Công ty CP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) vừa công bố Nghị quyết về việc trả cổ tức còn lại bằng tiền mặt của năm 2023 với tỷ lệ 61%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 6.100 đồng.
Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 20/5, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 10/6/2024.
Với gần 82 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhựa Bình Minh dự kiến chi khoảng 500 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Đây là mức cổ tức bằng tiền cao nhất mà doanh nghiệp nhựa xây dựng này chia cho cổ đông kể từ khi lên sàn vào năm 2006. Trước đó, năm 2023, doanh nghiệp này cũng dành 99% lãi ròng để chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 84%.
Nhựa Bình Minh sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức còn lại bằng tiền mặt của năm 2023 vào ngày 20/5
Nawaplastic Industries (thành viên của Tập đoàn SCG, Thái Lan) là công ty mẹ nắm quyền chi phối gần 55% cổ phần Nhựa Bình Minh. Do đó, tổ chức này dự kiến nhận về khoảng 275 tỷ đồng cổ tức tiền mặt đợt này.
Nếu tính cả đợt tạm ứng cổ tức vào cuối năm 2023 trước đó, cổ đông Thái Lan này đã nhận về tổng cộng hơn 550 tỷ đồng tiền mặt. Tính từ lúc người Thái trở thành cổ đông lớn vào năm 2012 đến nay, doanh nghiệp duy trì việc chia cổ tức đều đặn mỗi năm với tỷ lệ thấp nhất 26% (năm 2021 - cao điểm đại dịch). BMP chuộng dùng tiền tươi thóc thật.
Ước tính số cổ tức bằng tiền mà “đại gia” Thái Lan nhận được sau 12 năm rót vốn vào Nhựa Bình Minh khoảng 1.991 tỷ đồng. Trước đó, Tập đoàn SCG chi khoảng 2.800 tỷ đồng cho 4 lần mua gom cổ phiếu BMP.
Kế hoạch chia cổ tức 126% được Nhựa Bình Minh đưa ra sau một năm lãi kỷ lục. Năm ngoái, doanh nghiệp này thu gần 5.200 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 1.040 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần năm trước đó. Đây cũng là lần đầu sau 46 năm hoạt động, nhà sản xuất ống nhựa và phụ kiện lãi trên nghìn tỷ đồng.
Năm nay, doanh nghiệp đầu ngành nhựa này đặt mục tiêu doanh thu 5.540 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.030 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái. Ban lãnh đạo cũng đặt mục tiêu sẽ dành tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức.
Tại thời điểm cuối năm 2023, Nhựa Bình Minh có quy mô tổng tài sản hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 7% trong năm vừa qua. Đáng chú ý, lượng lớn tài sản đang nằm ở khoản mục tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trị giá hơn 820 tỷ đồng, tương đương 25% tài sản doanh nghiệp.
Ban lãnh đạo cho biết định hướng trong năm 2024 là tiếp tục dẫn đầu thị phần ngành nhựa, đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng tập khách hàng, xây dựng ủy ban ESG và ủy ban quản lý rủi ro...
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch 2/5, cổ phiếu BMP đang ở mức 111.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với giá trị vốn hóa hơn 9.100 tỷ đồng.
-
Nhựa Bình Minh kinh doanh ra sao sau khi về tay người Thái?
Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận trong quý 2/2023, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh trong quý 3 sẽ suy giảm đáng kể so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi mùa mưa và nhu cầu thị trường giảm mạnh khi các hoạt động xây dựng chưa phục hồi.
-
Đại gia Thái Lan lãi lớn với thương vụ thâu tóm Nhựa Bình Minh
Không chỉ lãi lớn nhờ cổ phiếu BMP vượt đỉnh, Nawaplastic Industries, cổ đông lớn nhất của Nhựa Bình Minh còn “bỏ túi” hàng trăm tỉ đồng trong đợt chi trả cổ tức vào tháng 6 tới đây.
-
Về tay người Thái, công ty nhựa lớn nhất miền Nam sẽ có lần thứ 2 cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ?
Năm 2024, DSC dự phóng doanh thu của Nhựa Bình Minh đạt 5.113 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.040 tỷ đồng, qua đó có năm thứ 2 liên tiếp đạt lợi nhuận nghìn tỷ từ khi trở thành công ty con của Nawaplastic Industries....
-
Đề án tái cơ cấu EVN đến năm 2025: Đặt mục tiêu có lãi, doanh thu tăng 7-10%
Đề án tái cơ cấu đặt mục tiêu đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi, với tăng trưởng doanh thu bình quân 7-10%.
-
Công ty sản xuất nhựa lớn nhất miền Nam với 4 nhà máy và hơn 1.300 lao động báo lãi tăng mạnh, có hơn 2.200 tỷ gửi ngân hàng
Trong quý 3/2024, Nhựa Bình Minh ghi nhận 1.407 tỷ đồng doanh và 290 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 52% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái.