Mặc dù việc chuyển nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh Cash & Carry và danh mục bất động sản ở Việt Nam của Tập đoàn Metro (Đức) cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã được Metro công bố hồi tháng 8-2014, nhưng đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa nhận được hồ sơ vụ chuyển nhượng.

Thương vụ mua bán hệ thống Cash & Carry của Metro ở Việt Nam cho BJC còn ngổn ngang -Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thỏa thuận lâu nhưng chưa đến tay nhà quản lý

Metro Việt Nam hoạt động ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, nhưng trụ sở chính đặt tại TPHCM và theo nguyên tắc nếu Metro chuyển nhượng cho đối tác Thái Lan BJC thì hồ sơ xin chuyển nhượng phải nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM để đơn vị này thẩm định và trình lên các bộ ngành xem xét trước khi có quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Một nguồn tin có thẩm quyền từ cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài tại TPHCM cho biết họ đã nghe thông tin về việc chuyển nhượng của Tập đoàn Metro trên báo chí từ mấy tháng nay nhưng đến nay (tháng 1-2015) cơ quan này vẫn chưa nhận hồ sơ xin chuyển nhượng từ phía nhà đầu tư.

Trong khi đó các cổ đông của BJC mới đây đã đồng lòng phản đối thương vụ mua lại hệ thống kinh doanh Metro ở Việt Nam với giá 655 triệu euro (tương đương chừng 875 triệu đô-la Mỹ). Cụ thể, tại đại hội cổ đông của BJC diễn ra hôm qua (9-1), các cổ đông của BJC lo ngại rằng, nếu tiếp tục theo đuổi vụ mua lại Metro với giá 25 tỉ baht Thái (655 triệu euro) tập đoàn BJC có nguy cơ đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về tài chính và pháp lý, theo Bangkok Post.

Người phụ trách truyền thông của Metro Việt Nam, khi được TBKTSG Online liên hệ về việc này, đã trả lời rằng Metro Việt Nam không được quyền phát ngôn bất cứ điều gì về thương vụ mua bán giữa hai bên và họ cũng không nắm thông tin về vụ việc này.

Theo người này, ngay từ đầu thương vụ này là do lãnh đạo hai tập đoàn Metro ở (Đức) và BJC (Thái) đàm phán với nhau; Metro Việt Nam chỉ là công ty thành viên thừa hành; do đó mọi thông tin liên quan đến thương vụ này phải do phía Metro Đức công bố chính thức.

Cũng theo người này, việc kinh doanh hiện nay của Metro Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online liên quan đến sự quan ngại của đơn vị mua BJC nếu giao tiền trước cho Metro chưa chắc được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư từ phía Chính phủ, một cán bộ từng làm trong ngành xúc tiến đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng ông không nghĩ là Chính phủ Việt Nam sẽ không cấp phép chuyển nhượng theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Theo người này, bất cứ doanh nghiệp trong và ngoài nước nào nếu có nhu cầu chuyển nhượng vốn cho đơn vị khác thì cũng được phép nếu doanh nghiệp đó hoàn tất các nghĩa vụ thuế và đáp ứng những quy định của Nhà nước. Trường hợp của Metro cũng không ngoại lệ bởi đây cũng là một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như những nhà đầu tư khác.

Metro được xem là một trong những trường hợp đặc biệt ở Việt Nam. Tập đoàn này đã khởi sự kinh doanh khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Để được phép mở đến tám trung tâm ở các thành phố lớn của Việt Nam, Metro đã đăng ký mở chuỗi siêu thị bán sỉ, cam kết không cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ trong nước và mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các nhà cung cấp địa phương. Trên thực tế, hệ thống bán sỉ này cũng ngấm ngầm bán lẻ.

Việc kinh doanh thuận lợi, Metro tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh, thành và tới nay đã có 19 trung tâm phân phối trên cả nước, hai trung tâm trung chuyển hàng rau quả và cá tươi, tất cả đều dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài - điều mà chưa có nhà phân phối nước ngoài nào khác làm được, nhất là các nhà bán lẻ bị “vướng” quy định về thẩm định nhu cầu kinh tế khu vực (ENT) đối với việc mở trung tâm bán lẻ thứ hai.

