Sở hữu công ty luật, giúp mẹ xây dựng thành công thương hiệu trà Tâm Lan, làm Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh và giờ ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc Công ty CP Natani lại tiếp tục “hồi sinh” mãng cầu Bà Đen - loại trái cây đặc sản có chứng nhận chỉ dẫn địa lý của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thế Tân ví công việc của mình giống như người đã leo được hai phần ba ngọn núi nhưng quay trở lại chân núi để tiếp tục cuộc chinh phục mới. Dù mất nhiều thời gian khi phải trở về vạch xuất phát nhưng ông Tân cho rằng đây là lợi thế mà không phải người khởi nghiệp nào cũng có được. Chính kinh nghiệm, nguồn lực của lần chinh phục trước đã cho ông sức mạnh, niềm tin, tâm huyết để xây dựng thương hiệu cho giống mãng cầu Bà Đen vốn đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng bị lãng quên thời gian qua.

Ở Tây Ninh, mãng cầu là trái cây đặc sản và đã có từ lâu. Năm 2011, loại trái cây này được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “mãng cầu Bà Đen”. Nhưng đáng buồn là sau khi có được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thương hiệu “mãng cầu Bà Đen” vì không được quan tâm đúng mức đã mai một dần.

Tại sao loại trái cây tốt như vậy, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng người trồng không dám ăn, không dám biếu tặng người quen? Với trăn trở ấy, ông quyết hồi sinh loại trái cây đặc sản này bằng cách tạo chuỗi liên kết với bà con nông dân canh tác theo phương pháp hữu cơ vi sinh, đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ những hecta đất ban đầu, giờ đây Natani của ông đã có vùng trồng với diện tích vài trăm hecta và tiến tới sẽ nâng lên hàng ngàn hecta trong tương lai gần.

* Với mô hình hợp tác này, có sự khác biệt nào giữa mãng cầu Natani và mãng cầu đại trà?

- Chúng tôi đã có những sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và tự hào đã cung cấp cho thị trường trái mãng cầu sạch của Tây Ninh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Và khoảng 5 năm nữa, tôi hy vọng mãng cầu Bà Đen thương hiệu Natani sẽ đáp ứng tiêu chuẩn organic.

Khi xây dựng Natani, tôi không biết mình có thành công hay không, nhưng hiện Natani đã nhận được những tín hiệu rất tốt từ người tiêu dùng. Tại Tây Ninh, nói đến mãng cầu sạch, người tiêu dùng đã nghĩ đến Natani. Sản phẩm hiện đã có mặt tại các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và các cửa hàng trái cây lớn tại TP.HCM. Không những thế, mãng cầu Natani đã bắt đầu xuất qua Trung Đông, Nga, Mỹ.

Tôi không muốn dừng lại ở quy mô này mà sẽ đưa trái mãng cầu Bà Đen đi xa hơn nữa. Muốn vậy, phải tính đến những hình thức khác vì trái mãng cầu tươi có “hạn sử dụng” rất ngắn. Sau khi hái khỏi cây 5 - 7 ngày, mãng cầu sẽ chín và khó có thể để lâu. Vì vậy, tôi sẽ sớm ra mắt các sản phẩm chế biến sau thu hoạch cho mãng cầu Bà Đen, trong đó có vang mãng cầu.

* Lâu nay, vang được sản xuất từ nho nhưng ông lại làm từ mãng cầu. Có vẻ như ông muốn mở ra một xu thế mới cho người dùng vang Việt Nam?

- Khi nói đến vang, người ta nghĩ ngay đến vang nho và nước Pháp mặc dù nhiều nước khác như Chile, Bỉ... cũng sản xuất loại rượu nhẹ này. Tại Việt Nam, nho được trồng tại Ninh Thuận nhưng vang Việt Nam lại được nhiều người biết đến là vang Đà Lạt.

Riêng mãng cầu, tôi có tham vọng làm vang và điểm xuất phát là Tây Ninh. Tôi tin, khi thương hiệu mãng cầu Natani được nhiều người biết đến thì vang được sản xuất từ trái cây này sẽ dễ dàng được người tiêu dùng đón nhận. Vấn đề quan trọng là chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

* Vài năm trở lại đây, nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển rầm rộ tại Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư. Theo ông, Việt Nam đã thành công với lĩnh vực này?

- Chúng ta nói nhiều đến nông nghiệp công nghệ cao nhưng thật sự chưa có nhiều trang trại đúng nghĩa theo tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao như ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, và lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao là một xu hướng phát triển vì ngành nông nghiệp Việt Nam không thể phát triển nếu cứ theo kiểu “con trâu đi trước cái cày theo sau”.

Tại Việt Nam, các trang trại mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng hệ thống tưới tự động, một số nơi có gắn thêm chip kết nối với điện thoại (thông qua wifi) để điều khiển hệ thống tự tưới. Như vậy chưa đủ.

Nông nghiệp công nghệ cao phải tích hợp tất cả mọi thứ, từ thiết bị tự động báo tình trạng đất (đang thiếu nước, thiếu phân... ra sao), đến đài quan trắc theo dõi thời tiết (xem mưa, tốc độ gió), hệ thống tưới tự động kết hợp châm phân tưới cây, công nghệ còn theo dõi quá trình cây phát triển như thế nào, ngày thu hoạch... Mọi thứ được lập trình tự động và người chủ không đến trang trại nhưng vẫn nắm được tất cả thông tin và điều khiển mọi việc. Đó mới chính là nông nghiệp công nghệ cao mà chúng ta đang mơ và hướng đến.

Thời gian qua, những từ khóa như “nông nghiệp công nghệ cao”, “startup” rất phổ biến tại Việt Nam. Điều này rất tốt. Bởi những từ này cứ lặp đi lặp lại sẽ khiến nhiều người tìm hiểu và sẽ quen dần.

* Trong xu hướng ấy, Natani sẽ phát triển ra sao, thưa ông?

- Natani đang hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao như đã nói ở trên và hiện tại chúng tôi đang làm trang trại mẫu (demo) 2 hecta. Với mô hình này, chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng sẽ cho ra những trái mãng cầu chất lượng với năng suất cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu chúng tôi sẽ bỏ kinh phí đầu tư và cho nông dân trả góp dần. Cùng với việc triển khai mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi cũng nghiên cứu cho ra đời giống mãng cầu mới với trái to hơn, cơm dai hơn và có mùi thơm đặc biệt hơn. Khoảng 14 - 16 tháng nữa, giống mãng cầu mới này sẽ cho trái đầu tiên và mãng cầu Bà Đen sẽ có thêm giống mới tốt hơn.

Tôi tin Natani sẽ tạo ra xu hướng mới trong việc trồng mãng cầu ở Tây Ninh. Tâm huyết của tôi là không những làm ra trái cây sạch mà còn hỗ trợ cho bà con nông dân thay đổi suy nghĩ, cách làm sao cho hiệu quả nhất và cùng nhau xây dựng lại thương hiệu cho trái mãng cầu Bà Đen của Tây Ninh.

Tôi đã học từ mẹ mình sự quyết tâm, ý chí. Mẹ từng nói một điều mà đến giờ tôi càng thấm thía: "Con mở một doanh nghiệp cũng giống như đẻ một đứa con".

* Ông nghĩ bao lâu nữa hướng đi của mình sẽ thành công để khi nói đến Tây Ninh, người ta nghĩ ngay đến mãng cầu và thương hiệu Natani?

- Tôi mong mọi người khi biết đến Tây Ninh sẽ biết đến mãng cầu và ngược lại. Riêng thương hiệu Natani, tôi hy vọng không là duy nhất đại diện cho mãng cầu sạch mà có thể sẽ có nhiều thương hiệu khác cùng tham gia. Cho dù là Natani hay một thương hiệu nào khác thì sản phẩm đưa ra thị trường đều phục vụ cho người tiêu dùng và họ phải được sử dụng sản phẩm sạch.

Tôi tin, chỉ cần 3 năm nữa thôi, mãng cầu Bà Đen của Tây Ninh sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

* Nhưng đầu ra luôn là bài toán khó, đặc biệt là với các sản phẩm nông sản công nghệ cao vì chi phí đầu tư lớn trong khi người tiêu dùng có tâm lý thích hàng giá rẻ?

- Đó cũng là vấn đề mà chúng tôi đã nghĩ tới. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là điều quyết định sự thành bại của Natani và mãng cầu Bà Đen. Người tiêu dùng đủ thông minh để biết được sản phẩm nào tốt cho sức khỏe của mình.

Khoảng 2 năm trước, nhiều người tiêu dùng chưa biết nhiều về VietGAP, GlobalGAP hay organic một phần vì các chiến lược tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn ít. Giờ đây, người tiêu dùng đã hiểu và đặt vấn đề đầu tiên là sạch. Khi mua sản phẩm, nhiều người còn truy xuất nguồn gốc xem sản phẩm ở đâu, thông tin như thế nào, hạn sử dụng ra sao mới mua. Tại sao các loại trái cây nhập khẩu quá mắc nhưng người tiêu dùng vẫn sử dụng. Đó là vì họ tin vào chất lượng sản phẩm.

Rõ ràng, trái cây Việt Nam không được tiêu thụ mạnh ngay chính thị trường nội địa không phải vì giá cả mà vì chất lượng sản phẩm.

* Từng tham gia điều hành Công ty Trà Tâm Lan, hẳn ông đã có được nhiều bài học quý giá. Ông học được gì từ mẹ mình - một người phụ nữ bắt đầu mọi thứ khi đã ngoài lục tuần?

- Nói vui là tôi đang leo đến hai phần ba ngọn núi nhưng xuống chân núi để leo lại. Tuy nhiên, điều này cũng là thuận lợi. Tôi coi như đang khởi nghiệp nhưng thuận lợi hơn nhiều bạn trẻ về nguồn vốn, mối quan hệ và kinh nghiệm.

Tôi đã học từ mẹ mình sự quyết tâm, ý chí. Mẹ từng nói một điều mà đến giờ tôi càng thấm thía: “Con mở một doanh nghiệp cũng giống như đẻ một đứa con. Đã có đủ suy nghĩ quyết định đẻ con thì cho dù khó khăn như thế nào đi nữa, cho dù có đội mưa đội nắng ra sao, đi bác sĩ lúc nửa đêm gà gáy hay thức trắng đêm... cũng phải ráng đến cùng. Con mình sinh ra chẳng lẽ cực quá rồi bỏ, không nuôi. Dẫu có khó khăn, cực khổ nhưng nhờ sự chăm sóc của cha mẹ, đứa con rồi sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Cũng như vậy, doanh nghiệp nếu có đầu tư, có cố gắng thì đến một lúc nào đó sẽ lớn và thành công”.

* Xin cảm ơn ông.

Hồng Nga (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Khát vọng hồi sinh đặc sản mãng cầu Bà Đen của TGĐ Công ty CP Natani

    Khát vọng hồi sinh đặc sản mãng cầu Bà Đen của TGĐ Công ty CP Natani

    11/02/2019 8:58 PM

    Sở hữu công ty luật, giúp mẹ xây dựng thành công thương hiệu trà Tâm Lan, làm Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh và giờ ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc Công ty CP Natani lại tiếp tục “hồi sinh” mãng cầu Bà Đen - loại trái cây đặc sản có chứng nhận chỉ dẫn địa lý của tỉnh nhà.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.