Là một doanh nghiệp có tuổi đời còn trẻ hơn rất nhiều so với các "đại gia" trong ngành thép, thế nhưng với phương châm "trẻ nhưng không yếu", công ty thép Hoa Sen đã bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư cho một đội bóng thuộc hàng "chiếu dưới" trong làng bóng đá Việt Nam, đó là đội Cần Thơ (nay là đội Cần Thơ - Tôn Hoa Sen).
Lê Phước Vũ

Đây là chiến lược khuyếch trương thương hiệu, hình ảnh của công ty tại thị trường ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Sự thất thường của những đội bóng, cầu thủ chỉ "chuyên nghiệp có một nửa" (câu nói của HLV Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Kỹ thuật đội HAGL) như hiện nay của Việt Nam thì việc đầu tư vào bóng đá như "đùa với lửa". Nhưng nói như ông Lê Phước Vũ - TGĐ công ty Hoa Sen thì "chúng tôi không sợ, nếu sợ thì đã không làm ". Nói thế thôi chứ ông Vũ là người không am hiểu mấy về bóng đá (như lời ông tự bạch "tôi làm bóng nhưng không mê bóng" là đủ biết), tôi biết ông có nhiều nổi lo, nhưng những nổi lo này sẽ là động lực để ông tiếp tục dấn thân vào cuộc phiêu lưu này.


Những người đầu tư vào bóng đá, phần lớn là thành phần xem bóng đá là "máu thịt" của mình (tất nhiên có yếu tố kinh doanh) và tôi nghĩ ông Vũ cũng vậy. Thế nhưng tôi đã"bé cái nhầm", ông tâm sự: Thú thực, tôi không phải là người am hiểu sâu về bóng đá và cũng không phải là người mê bóng đá cuồng nhiệt, nhưng tôi đến với bóng đá là do bị tác động bởi sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá VN. Theo tôi, bóng đá VN đang chuyển từ bóng đá phong trào kiểu bao cấp sang bóng đá chuyên nghiệp. Sự tham gia của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng và cần thiết; đồng thời, thông qua bóng đá, các doanh nghiệp có cơ hội xây dựng thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp mình trong công chúng. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng bóng đá VN sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, công chúng sẽ được thưởng thức một nền bóng đá sạch và ở trình độ cao.


- Vậy cơ duyên nào đưa ông đến với đội bóng "chiếu dưới" (xin lỗi ông) Cần Thơ? Trong khi có rất nhiều đội bóng có chất lượng đang chơi ở giải chuyên nghiệp rất cần sự tài trợ và rõ ràng khi tài trợ vào các đội này thì chiến lược đánh bóng tên tuổi, thương hiệu của công ty đạt hiệu quả hơn.


Tiêu chí hoạt động của công ty là: "Trung thực - Cộng đồng - Phát triển",vì vậy bên cạnh việc hoạt động kinh doanh thành công, thì vấn đề xây dựng hình ảnh thương hiệu của công ty cũng như đóng góp cho cộng đồng là phù hợp với tiêu chí nói trên và tài trợ cho bóng đá là một trong những lĩnh vực cho phép kết hợp cả hai điều này. Do đó, chúng tôi đang lựa chọn thử nghiệm. Ban đầu, việc tài trợ cho đội bóng Cần Thơ hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên nhưng trong quá trình kinh doanh, tiếp xúc với người dân đồng bằng sông Cửu Long, tôi rất trân trọng tính thật thà, chân chất của người dân ở đây, đồng thời, với vị trí là trung tâm của khu vực, Tây Đô cũng là một khu vực tiêu thụ nhiều sản phẩm của công ty. Do vậy, tôi cho rằng mình đã quyết định đúng khi tài trợ cho đội bóng Cần Thơ...


- Nhưng nhiều người cho đó là một cuộc phiêu lưu?


Theo tôi, với gần 5 tỷ tài trợ trong 3 năm không phải là một cuộc phiêu lưu mà là chi phí cần thiết cho một sự thử nghiệm nghiêm túc một chiến lược kinh doanh lớn. Thực sự bóng đá VN đang cần một mô hình mới để phát triển, đó là sự kết hợp giữa các doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh thành. Sự kết hợp này rất cần thiết vì lãnh đạo các địa phương luôn muốn đứa con tinh thần của mình (đội bóng) có một lực lượng mạnh, trong sạch, thành tích cao nhưng lại đang gặp phải một rào cản lớn đó là gánh nặng về kinh phí từ ngân sách; trong khi đó, các doanh nghiệp không muốn thành lập đội bóng cho riêng mình (vì hiện tại, bóng đá chưa nuôi nổi bóng đá) nhưng lại muốn tài trợ cho một đội bóng để thông qua thành tích, hình ảnh của đội bóng mà xây dựng thương hiệu trong lòng công chúng. Như vậy, muốn có đội bóng mạnh, cần phải có một sự đầu tư lớn và vấn đề này chỉ thực hiện được khi có sự kết hợp giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh thành. Hiện nay chúng tôi đang trao đổi với thành phố Cần Thơ về việc xúc tiến thành lập một công ty cổ phần thể thao để làm điều đó.


- Theo ông, hiện nay việc nhiều doanh nghiệp tài trợ cho bóng đá có phải là mốt? Và Hoa Sen cũng chạy theo phong trào này?