Hầu hết các trung tâm phân phối của Metro ở Việt Nam có vị trí ở các cửa ngõ ra vào các thành phố lớn, có quy mô lớn, hiện đại và đồng nhất. Đó là niềm ao ước của bất kỳ một nhà phân phối nào. Chính vì vậy mà BJC đã sẵn sàng bỏ ra đến 655 triệu euro (875 triệu đô-la Mỹ) để thâu tóm hệ thống kinh doanh của Metro tại Việt Nam.

Liệu BJC có thoái lui?

Liệu tương lai người tiêu dùng trong nước sẽ đến Cash & Carry của Metro mua hàng hay một cái tên khác? -Ảnh minh họa: Hùng Lê

Nhiều ý kiến trái chiều về thương vụ mua bán-sáp nhập trong lĩnh vực phân phối có giá trị lớn nhất Việt Nam hiện nay này, trong đó xoay quanh việc Metro sẽ mang về một khoản lợi nhuận khổng lồ khi bán cho BJC.

Cụ thể ngay khi thông tin bán hệ thống kinh doanh ở Việt Nam của Metro được công bố, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin am hiểu về thương vụ này để đưa ra nhận định, việc chuyển nhượng sẽ giúp tăng lợi nhuận của Metro trước lãi vay và thuế (EBIT) trong năm tài chính 2014/15 khoảng 400 triệu euro.

Hãng tin Bloomberg cũng cho rằng thương vụ này sẽ giúp tập đoàn Metro tăng lợi nhuận trước thuế và lãi vay thêm hàng trăm triệu euro trong năm nay. Ngay chính tập đoàn Metro cũng cho rằng từ giao dịch này, tập đoàn dự kiến ​​sẽ tạo ra một hiệu ứng EBIT tích cực đặc biệt, mang về hàng trăm triệu euro cho năm tài chính 2014/15, theo một thông cáo báo chí của Metro.

Trong bối cảnh dư luận đang đặc biệt quan tâm về thương vụ này, ông Aswin Techajareonvikul, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn BJC Thái Lan đã phải đưa ra lời giải thích với báo giới trong nước.Theo ông Aswin “655 triệu euro là con số hợp lý, không đắt hay rẻ”. Mức giá này, ông Aswin nói, được BJC và Metro đồng thuận sau hơn một năm đàm phán với sự hỗ trợ của Công ty tư vấn Lazard của Mỹ.

Giải thích về việc bỏ ra số tiền lớn kỷ lục để mua lại Metro, ông Aswin nói: “Nguyên nhân chủ yếu là BJC thấy được tiềm năng trong việc phân phối các sản phẩm và dịch vụ tai Việt Nam và Metro là thời cơ tốt. Metro có nền tảng và cơ cấu phù hợp với BJC, giúp chúng tôi phát triển nhanh hơn là đầu tư mới”. Gần 4.000 nhân viên người Việt Nam có kỹ năng, trình độ giỏi của Metro cũng là nhân tố quan trọng, giúp BJC quyết định đầu tư vào Metro.

Trước đó, cả Metro và BJC hi vọng có thể công bố hoàn thành thương vụ vào nửa đầu năm 2015. Như vậy, chưa đầy 6 tháng nữa thương vụ này phải hoàn tất, trong khi các cổ đông nhỏ của BJC thì đang phản đối việc mua lại Metro.

Chưa rõ hồi kết của thương vụ này tới đâu, nhưng với một số nhà phân tích thì kỳ vọng Metro vẫn tiếp tục điều hành hệ thống kinh doanh của mình ở Việt Nam để có thể bán hơn 90% hàng hóa trong nước sản xuất như hiện nay cũng như hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa trong nước. Trong khi một số doanh nghiệp trong nước cung cấp hàng cho Metro lâu nay thì kỳ vọng BJC thay thế được Metro để có thể tăng lượng hàng bán ra tại hệ thống Metro vốn bị giậm chân trong những năm gần đây.

Hùng Lê (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.