Trong tình cảnh doanh thu ngày càng giảm, Hội đồng quản trị lăn xả tìm khách chẳng khác nhân viên kinh doanh, lãnh đạo công ty truyền thông làm thêm website 3D kiếm tiền nuôi quân, ông chủ vũ trường mở quán ốc...

Anh bạn là CEO của một công ty truyền thông vừa gặp tôi và nhờ góp ý về dịch vụ mới. Đó là chào bán website 3D dành cho các khách sạn, công ty địa ốc... Lý giải chuyện đang kinh doanh truyền thông mà chuyển sang website, anh trả lời phải làm để kiếm tiền nuôi quân. Kinh doanh website 3D hiện nay còn mới và ít đơn vị thực hiện nên anh hy vọng sẽ dễ thở hơn truyền thông. Anh cười khi nhắc đến câu nói bất hủ: "To be or not to be" - Tồn tại hay không tồn tại.

Như vậy, tìm hướng đi mới cũng là giải pháp gợi mở lối ra cho giới làm ăn. Điều này càng có ý nghĩa cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Ngược lại, một nữ CEO khác của công ty truyền thông đang tất bật với hàng loạt dự án. Chị phải tuyển thêm người để chia bớt việc và đảm bảo chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp. Công ty vừa được giao dự án lớn ở Long An và nữ CEO trở thành "tay đua kiệt xuất" khi hàng ngày xuôi ngược trên đường cao tốc. Bí quyết của công ty là chất lượng cao trong sáng tạo, ý tưởng và mang lại cho khách hàng những giá trị vượt hơn sự mong đợi. Nữ CEO này nổi tiếng là khó chịu và đòi hỏi cao với các nhà thầu phụ và bản thân mình. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị thấu hiểu rất rõ sự khó khăn khi kinh tế suy thoái như hiện nay nên mỗi người đều " lăn xả" tìm kiếm khách hàng.

Bài học rút ra trong trường hợp này, chất lượng sản phẩm, dịch vụ là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất. Nếu tạo khác biệt so với đối thủ, doanh nghiệp vẫn đảo ngược tình thế, kể cả trong khủng hoảng.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM. Ảnh: T.Q

Ở một công ty sách, sau khi tổng kết lại công nợ năm 2012, CEO này khá đau đầu khi bao nhiêu vốn liếng và tiền lời đang bị chiếm dụng. Bài toán đặt ra lúc này là nếu như không cho nợ thì không bán hàng được.Trong khi đó, kênh bán hàng trực tiếp và online đã triển khai nhưng doanh số còn quá thấp. Cũng giống như nhiều công ty vừa và nhỏ khác, đơn vị này có quy mô vốn nhỏ và không có tài sản thế chấp nên gần như không thể vay ngân hàng.

Vị CEO này đánh giá tiềm năng thị trường là rất lớn nhưng công ty bị hạn chế về vốn, kênh phân phối và cả nhân sự nên đang chật vật.

Một thiếu gia đã kinh doanh thành công một vũ trường ở TP HCM, vừa cho hay sẽ chuyển sang đầu tư các quán cà phê sang trọng. Anh cho biết, kinh tế khó khăn nên khách đến vũ trường không nhiều, nhưng chi phí đầu tư lại lớn, phải thay đổi decor liên tục, thời gian kinh doanh chỉ có buổi tối và thường xuyên bị kiểm tra nên gần như không có lãi.

Anh theo dõi lượng khách qua các năm và hiểu rõ tác động của khủng hoảng kinh tế đến lĩnh vực kinh doanh vũ trường của mình nên khá tự tin với sự chuyển đổi. Theo anh, cà phê sang trọng, nhạc nhè nhẹ, khách có thể uống rượu vang... sẽ là nơi gặp gỡ của nhiều doanh nhân để xả stress. Anh còn khoe là vừa khai trương một quán ốc ở quận 1, TP HCM và bước đầu, kết quả kinh doanh rất khả quan.

Trong thời kỳ khó khăn, chiến lược kinh doanh hướng tới phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân, theo tôi, cũng là hướng đi đúng. Thực tế đã cho thấy điều này, món ốc dân giã, bình dị, hợp túi tiền của nhiều người đã giúp anh bạn tôi thu tiền đều đều.

Một công ty đại chúng lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sau khi được tư vấn bởi công ty tư vấn quốc tế, đã công bố chiến lược phát triển kinh doanh trong 5 năm tới. Họ sẽ thoái vốn tất cả các khoản đầu tư ngoài ngành và chỉ tập trung toàn lực cho lĩnh vực chính. Vị CEO của công ty tâm sự với tôi: "Khi nền kinh tế thuận lợi, kinh doanh gì cũng có lãi. Nhưng lúc này, khi kinh tế suy thoái, ngay cả mặt hàng kinh doanh chính còn cạnh tranh rất chật vật. Nếu công ty vẫn đầu tư dàn trải cả về vốn lẫn nguồn nhân lực như hiện nay thì chắc chắn không thể tăng trưởng và sức cạnh tranh giảm. Mặc dù rất đau nhưng phải "cắt" thôi".

Tóm lại, 3 tháng đầu năm chưa cho thấy tín hiệu khởi sắc nào. Kế hoạch kinh doanh năm 2013 của nhiều công ty đều bằng hoặc thấp hơn năm 2012, bởi ai cũng lo ngại kinh doanh năm nay còn nhiều khó khăn.

Qua khảo sát, tôi thấy trong quý I, nhiều doanh nghiệp rất vất vả trong kế sách kinh doanh. Bỏ qua những trường hợp phá sản trước đó, hiện có không ít đơn vị vừa và nhỏ đang đứng trước ngưỡng cửa đóng cửa.

Theo tôi, các doanh nghiệp cần năng động và linh hoạt trong chiến lược như: mở rộng mạng lưới phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm và sự chuyên nghiệp trong dịch vụ cung cấp, chọn lựa những ngành đầu tư mới phù hợp với năng lực hoặc tập trung cho lĩnh vực cốt lõi... Ngoài ra, liên kết, hợp tác, sáp nhập giữa các doanh nghiệp cùng ngành hoặc trong chuỗi giá trị nên xem xét.

Bên cạnh việc "tự thân vận động", doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Đó là các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất phù hợp, thành lập các Quỹ tín dụng hoặc các định chế tài chính giúp cho doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn, cải thiện cơ sở hạ tầng. Người kinh doanh cũng mong được giảm các loại thuế, phí nhất là việc giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%. Chuyện khó khăn của doanh nghiệp, bây giờ, không còn chỉ là chuyện riêng của giới doanh nhân nữa.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đào tạo Doanh Chủ...
Nguyễn Tuấn Quỳnh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.