CafeLand - UBND Thành phố đã chấp thuận đề xuất của Sở Tư pháp về các biện pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng một số chủ đầu tư dùng các căn hộ đã bán cho khách hàng để thế chấp các khoản vay ngân hàng.

Dự án PetroVietnam Landmark

Theo đó, trong trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở đã thế chấp cho tổ chức, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu chủ đầu tư có văn bản thỏa thuận, về việc thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) với tổ chức tín dụng nhận thế chấp.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ tạo điều kiện cho các bên đàm phán thỏa thuận để thay đổi, rút bớt tài sản thế chấp để hỗ trợ người mua nhà được cấp giấy chứng nhận.

Sau khi có kết quả đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp), Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các quận-huyện thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư và nhận bàn giao nhà.

Trường hợp chủ đầu tư, có tài sản riêng chưa được chứng nhận sở hữu trên giấy chứng nhận đã cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đối với phần tài sản còn lại thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng và chủ đầu tư sử dụng tài sản riêng khác, để thay thế cho tài sản thế chấp là căn hộ mà chủ đầu tư đã bán cho người dân, nhằm giải chấp, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Trường hợp chủ đầu tư trì hoãn, cố tình không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi (rút bớt tài sản thế chấp), Sở Xây dựng sẽ kiểm tra việc kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư và xử lý đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các quận-huyện hướng dẫn cá nhân, tổ chức khởi kiện chủ đầu tư, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng (nếu thuộc trường hợp được hủy hợp đồng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán nhà ở hoặc theo quy định pháp luật).

Thị trường bất động sản Việt Nam khác với thị trường bất động sản của thế giới. Ở nước ngoài ngân hàng tài trợ cho doanh nghiệp vay hết, sau khi làm xong sản phẩm mới bán ra thị trường. Còn Việt Nam chủ yếu bán nhà hình thành trong tương lai, vừa vay tiền của ngân hàng vừa huy động vốn từ người mua. Hình thức này có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có điều tiêu cực như chủ đầu tư huy động vốn quá mức quy định, sử dụng vốn huy động sai mục đích, hay đem căn hộ thế chấp ngân hàng…

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.