Không tìm được trang phục ưng ý, Ben Francis mua máy may, tự làm đồ cho mình và tạo ra thương hiệu đồ thể thao Gymshark.

Trong đoạn video đăng tải trên YouTube ngày 1/12/2021, đứng bên ngoài một cửa hàng đã đóng tại phố mua sắm Regent Street (London) và mặc chiếc áo thể thao do chính mình thiết kế, Ben Francis thông báo: Gymshark - thương hiệu đồ thể thao do anh sáng lập - sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại đây.

Chia sẻ với Forbes về khoảnh khắc này, tỷ phú trẻ tuổi cho biết đây là "thời khắc không thể nào quên đối với anh, khi một thương hiệu khởi nghiệp từ phòng ngủ lại có thể hiện diện trên con phố Regent Street nổi tiếng".

10 tháng sau khi đoạn video được đăng tải, Gymshark đã có cửa hàng đầu tiên tại Regent Street, đánh dấu bước ngoặt lớn với một công ty vốn chỉ dựa vào truyền thông xã hội và những người có ảnh hưởng lớn trên TikTok hay Instagram.

ty phu tre the gioi anh 1

Tỷ phú trẻ Ben Francis - Ảnh: Forbes.

Biến đam mê thành ý tưởng tỷ USD

Khởi nghiệp năm 2012 trong garage của bố mẹ, Francis hiện đã thành công đưa Gymshark thành một đế chế khổng lồ về thời trang athleisure (từ ghép giữa athlete và leisure để chỉ trang phục thể thao nhưng có thể mặc hàng ngày).

Năm 2020, công ty của doanh nhân trẻ được định giá 1,45 tỷ USD khi Francis bán lại 21% cổ phần cho công ty đầu tư General Atlantic. Một năm sau đó, lợi nhuận ròng của Gymshark tăng gấp đôi lên 68 triệu USD, còn doanh thu cũng tăng 78%, lên 608 triệu USD.

Mức tăng trưởng này đã giúp Francis trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới khi 70% cổ phần của anh trong Gymshark hiện được định giá 1,2 tỷ USD.

Trên thực tế, Francis lớn lên với ước mơ trở thành một cầu thủ bóng đá chứ không phải doanh nhân. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra mình không đủ giỏi để theo nghề này. Ở tuổi 17, anh bắt đầu tới phòng gym gần nhà và học thêm các khóa về công nghệ thông tin.

Đam mê mới của Francis bất ngờ xuất hiện khi xem các video dạy tập thể hình trên YouTube. Sau đó, anh đã thiết kế một số ứng dụng giúp người dùng đặt lịch tập và tiếp cận các bài tập đốt mỡ.

"Những thứ này cơ bản thôi, nhưng chúng cho phép tôi thể hiện sự sáng tạo với đam mê mới. Năm 2011, các ứng dụng này thậm chí còn đứng đầu bảng xếp hạng ở Anh vì không phải cạnh tranh mấy", Francis cho biết.

Năm 18 tuổi, Francis vào đại học và nhận làm thêm việc giao pizza buổi tối, còn thời gian rảnh thì tập gym. Không hài lòng với thu nhập 8 USD/giờ, anh cùng một người bạn là Lewis Morgan bắt đầu kinh doanh thực phẩm bổ sung trực tuyến. Họ mua số lượng lớn và bán lại cho khách hàng trên website ban đầu của Gymshark.

Tuy nhiên, kinh doanh thực phẩm bổ sung là một lĩnh vực rất cạnh tranh. Cùng lúc đó, Francis lại gặp khó trong việc tìm hãng quần áo giúp làm nổi bật đường nét trên cơ thể. Vì thế, anh và Morgan đã dùng lợi nhuận bán hàng để mua một vài chiếc máy may và bắt đầu thương hiệu của riêng mình.

Lúc này, Francis mới chỉ quảng cáo trang phục của mình bằng cách gửi sản phẩm tới những người nổi tiếng trên YouTube và nhờ họ mặc thử. Một năm sau đó, bước đột phá đã đến với Gymshark khi anh thuê một gian tại triển lãm đồ tập lớn nhất châu Âu và nhanh chóng bán sạch hàng.

Sau đó, Gymshark bắt đầu gửi tặng miễn phí các sản phẩm cho những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng tập gym để nhờ họ quảng cáo, và việc này đã giúp doanh số hàng ngày tăng vọt từ 450 USD lên 45.000 USD.

ty phu tre the gioi anh 2

Bên trong cửa hàng đầu tiên của Gymshark tại Regent Street - Ảnh: Adweek.

Những kế hoạch lớn hơn

Vì kinh doanh quá thành công, Francis và Morgan sau đó đã nghỉ học để dành toàn bộ thời gian cho công ty. Họ thực hiện chiến dịch marketing tập trung vào các ngôi sao thể hình có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội. Với các video mặc đồ tập của Gymshark, Francis sẽ trả cho họ 500 USD mỗi tháng và những bộ đồ miễn phí.

Năm 2018, Gymshark rời khỏi chiếc garage nhỏ để mở văn phòng làm việc tại Solihull - một thị trấn ở miền tây nước Anh. Đồng thời, Francis bắt đầu tổ chức các buổi bán hàng lưu động trên khắp thế giới để bán sản phẩm của mình.

Điều này giúp doanh thu một lần nữa bùng nổ với mức tăng trung bình 62% mỗi năm kể từ 2018. Đến tháng 8/2020, một năm sau khi Gymshark đạt mức doanh thu 214 triệu USD và 18 triệu USD lợi nhuận ròng, General Atlantic quyết định đầu tư vào đây ngay cả khi Covid-19 bùng nổ khiến các phòng gym toàn cầu đóng cửa.

Một năm sau khi các lệnh phong tỏa đã được gỡ bỏ dần, Gymshark mở văn phòng đầu tiên tại Mỹ.

Dù tăng trưởng hàng năm của công ty này hiện vượt xa các gã khổng lồ như Nike (7%) và Lululemon (26%), họ vẫn cần phải đi một chặng đường dài nếu muốn thành công hơn. Được biết, doanh số của Nike năm ngoái là 47 tỷ USD, còn của Lululemon là 8 tỷ USD.

Còn hiện tại, Gymshark đang gặp nhiều thách thức khi kế hoạch IPO năm ngoái của họ trên sàn chứng khoán London không thành công và phải đóng phần lớn cơ sở ở Mỹ vào tháng trước. Dù vậy, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội vẫn lên tiếng giúp đỡ thương hiệu này.

Và việc chọn đặt cửa hàng mới gần Nike ở London cũng cho thấy tham vọng của Francis trong việc thúc đẩy Gymshark tăng trưởng hơn nữa.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.