Mới đây, một số doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Pomina, Thép VAS… điều chỉnh tăng khoảng 100.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép cuộn CB240, theo số liệu của Steel Online.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tăng 100.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 ở cả 3 miền, lên 14,24 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 14,40 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý cũng tăng thêm 100.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 lên 14,14 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 giữ ở mức 14,34 triệu/tấn; Thép Việt Đức cũng điều chỉnh tăng 100.000 đồng/tấn lên 14,14 triệu/tấn thép cuộn.
Với mức tăng 100.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu Kyoei Việt Nam đang được bán ra thị trường ở mức 14,07 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán mới nhất của thép Pomina trong ngày 3/5 là 14,89 triệu đồng/tấn.
Hiện, các mặt hàng thép có giá dao động từ 14-15 triệu đồng/tấn, đây là mức giá thấp, đã duy trì từ nửa cuối năm ngoái đến nay.
- THAM KHẢO: BẢNG GIÁ THÉP MỚI NHẤT NĂM 2024
Các doanh nghiệp thép điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng/tấn đối với mặt hàng thép cuộn CB240
Các nhà sản xuất thép trong nước cho rằng giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu dừng đà tăng. Doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán để phù hợp với chi phí đầu vào.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường thép nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Thị trường suy giảm nhanh hơn so với nhận định trước đó và tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố bất lợi toàn cầu: Các cuộc xung đột leo thang gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; ngành bất động sản trong nước tiếp tục ảm đạm đã khiến thị trường quý 1/2024 chưa phục hồi như kỳ vọng, nhu cầu thị trường vẫn thấp, sức mua yếu.
“Nhìn chung, thị trường thép hiện nay biến động không ổn định và khó khăn, triển vọng thị trường thép trong quý 2 và quý 3 tiếp tục phức tạp và đầy thách thức”, VSA nhận định.
Cũng theo VSA, ngành thép Việt Nam hiện nay chịu tác động mạnh bởi thị trường thép Trung Quốc. Trong bối cảnh ngành bất động sản Trung Quốc đang đóng băng, tồn kho thép Trung Quốc ở mức cao nên các nhà sản xuất thép nước này đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn. Không những vậy, giá nhập khẩu mặt hàng này từ một số nước còn giảm và xu hướng nhập khẩu thép HRC ồ ạt với giá rẻ vẫn đang tiếp diễn ở những tháng đầu năm nay.
Thép HRC là nguồn nguyên liệu quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp như đóng tàu, ô tô, sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp điện, khai khoáng, công nghiệp quốc phòng...
Lượng nhập khẩu HRC xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ tăng đột biến, chiếm lĩnh thị phần HRC trong nước. Riêng lượng nhập khẩu HRC trong quý 1/2024 đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất trong nước, nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 75%.
Trước tình trạng trên, Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép HRC thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
“Việc này nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
-
Giá thép xây dựng “nhảy múa” thế nào từ đầu năm đến nay?
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá mặt hàng thép xây dựng đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá bán, trong đó có 6 lần tăng và 11 lần giảm liên tiếp.
-
Sắt thép quay trở lại đường đua tăng giá
Từ đầu năm 2023, giá thép xây dựng đã tăng 4 lần với mức tăng khoảng 1,2 - 1,6 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
-
“Bí kíp” luyện thép NHANH - NHIỀU - RẺ khiến thế giới ngỡ ngàng mà Trung Quốc vừa tìm ra có gì đặc biệt?
Chỉ mất hơn 10 năm, Trung Quốc đã tạo ra công nghệ sản xuất thép không chỉ nhanh hơn mà còn rẻ hơn so với cách làm truyền thống.
-
“Pháp sư” Trung Hoa lại khiến cả thế giới sửng sốt: Chỉ mất 6 giây để hoàn thành quy trình sản xuất thép, nhanh gấp 3.600 lần so với lò cao truyền thống
Công nghệ sản xuất thép này có thể hoàn thành quy trình sản xuất trong vòng chỉ 3-6 giây, nhanh hơn nhiều so với thời gian 6 giờ của các lò cao truyền thống. Đây hứa hẹn sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp thép toàn cầu....
-
Diễn biến đáng chú ý trên thị trường THÉP CHẤT LƯỢNG CAO, loại vật liệu nhiều ngành công nghiệp đều cần
Thép cuộn cán nóng chất lượng cao (HRC) đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu. Nếu tự chủ được, các ngành như đóng tàu, cơ khí chính xác, sản xuất ô tô, container... sẽ bớt phụ thuộc chuỗi cung ứng HRC ngoại....