Tối muộn ngày thứ Năm, một thương vụ nặng ký bất ngờ được tiết lộ gây hoang mang trong giới truyền thông khi Textron Inc - tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ mua lại Công ty Beechcraft, nơi chuyên sản xuất những mẫu máy bay huấn luyện dùng trong quân đội Mỹ với giá “khủng” 1,4 tỷ USD.

Cụ thể, Textron sẽ mua lại toàn bộ vốn chủ sở hữu của Beechcraft ở Công ty mẹ Beech Holdings LLC, đồng thời chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản nợ vốn lưu động của Beechcraft. Nếu tính thêm lượng tiền mặt sẵn có của Beechcraft, số nợ mới sẽ dừng lại ở mức 1,1 tỷ USD.

Nhiều quan điểm cho rằng, Textron đang trong tình trạng “không tỉnh táo” khi sẵn sàng vứt bỏ cục tiền khổng lồ vào thỏa thuận hết sức bình thường với Beechcraft. Lý do được dẫn chứng ở đây là do tình hình làm ăn của Beechcraft không hề ổn.

Vào tháng 5/2012, Beechcraft đã phải đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Bang Kansas ở Mỹ vì công việc kinh doanh diễn biến theo chiều hướng tồi tệ. Tuy nhiên, sau khi được Tòa án bảo lãnh vào tháng 2/2013, Beechcraft thoát khỏi “cơn ác mộng”, song lãnh đạo Beechcraft bị buộc phải đưa ra quyết định chấm dứt sản xuất dòng máy bay phản lực thông dụng để tập trung vào những mô hình máy bay cánh quạt động cơ đôi King Air thường dùng trong quân đội.

Do đó, để nhanh chóng dập tắt mọi tranh luận trên, theo đại diện Textron, Beechcraft hoàn toàn hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp với tiêu chí hoạt động của Công ty trong tương lai, khi đơn vị này cũng đang mong muốn mở rộng dòng máy bay cánh quạt sẵn có của Tập đoàn trong thời điểm doanh thu bán hàng của máy bay phản lực sụt giảm trầm trọng.

“Động cơ phản lực cánh quạt King Air sẽ rất vừa vặn với danh mục sản phẩm của Textron mà không cần phải thay đổi bất cứ thứ gì”, Scott Donnelly, Giám đốc điều hành Textron phát biểu.

King Air là loại động cơ đôi thuộc quyền tác giả của Beechcraft, đồng thời là tài sản đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho hãng với hơn 204 đơn đặt hàng từ nhiều tập đoàn hàng không trên thế giới vào năm 2012. Thậm chí, một báo cáo của Standard & Poor’s vào tháng 4 vừa rồi cũng dự báo, King Air sẽ “làm mưa làm gió” trong ngành chế tạo máy bay và là bàn đạp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của Beechcraft trong năm tới.

Trái ngược với nhiều ý kiến không đồng tình là phản hồi khá tích cực từ các chuyên gia phân tích khi kỳ vọng thỏa thuận sẽ tạo ra “màn trình diễn” tuyệt vời sắp tới cho cả hai.

“Khối tài sản còn lại ở Beechcraft sẽ bổ sung vào những lỗ hổng của Cessna - một công ty con của Textron, nổi tiếng với sản phẩm máy bay chở khách hạng nhẹ động cơ cánh quạt”, Robert Stallard, chuyên viên phân tích ở thị trường vốn RBC trụ sở tại London nhận xét.

Cụ thể, động cơ đôi King Air của Beechcraft sẽ hỗ trợ các dòng sản phẩm hiện tại của Cessna, từ loại máy bay 2 chỗ ngồi đến động cơ cánh quạt Caravan sử dụng trong các chuyến bay chở khách và hàng hóa đến sân bay nhỏ lẻ. Sau những thất bại của Cessna ở thị trường máy bay tư nhân, Textron dường như đang có sự tính toán kỹ lưỡng hơn để tránh đi lại vết xe đổ trước đây khi hãng này đã không đáp ứng dòng máy bay cỡ lớn tầm xa rất được ưa chuộng bởi các khách hàng doanh nghiệp và dần mất đi lượng khách hàng tiềm năng.

“Cassna và Beechcraft sẽ là màn kết hợp tuyệt vời, vì cả hai có thể cùng tận dụng tối đa khả năng vốn có riêng biệt để tạo ra sản phẩm tối ưu nhất”, chuyên gia Cai von Rumohr ở Cowen & Co nói.

Mặc dù lâm vào cảnh nợ nần và tiếng tăm suy giảm, song kể từ khi thỏa thuận làm ăn giữa Beechcraft và một công ty chế tạo máy bay phản lực ở Trung Quốc thất bại, Beechcraft đã trở thành miếng mồi ngon hấp dẫn, khiến nhiều hãng chế tạo máy bay xông vào xâu xé, như Embraer của Brazil, Mahindra & Mahindra Ltd ở Ấn Độ và Textron. Cuối cùng, phần thắng đã thuộc về Textron.

Các nhà đầu tư cũng đều tỏ ý ủng hộ động thái mua lại Beechcraft của Textron. Đặc biệt, sau khi thông tin này được lan truyền, cổ phiếu của Textron nhảy vọt 14%, lên mức giao dịch 37,29 USD/cổ phiếu ở New York với hơn 12,7 triệu cổ phiếu trao tay. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của hãng kể từ tháng 9/2008.

Tháng 9 vừa qua, Textron dành được hợp đồng béo bở với Quân đội Mỹ khi được chỉ định là đơn vị thiết kế mẫu trực thăng cánh xoay thế hệ thứ 3 Bell V-280 cho chương trình phát triển trực thăng mới nhằm thay thế gần 4.000 trực thăng vận tải và chiến đấu hạng trung trong biên chế hiện nay với số tiền khổng lồ dự kiến lên đến 100 tỷ USD.

Beechcraft cũng không kém cạnh khi được lựa chọn hợp tác với không quân Mỹ trong thỏa thuận hợp đồng trị giá 210 triệu USD để sản xuất 35 chiếc máy bay huấn luyện T-6, trong đó 33 chiếc cho Hải quân và 2 chiếc cho Lục quân Mỹ.

Các chuyên gia dự báo, hai hãng sẽ không bỏ sót bất cứ đơn đặt hàng lớn tiềm năng nào trong ngành công nghiệp hàng không Hoa Kỳ cũng như khắp toàn cầu sau khi chính thức quy về một mối.

Hồng Tuyết (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • TextRon và cuộc dạo chơi mạo hiểm

    TextRon và cuộc dạo chơi mạo hiểm

    01/01/2014 12:14 PM

    Tối muộn ngày thứ Năm, một thương vụ nặng ký bất ngờ được tiết lộ gây hoang mang trong giới truyền thông khi Textron Inc - tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ mua lại Công ty Beechcraft, nơi chuyên sản xuất những mẫu máy bay huấn luyện dùng trong quân đội Mỹ với giá “khủng” 1,4 tỷ USD.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.