Với 30 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì, từ một cơ sở nhỏ với số vốn ban đầu là 3,5 triệu đồng (năm 1989), đến nay, doanh thu của Nam Thái Sơn đã đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và Công ty được xếp vào Top 5 doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu bao bì nhựa mạnh của cả nước.
Khi được hỏi điều gì khiến Nam Thái Sơn làm nên kỳ tích như thế, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, đã trả lời ngắn gọn: “Chỉ cần bạn có ý tưởng, biết theo đuổi đam mê, làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn, xem chuyện thất bại là bình thường thì chắc chắn bạn cũng làm được như vậy”.
Thoạt nghe thấy rất đơn giản, nhưng khi chứng kiến sự chăm chỉ và kiên nhẫn của ông Trần Việt Anh sau những lần thất bại để đưa DN "trở mình" lớn mạnh mới thấy không dễ thực hiện. Cùng với sự rời bỏ vị trí kỹ sư đứng máy tại Bộ Lương thực sau ba năm làm việc (1986 - 1989) là quá trình tự khởi nghiệp không ít khó khăn do thị trường Việt Nam thời điểm đó hầu như không có thông tin về ngành bao bì nhựa để ông tìm tòi, học hỏi.
Chính cộng đồng người Hoa (Chợ Lớn, TP.HCM), nơi được xem là "cái nôi" của ngành nhựa Việt Nam thời đó, đã giúp ông những bài học đầu tiên. Từ kiến thức tích lũy được, cộng với cách nhìn nhận thị trường, ông Trần Việt Anh đã gầy dựng Nam Thái Sơn theo cách của riêng mình.
Theo đó, DN không phải là nhà phân phối cũng không hẳn là nhà sản xuất, bởi hầu hết sản phẩm của Nam Thái Sơn thời điểm đó được sản xuất theo hướng gia cố, phát triển lại những sản phẩm bao bì đã có sẵn, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng khi thị trường đang thiếu. Cách làm "cộng hưởng" này không chỉ giúp Nam Thái Sơn tiết giảm được vốn đầu tư, tạo ra giá trị thặng dư cao, mà còn giúp đối tác tiêu thụ được hàng hóa theo hướng đôi bên cùng có lợi.
Mãi đến năm 2008, khi Nam Thái Sơn chính thức sở hữu hai nhà máy sản xuất bao bì nhựa với công suất hàng nghìn tấn/tháng, đáp ứng nhu cầu cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu thì khó khăn mới ập đến khi nền kinh tế sụt giảm (2008 - 2010). Ông Trần Việt Anh khẳng định: "Nếu tôi không bền chí, kiên nhẫn theo đuổi đến cùng thì chắc đã không có Nam Thái Sơn như bây giờ".
* Cùng với sự khủng hoảng của kinh tế thế giới, DN Việt Nam giai đoạn 2008 - 2010 đã bị ảnh hưởng rất nhiều khi lãi suất tăng cao, hàng hóa sản xuất ra không bán được... Nhìn lại giai đoạn đó, nhiều DN vẫn cho rằng mình đã vượt khó tạo nên "kỳ tích". Với Nam Thái Sơn, "kỳ tích" ấy được xác lập như thế nào?
- Ba năm liên tiếp, từ 2008 - 2010, chúng tôi gần như lỗ nặng. Giá nguyên liệu đang từ 2.000 USD/tấn giảm còn 600 USD/tấn, với công suất 1.000 tấn/tháng, cứ mỗi lần xuất khẩu hàng đi thay vì đem đô la về thì chúng tôi lại lỗ mấy chục tỷ đồng. Ngay thời điểm đó, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, lên đến mức trên 20%/năm, khiến DN thiệt hại vài tỷ đồng/tháng.
Lúc đó, chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết những khó khăn của DN, vì nhìn bên ngoài, hai nhà máy sản xuất bao bì nhựa tại miền Nam và miền Bắc với tổng công suất hàng nghìn tấn vẫn liên tục sáng đèn, nhân công vẫn lãnh lương đều đặn mỗi tháng, chỉ có Tổng giám đốc là tóc bạc thêm vì phải lo xoay xở để kiếm tiền trả nợ. Ranh giới giữa phá sản, đóng cửa nhà máy và tiếp tục hoạt động lúc đó rất mong manh.
