Tuần trước, cả thế giới xôn xao khi Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết sẽ chọn ông Mark Carney (ảnh), hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BOC), về giữ vị trí tương tự ở Anh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Anh chọn một người nước ngoài về nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống tài chính, tiền tệ của đất nước.

Phải chăng tài năng của ông Carney quá nổi trội khiến một đất nước vốn bảo thủ như Vương quốc Anh sẵn sàng bỏ qua mọi rào cản về biên giới? Có lẽ vậy. Từ lâu Carney được biết đến như “cậu bé vàng của ngân hàng trung ương”, được đào tạo bài bản tại 2 học viện danh giá nhất thế giới là Đại học Harvard và Đại học Oxford.

Ông từng làm việc tại Ngân hàng Goldman Sachs 13 năm, sau đó gia nhập BOC với vị trí Phó Thống đốc. Năm 2004, ông về làm việc cho Bộ Tài chính Canada trước khi quay trở lại làm Thống đốc vào năm 2008.

Trong suốt 5 năm đứng đầu BOC, Carney được nhiều người ca ngợi vì có công giúp Canada tránh được các gói cứu trợ tài chính, ổn định tăng trưởng và vượt qua cơn bão khủng hoảng một cách an toàn. Ông cũng được cho là đã thành công trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng, giúp người đóng thuế không phải chứng kiến cảnh phải ứng cứu các ngân hàng lớn.

Theo sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008, nhiều ngân hàng và định chế tài chính Canada nắm giữ trái phiếu bảo đảm bằng thế chấp vô giá trị, trong khi nhiều ngân hàng không có. Carney đã thành công trong việc thúc đẩy một thỏa thuận “chia lỗ”, đồng thời nhanh chóng hạ lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử 0,25%, giúp kiểm soát lạm phát và bảo đảm Canada có thể vay mượn với lãi suất tốt nhất.

Nhờ các biện pháp đó, hệ thống ngân hàng Canada 5 năm liền được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá khỏe mạnh nhất thế giới, với lời ngợi khen: “vốn tốt, quản lý tốt và kiểm soát tốt”.

Là Chủ tịch Hội đồng ổn định tài chính của G20, Carney có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các luật ngân hàng mới. Về các quy định trong Basel III, tháng trước ông chỉ trích những ý kiến cho rằng nên dời việc cải tổ ngân hàng toàn cầu để bảo vệ nền kinh tế thế giới đang yếu ớt.

Ông cũng gây tranh cãi hồi tháng 8 khi chỉ trích các công ty Canada đang ngồi trên “đống tiền chết” mà không chịu dùng chúng để đầu tư hay trả cho cổ đông. Hồi tháng 4, BOC là ngân hàng trung ương đầu tiên của G7 nói về việc nâng lãi suất và thắt chặt tiền tệ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, Carney nhìn chung là một người thực dụng về chính sách và linh hoạt trước các điều kiện khác nhau.

“Ông không chỉ là hình mẫu cho Canada, mà còn cho các nền kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều nơi khác. Nếu bạn tìm kiếm một người vừa am hiểu công việc của hệ thống ngân hàng trong nước, nhưng cùng lúc kết nối với toàn cầu, Carney chính là người thích hợp nhất” - cựu Thủ tướng Canada Paul Martin nói và cho biết ông “rất thất vọng” khi biết Carney sẽ rời Canada.

Tuy nhiên, cách điều hành BOC của Carney thời gian qua có một số điểm trái ngược với chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Cho đến nay, BOC chống lại việc dùng biện pháp nới lỏng định lượng (QE). Điều này chủ yếu vì nền kinh tế Canada chưa yếu đến độ phải dùng QE.

Ngược lại, BOE đã bơm khoảng 600 tỷ USD qua các đợt QE. Trong khi đó, BOC dùng công cụ thay thế là giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp, một biện pháp BOE chưa sử dụng kể từ sau khủng hoảng tài chính. Ông Carney sẽ chuyển sang quốc tịch Anh và đảm đương vị trí Thống đốc BOE kể từ ngày 1-7-2013.

Kể từ năm 2013, BOE sẽ có thêm nhiều quyền lực mới, như việc quy định vốn ở các ngân hàng. Nhiệm kỳ thống đốc ở Anh là 8 năm, nhưng Carney cho biết ông sẽ chỉ phục vụ tối đa 5 năm. Ông sẽ được hưởng mức lương 990.000USD/năm, cao hơn người tiền nhiệm 160.000USD.

Theo Vĩnh Cẩm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.