amazon với một công ty sản xuất tivi hàng đầu Nhật Bản và hợp đồng với một hãng Hàng không lớn vào bậc nhất Hoa Kỳ. Trong kế hoạch doanh thu năm 2013, Tập đoàn FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận. Dự kiến phân bổ: Phân phối và sản xuất phần mềm moble- 29%; Phân phối và sản xuất sản phẩm IT- 22%; Viễn thông -12%; Tích hợp hệ thống- 11%; Phát triển phần mềm -10%; bán lẻ- 7%; Nội dung số -4% Dịch vụ tin học- 3% và đào tạo -2%. Ngày 18-6-2013, Tập đoàn FPT cho biết, kết thúc 5 tháng đầu năm, doanh thu toàn tập đoàn 9.793 tỷ đồng (đạt 106% kế hoạch 5 tháng) tương đương 36% kế hoạch năm. FPT đang hướng tới chuyển dịch cùng với toàn thế giới từ mô hình Máy chủ-Máy trạm (Client-Server) sang Công nghệ Di động- điện toán đám mây, dữ liệu lớn. Tổng Giám đốc Trương Gia Bình khẳng định: "Sức mạnh của FPT là tất cả các công nghệ đó chúng tôi đều có đủ chuyên gia giàu kinh nghiệm”.
Ngày 6-5-2013, Tập đoàn Truyền thông Nhật Bản Nikkei công bố, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT được nhận giải thưởng trị giá 30.000 USD của tập đoàn này. Lần đầu tiên trong 18 năm tổ chức giải thưởng, Nikkei lựa chọn một doanh nhân Việt Nam để trao tặng. Được biết, hằng năm Nikkei sẽ trao giải thưởng Nikkei Asia cho 3 cá nhân, tổ chức tiêu biểu nhất của châu Á trong 3 lĩnh vực: Phát triển khu vực; khoa học, kỹ thuật và đổi mới, văn hóa. Với giải phát triển khu vực, ông Trương Gia Bình là người trẻ nhất trong số 3 người được vinh danh tại giải thưởng Nikkei Asia 2013. Hai người đoạt giải còn lại là giáo sư người Ấn Độ Tejraj Aminabhavi (66 tuổi) được trao giải trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và đổi mới và ông Vann Molyvann (86 tuổi) - kỹ sư người Campuchia được trao giải trong lĩnh vực văn hóa. Mỗi cá nhân đoạt giải sẽ nhận được phần thưởng trị giá 3 triệu yen (tương đương hơn 30.000USD), đồng thời được mời tham gia Hội thảo quốc tế "Tương lai châu Á” do Nikkei tổ chức. Ông Bình cho biết, ông sẽ tặng toàn bộ số tiền giải thưởng 3 triệu yen cho cán bộ-nhân viên FPT Software đang làm việc tại Nhật Bản để tỏ ý cảm ơn những nhân viên FPT tại nước này. Nhờ nỗ lực và quyết tâm của họ mà FPT mới có được vị trí tại thị trường Nhật như ngày hôm nay.
Tôi muốn nói phần doanh thu thấp nhất là 2% nhưng lại là phần gây ấn tượng rất lớn đối với số đông bạn trẻ. Đó là việc thành lập Trường Đại học tư thục FPT theo quyết định số 208/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 8-9-2006. Trong muôn vàn khó khăn, Đại học FPT đã hoàn thiện cơ sở vật chất của mình tại địa điểm nằm trên đường Phạm Hùng (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng như cơ sở đào tạo tại khu Công viên phần mềm Quang Trung, TP. Hồ Chí Minh để đào tạo hàng nghìn sinh viên. Trường đã có kế hoạch triển khai xây dựng sớm một quần thể đại học hiện đại với đầy đủ các tiện nghi trên một diện tích hơn 30ha tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trường cũng dự kiến sẽ có các Phân hiệu tại các thành phố lớn trên cả nước trong vòng 3-5 năm tới. Sinh viên sẽ được tiếp xúc và làm việc với các trang thiết bị đào tạo hiện đại nhất, có điều kiện học ngoại ngữ trong môi trường quốc tế, thực hành trên máy tính và các thiết bị công nghệ hiện đại nhất, được học trong môi trường có hệ thống mạng không dây kết nối Internet 24/24, được tiếp xúc với thư viện hiện đại và cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế. Có lẽ không sai khi coi Đại học FPT là ngọn cờ về mọi mặt của tất cả các Đại học tư thục ở Việt Nam.
Một kỷ niệm đối với tôi là vào một ngày TGĐ Trương Gia Bình mời tôi với tư cách là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam đến thuyết trình về các nguyên lý của Di truyền học. Hóa ra, ông TGĐ trẻ tuổi này nghĩ đến việc xây dựng một truyền thống cơ bản của FPT mà ông coi là cốt lõi cần được tiếp nối qua nhiều thế hệ - Đó là tính thông minh.
Trương Gia Bình đã xác định tầm nhìn của Tập đoàn FPT là "FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”.
Nguyễn Lân Dũng (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.