Tại thời điểm cuối quý 1/2024, Đầu tư Thương mại SMC đã trích lập dự phòng hơn 570 tỉ đồng cho hơn 1.300 tỉ đồng nợ xấu. Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, doanh nghiệp này phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.

Vướng công nợ gần nghìn tỉ với Novaland

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) - một hãng thép 35 tuổi tại TP.HCM, ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.230 tỉ đồng, giảm gần 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở mức 180 tỉ đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu của SMC tại thời điểm cuối tháng 3/2024 giữ nguyên ở mức hơn 1.300 tỉ đồng, trong đó 98% là nợ ngắn hạn và doanh nghiệp này đã trích lập dự phòng hơn 570 tỉ đồng.

Danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (440 tỉ đồng), Công ty TNHH bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỉ đồng), Công ty TNHH The Forest City (131 tỉ đồng). Đây đều là các công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán NVL).

Ngoài ra, danh sách nợ xấu của SMC còn có CTCP Hữu Liên Á Châu (17 tỉ đồng) và các đối tượng khác phải thu 484 tỉ đồng.

Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, SMC phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.

SMC đang tích cực trao đổi với Novaland, sẽ xử lý triệt để công nợ trong năm nay

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa được tổ chức mới đây, lãnh đạo SMC cho biết trong quý 1, công ty chưa phải trích lập dự phòng thêm cho các khoản công nợ.

Tuy nhiên, nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỉ đồng trong quý 2 và tổng cộng gần 300 tỉ đồng trong cho cả năm 2024.

“Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác. Công ty nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/6”, lãnh đạo SMC nhấn mạnh.

Doanh nghiệp này cho biết, các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm.

Về khoản nợ 105 tỉ đồng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC), SMC cho biết đã thỏa thuận về việc hoán đổi công nợ sang cổ phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp thép này dự kiến nhận hơn 10 triệu cổ phiếu HBC với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp.

Lên kế hoạch thoát lỗ nhờ… bán đất đai, tài sản

Năm 2024, lãnh đạo SMC cho rằng sự hồi phục của ngành thép sẽ diễn ra chậm rãi, chủ yếu diễn ra vào nửa cuối năm, do các thách thức từ thị trường bất động sản và áp lực từ thị trường thép nhập khẩu.

Trước tình hình này, SMC đã đề ra mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với việc tập trung vào tinh gọn hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí và tăng cường quản trị rủi ro. Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỉ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỉ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 925 tỉ đồng.

Chỉ tiêu tổng sản lượng thép tiêu thụ năm nay là 900.000 tấn, giảm nhẹ 1% so với năm ngoái. Trong đó, thép dài là 350.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; thép dẹt là 550.000 tấn, giảm 7%.

Bên cạnh đó, SMC lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 99% số cổ phần đang lưu hành và tăng vốn điều lệ lên 1.467 tỉ đồng.

Số tiền 730 tỉ đồng thu về từ đợt phát hành này dự kiến dùng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.

SMC báo lãi 180 tỉ đồng trong quý 1/2024

Ban lãnh đạo SMC dự kiến quý 2 tới đây sẽ có thêm lợi nhuận từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM (địa chỉ cũ là 396 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Được biết, khu đất này có diện tích 329,5 m2, đây cũng chính là tòa nhà trụ sở của SMC theo giấy đăng ký kinh doanh. Giá chuyển nhượng là 170 tỉ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, SMC dự kiến lợi nhuận khoảng 100 tỉ đồng từ thương vụ này.

Thời gian gần đây, hãng thép có trụ sở tại TP.HCM đã có nhiều động thái bán tài sản để tăng thanh khoản sau 2 năm lỗ liên tiếp trong giai đoạn 2022-2023, bao gồm việc bán 13 triệu cổ phiếu Thép Nam Kim (Mã: NKG) và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Bình Dương và SMC Tân Tạo 2.

Cụ thể, trong bố cảnh kinh doanh thua lỗ 925 tỉ đồng năm 2023, HĐQT SMC đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương ở đường số 5, Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, Bình Dương. Khu đất này có diện tích 6.197 m2, giá chuyển nhượng 49 tỉ đồng.

Tới ngày 15/1/2024, doanh nghiệp này tiếp tiếp thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản trên đất tại SMC Tân Tạo 2. Khu đất này ở Lô số 62 - 64 đường số 3, Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM với diện tích 9.096 m2.

Mức giá chuyển nhượng cho toàn bộ tài sản này là 126 tỉ đồng, đã bao gồm thuế VAT phần tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị theo quy định của pháp luật.

Việc liên tiếp thanh lý, chuyển nhượng tài sản của SMC được xem là hành động cụ thể hoá nghị quyết đã được doanh nghiệp này thông qua hồi tháng 10/2023 về việc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.

Tính đến cuối năm 2023, SMC lỗ lũy kế gần 169 tỉ đồng. Cũng vì lý do này, cổ phiếu SMC đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4/2024.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.