Để có thể trụ được, chúng tôi phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào những khách hàng chịu thanh toán trước. May mắn là chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía ngân hàng trong việc cân đối lại dòng tiền. Lãi suất tiền vay ngân hàng cũng giảm xuống còn 6 - 7%/năm, Nam Thái Sơn được duyệt cho vay ngoại tệ nên đã dần giải quyết nợ nần và phát triển trở lại.
* Vượt qua cơn bĩ cực ngoạn mục như vậy, ông nghĩ thế nào trước kiến nghị giảm lãi vay ngân hàng đối với DN trong giai đoạn hiện nay?
- Ở góc độ là người làm kinh tế, tôi không đồng tình với một số DN trông chờ quá nhiều vào vấn đề này. Vì DN là do mình xây dựng, còn chính sách, cơ chế và quy định là của Nhà nước, bắt buộc phải thay đổi và điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tế, vì đây được xem là "thước đo" sự phát triển của DN. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ quản lý ở mức độ chính sách, mang tính hỗ trợ.
Do đó, tôi nghĩ Nhà nước đã xây dựng một chính sách tín dụng chung cho cộng đồng DN thì cần làm sao để cân đối giữa ngân sách quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để DN Việt Nam có thể cạnh tranh với DN cùng ngành trong khu vực, đừng có quá nhiều sự khác biệt là ổn. Chẳng hạn, tại Thái Lan, DN đang được cho vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đối với đồng đô la là 3%/năm, thì Việt Nam cũng phải tương đương hoặc chỉ nhỉnh hơn một chút, chứ không thể cho vay lãi suất đồng đô la là 6%/năm.
Còn chuyện Nhà nước hỗ trợ DN bằng cách cho vay với lãi suất thấp thì chỉ nên mang tính ngắn hạn, vì về lâu dài DN không thể sống như vậy được, phải nỗ lực và tận dụng cơ hội từ chính sách của Nhà nước để phát triển. Thực chất, các ngân hàng cũng là DN, nên tất nhiên họ cũng phải tính đến chuyện lãi, lỗ.
* Với kinh nghiệm tham gia rất nhiều tổ chức hội ngành nghề, ông có nhận thấy DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay đang dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng quá nhiều?
- Việt Nam công bố có 600.000 DN, nhưng không xác định được có bao nhiêu DN vừa, bao nhiêu DN lớn và bao nhiêu DN nhỏ, vì thực sự có những DN quá nhỏ nên không biết gọi như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng đang tồn tại loại hình kinh doanh hộ cá thể, rồi mới đến DN nhỏ, nên định nghĩa về DN nhỏ và vừa của Việt Nam cũng khác biệt so với các nước về doanh thu, số nhân công...
Nhưng nhìn chung, đối tượng DN nhỏ đa phần sử dụng đồng vốn tự có, chỉ khi bắt đầu phát triển từ mức nhỏ đến mức lưng chừng giữa vừa và nhỏ thì họ bắt đầu hoàn toàn dựa vào nguồn vốn vay. Nếu không vay từ hệ thống ngân hàng thì cũng vay ngoài hệ thống ngân hàng.
Điểm yếu nhất của DN Việt Nam là lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay, có khi từ 60 - 70%, nhiều khi số tiền vay cao gấp 3 lần số vốn họ có. Đây cũng là lý do khiến DN kém phát triển, vì kiếm được bao nhiêu trả lãi hết bấy nhiêu, trong khi lãi suất lại cao. Chính sự phụ thuộc này bắt buộc họ phải chấp nhận những mức lãi suất do ngân hàng, đối tác đưa ra, góp phần lớn làm giảm sức cạnh tranh của DN.
Kéo theo đó là DN gần như thiếu sự tích lũy vì bao nhiêu vốn đầu tư mới đều phụ thuộc vào vốn vay, trong khi đầu tư mới đáng lý phải được tái cơ cấu từ lợi nhuận kinh doanh. Thành ra tỷ lệ DN vay vốn ngân hàng dưới 30 - 50% vốn phải nói là rất ít. Một phần cũng do DN Việt Nam vẫn chưa có thói quen sử dụng những nguồn vốn khác như từ thị trường chứng khoán, cổ phiếu, các quỹ đầu tư..., do đó, việc lạm dụng vốn vay là đương nhiên.