Theo tôi, việc tài trợ cho bóng đá không phải là mốt, mà là cả một chiến lược xây dựng thương hiệu lâu dài và nghiêm túc mà chỉ có những công ty lớn mới đủ sức làm điều này. Muốn xây dựng một đội bóng thực sự mạnh và trong sạch, lãnh đạo các đội phải xác định cho mình một chiến lược đầu tư dài, căn cơ, với đầy đủ cơ sở vật chất, các sân tập đủ tiêu chuẩn, nơi ăn ở đầy đủ tiện nghi cho các cầu thủ, huấn luyện viên trình độ quốc tế, nhân viên nghiệp vụ, các bộ phận hậu cần... và phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải đào tạo một lớp cầu thủ trẻ, xây dựng tính tổ chức kỷ luật, từ các đội tạo nguồn U 12-14, U 18-20 đến đội tuyển. Để làm được điều đó cần đầu tư 75 đến 150 tỷ cho xây dựng cơ sở vật chất, chưa kể chi phí thi đấu cho mỗi mùa bóng từ 15 đến 20 tỷ. Do vậy, một doanh nghiệp muốn có đội bóng riêng của mình phải là một tập đoàn với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đó cũng chính là mục tiêu về lâu dài của Công ty Hoa Sen chúng tôi. Tôi hi vọng rằng trong khoảng 10 năm tới, thu nhập của người dân sẽ tăng cao đồng thời người hâm mộ sẽ được thưởng thức những trận bóng hay và khi đó bóng đá có thể nuôi được bóng đá, sẽ có những doanh nghiệp chuyên kinh doanh bóng đá ra đời và trên thị trường chứng khoán sẽ có niêm yết cổ phiếu của các công ty loại này.


- Tạm rời bóng đá, nói chuyện một chút về ngành nghề mà ông đã gắn bó. Lâu nay giá sắt thép ở thị trường trong nước cũng như thế giới liên tục tăng. Nhiều doanh nghiệp ngành sắt đã thông báo ngưng sản xuất. Còn công ty có bị chao đảo...?


Hiện nay thị trường sắt thép Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường thế giới vì chúng ta chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ của ngành thép, nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài trong khi đó kinh tế thế giới mà đặc biệt là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh ngốn một lượng lớn sắt thép, do đó giá thép tăng vọt và sự lệ thuộc của thị trường trong nước vào thị trường thế giới là tất yếu. Tuy vậy, công ty chúng tôi vẫn duy trì được mức phát triển tốt, do chúng tôi xây dựng một chiến lược kinh doanh linh hoạt, kết hợp khéo léo giữa nhập khẩu, sản xuất và phân phối. Chúng tôi cập nhật các thông tin về tình hình thị trường trong nước và quốc tế hằng giờ, theo sát mọi biến động của thị trường để có quyết định đúng đắn trong các thương vụ. Mặt khác, chúng tôi triển khai kế hoạch marketing hoàn chỉnh (trong đó, xây dựng hình ảnh thương hiệu qua việc tài trợ cho đội bóng là một phần của kế hoạch này) đồng thời xây dựng hệ thống bán lẻ đều khắp cả nước, cung ứngđến tận tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao với giá hợp lý, điều này khắc chế được ưu thế cạnh tranh của các công ty nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi đầu tư thiết bị công nghệ cao, đảm bảo cung ứng cho thị trường sản phẩm chất lượng cao nhưng với chi phí đầu tư hợp lý và thực sự hiệu quả. Công ty chúng tôi chưa phải là công ty lớn nhất nhưng chúng tôi có thể khẳng định chúng tôi là một công ty tốt với những giá trị tinh thần to lớn, trong đó công ty tạo môi trường làm việc tốt nhất cho từng nhân viên và ngược lại, mọi nhân viên làm việc hết mình vì công ty. Công ty chúng tôi đã trở thành một mái ấm, một đại gia đình Hoa Sen trên tiêu chí chung : "Trung thực, Cộng đồng, Phát triển".


- Thế nhưng nếu muốn phát triển thì công ty cần phải có "ngoại lực", trong đó đặc biệt cần sự giúp đỡ của các cấp chính quyền. Ông có kiến nghị gì đối với lãnh đạo địa phương cũng như trung ương?


Về kiến nghị đối với các cơ quan chức năng, theo tôi, công nghiệp sản xuất sắt thép là một ngành công nghiệp quan trọng trong bất cứ nền kinh tế nào, nó gồm cả hai lĩnh vực: công nghiệp nặng (upstream) và công nghiệp nhẹ (downstream), nhưng các doanh nghiệp ngành sắt Việt Nam với khả năng về vốn ít ỏi hiện đang đầu tưmất cân đối, tập trung quá nhiều ở mảng công nghiệp nhẹ, đầu tư tràn lan dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh không lành mạnh, hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí nguồn vốn, trong khi mảng công nghiệp nặng hầu như còn bỏ trống dẫn đến sự lệ thuộc vào thị trường thế giới. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ Công nghiệp cần có biện pháp quy hoạch, kế hoạch căn cơ và lâu dài để điều chỉnh hướng đầu tư cân đối hài hoà. Mặt khác, kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả được sử dụng vốn vay dài hạn (ODA, quỹ phát triển) để các doanh nghiệp kể cả trong và ngoài quốc doanh có thể đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng của ngành thép.

Theo Võ Thuận (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.