Tuy nhiên, nếu DN làm kinh doanh mà không vay tiền thì rõ ràng DN không phát triển, hoặc DN phát triển mà dùng vốn tự có thì chỉ có thể phát triển nhỏ. Bởi vì, về mặt tài chính, khi đánh giá DN người ta luôn căn cứ vào dòng tiền. Nếu DN có dòng tiền tốt thì chuyện vay tiền bao nhiêu phần trăm cũng không quan trọng, nhưng nếu dòng tiền yếu mà lại sử dụng vốn vay quá nhiều thì sẽ rất nguy hiểm.
* Với Nam Thái Sơn, sau quá trình gần 18 năm phát triển, sự cạnh tranh với các đối thủ trong nước lẫn nước ngoài hiện nay ra sao, thưa ông?
- Cạnh tranh trong kinh doanh thì thời điểm nào cũng có, chỉ khác là thời điểm Nam Thái Sơn khởi nghiệp cách đây 20 năm thì cạnh tranh không đáng kể. Còn hiện nay, thị trường gần như đã phẳng và trở thành thị trường chung với rất nhiều hiệp định kinh tế, thương mại như AEC, FTA, TPP... nên bắt buộc phải cạnh tranh.
Nhưng có thể nói, chưa bao giờ DN Việt Nam có cơ hội gần gũi, học hỏi, tận dụng tài nguyên nhân lực, công nghệ từ những DN nước ngoài một cách trực tiếp như hiện nay. Và việc cạnh tranh đến giờ phút này chỉ tồn tại với những DN có chiến lược lâu dài, vì sự cạnh tranh hiện tại đã mang tính toàn cầu, phổ biến với tất cả DN trên thế giới.
Do đó, tôi nghĩ chúng ta không nên nói nhiều đến cạnh tranh mà nên nói nhiều đến thuận lợi và thách thức, hai yếu tố này bao giờ cũng phải song hành với nhau. Chỉ có khác là chính quyền, Nhà nước buộc phải có những thay đổi về thể chế cũng như quy định sao cho phù hợp hơn với thị trường chung của các nước ASEAN.
Chẳng hạn, không thể có chuyện các DN Thái Lan, Malaysia... đang hưởng những chính sách tốt từ đất nước họ, nhưng khi sang Việt Nam đầu tư thì những chính sách đó lại không có hoặc bị chặn lại, bởi vì chính sách cho DN phải công bằng. Mỗi quốc gia có thể khác biệt về chính sách quốc phòng, thể chế chính trị, nhưng chính sách cho cơ chế thị trường là phải công bằng, chính sách tín dụng cũng vậy.
Hiện nay, tại Thái Lan, chính sách tín dụng dành cho một số DN ngành nhựa vay đầu tư với lãi suất dưới 2%/năm, thậm chí có những trường hợp đang được hưởng lãi suất dưới 1%/năm. Tại Việt Nam, nếu chính sách nhà nước cũng áp dụng lãi vay từ 5 - 6%/năm, Cộng đồng Kinh tế ASEAN mở cửa, Thái Lan sẽ mở nhà máy ở Việt Nam, sử dụng nhân công Việt Nam, nhưng họ được vay tiền bên Thái với lãi suất 2%/năm, còn mình vay với lãi suất 6%/năm, như vậy xét về mức độ cạnh tranh là mình thua rồi.
* Nhưng trên thực tế, lãi vay của các nước được quyết định dựa trên mức lạm phát đồng tiền của mỗi quốc gia?
- Tôi đồng ý, việc lạm phát đồng tiền cũng như chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng nhà nước cũng có chính sách tín dụng cho từng giai đoạn, từng đối tượng phù hợp để kích thích DN phát triển, tạo công ăn việc làm cho xã hội cũng như đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, đối tượng DN nhỏ và vừa thì duyệt cho họ lãi suất phù hợp, với lượng vốn vay phù hợp.
Ví dụ, DN có nhu cầu 10 tỷ đồng nhưng chỉ được vay 2 tỷ đồng với lãi suất thấp, còn lại phải chịu vay với mức lãi suất theo thị trường. Còn những DN đã phát triển và ổn định, đã tạo được nguồn thu tốt thì DN và ngân hàng tự xây dựng mức lãi suất, dĩ nhiên phải trong khung Nhà nước quy định,
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét để cho những DN lớn vay với mức lãi suất ngang bằng với DN tại Thái Lan với điều kiện tiêu chí của DN được xét vay bằng tiêu chí của DN Thái Lan chẳng hạn. Tất cả dựa trên phân loại về tiềm lực của DN để có những chính sách cụ thể gọi là vượt trần và dưới trần.
* Chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, theo ông, điều này có gây khó cho DN?
- Đối với các chính sách này, đầu tiên chúng ta phải xét đến các nước trong khu vực, nếu họ đều áp dụng như vậy thì chúng ta không thể làm khác. Những người lao động trong khu vực ASEAN đều được hưởng chính sách như vậy thì không lý do gì người lao động Việt Nam không được hưởng.
Song, với điều kiện thực tế của DN Việt Nam, tôi cho rằng Nhà nước nên tăng theo tiến độ từng năm, kể từ năm 2017 trở đi để DN có sự chuẩn bị. Bởi so với các nước, GDP của họ cao hơn Việt Nam từ 4 - 5 lần, nên việc áp dụng chính sách lao động công bằng không khó, nhưng với DN Việt Nam thì ngược lại.
Do vậy, cần phải có lộ trình để tránh tình trạng DN tìm cách đối phó, làm ảnh hưởng đến người lao động, uy tín của DN. Nhưng nếu không tính toán thì DN sẽ bị hụt nguồn vốn sản xuất, khó khăn sẽ liên tiếp kéo đến, dẫn đến hệ quả thiếu sức cạnh tranh, mất thị trường và kết quả là sẽ nhường sân cho đối thủ nước ngoài.
* Được biết, thời gian qua, Nam Thái Sơn đã dành không ít lợi nhuận để hỗ trợ cho các quỹ học bổng dành cho sinh viên, có vẻ ông rất hứng thú với các dự án khởi nghiệp?
- Không phải chỉ có các dự án khởi nghiệp, từ những ngày đầu thành lập Nam Thái Sơn, chúng tôi đã quan tâm đến công tác xã hội đều đặn cho đến nay, ngay cả những năm lỗ nặng như từ 2008 - 2010 chúng tôi vẫn duy trì công việc này.
Việc tài trợ cho các chương trình như Quỹ học bổng Thắp sáng tài năng trẻ, học bổng Sinh viên 5 tốt... chỉ là những đóng góp nhỏ với hy vọng sẽ góp phần cùng các anh, chị doanh nhân khác từ những tổ chức hội ngành nghề mà tôi tham gia để đào tạo những sinh viên giỏi, có đam mê, ý tưởng tốt thành những công dân tiêu biểu trong một lĩnh vực nào đó chứ không chỉ có khởi nghiệp.
* Với kinh nghiệm của người đi trước, ông có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay?
- Nếu các bạn trẻ có đam mê kinh doanh, có ý tưởng sáng tạo thì nên học hỏi những người đi trước, những doanh nhân nổi tiếng thế giới. Giai đoạn khởi nghiệp của chúng tôi tầm 27 năm về trước và giai đoạn hiện nay nhìn chung giống nhau ở niềm đam mê, nhiệt huyết, muốn tự khám phá, chấp nhận cạnh tranh, nhưng có sự khác biệt là thị trường.
Trước đây, DN giao dịch chỉ qua điện thoại bàn và nhanh lắm là máy fax. Hơn nữa, các sản phẩm thiết yếu lúc đó đều thiếu, người dân ít có lựa chọn ngoài một số sản phẩm xa xỉ nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc nên cơ hội làm những mặt hàng trung bình thấp là rất lớn, do đó, các DN khởi nghiệp thời đó thường gắn liền với sản xuất.
Còn hiện nay, DN khởi nghiệp phần lớn gắn liền với công nghiệp và dịch vụ, nhưng tất cả đều vất vả như nhau, nên cần sự quyết tâm như nhau và độ thất bại cũng tương đương nhau. Khởi nghiệp bây giờ có cả một thị trường toàn cầu, phục vụ cho hàng trăm nghìn DN trong nước, hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam, hàng trăm triệu người tiêu dùng ASEAN, vì vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên khi khởi nghiệp là phải có ý tưởng, đam mê, yêu công việc, hết sức chăm chỉ và kiên nhẫn.
* Cám ơn những chia sẻ của ông!
Loan Lê (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.