CafeLand – Tòa án nhân dân TP.HCM vừa ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP BĐS Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand), chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (quận 2). Thông tin này khiến hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án này “mất ăn, mất ngủ” không biết ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ trong thời gian tới?

Hơn 400 khách hàng khốn đốn khi mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark

Phong tỏa dự án, mở thủ tục phá sản

Ngay sau khi Chi cục thi hành án dân sự quận 2, TP.HCM ra quyết định yêu cầu “phong tỏa” hơn 15.000m2 đất tại dự án PetroVietnam Landmark. Hằng trăm khách hàng mua nhà tại dự án này lại đứng ngồi không yên khi mới đây, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản với chủ đầu tư dự án này.

Theo Quyết định của Toà án Nhân dân TP.HCM, sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của khách hàng mua căn hộ PetroVietnam Landmark là bà Trần Thị Châu Giang (ở số 18/7 Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM). Đồng thời qua xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan xét thấy có các căn cứ chứng minh PVCLand mất khả năng thanh toán, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra quyết định số 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với PVC Land (trụ sở tại lầu 6, số 11Bis Nguyễn Gia Thiều, Q.3).

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo, đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản này, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản - Bà Nguyễn Thuỵ Anh - địa chỉ 197/3 Nguyễn Kim, P.7, Q.3. Trong đó, nêu rõ các khoản nợ, số nợ phải trả. Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó.

Được biết, bà Giang mua căn hộ PetroVietnam Landmark (quận 2) với giá hơn 2 tỷ đồng từ tháng 3/2010. Theo hợp đồng, chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà vào cuối năm 2011. Khách hàng đã đóng 95% giá trị căn hộ và được giảm giá 5%. Trong suốt thời gian mua dự án, chủ đầu tư năm lần bảy lượt hẹn giao nhà nhưng đều thất hứa, tháng 10/2012 bà Giang gửi đơn kiện đòi lại tiền.

Năm 2014, Tòa án Nhân dân quận 2 tuyên hủy hợp đồng mua bán căn hộ, buộc PVC Land phải hoàn lại tiền mua căn hộ cho bà Giang kèm theo hơn 400 triệu đồng lãi suất chậm giao nhà. Tuy nhiên sau nhiều lần thương lượng không thành công, đến nay tòa đã giải quyết đơn đề nghị phá sản PVC Land của bà Giang theo quy định.

Chủ đầu tư phá sản , khách hàng là người chịu thiệt nhất

Theo tìm hiểu bà Giang chỉ là một trong số hơn 400 khách hàng đang “sa lầy” tại dự án PetroVietnam Landmark. Hằng trăm khách hàng đang hoang mang, nếu chủ đầu tư phá sản thì số phận của dự án sẽ đi về đâu?

Một khách hàng cho biết, bà mua căn hộ tại PetroVietnam Landmark từ năm 2011 với giá trị gần 2 tỷ đồng và đã đóng được khoảng 90% giá trị căn hộ. “Nhiều năm qua dự án ngừng thi công đã khiến cuốc ống của chúng tôi khốn đốn. Nay nếu chủ đầu tư phá sản thì ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi”, khách hàng này lo lắng.

Được biết, nếu thông qua thủ tục phá sản thì trong thời gian tới quản tài viên sẽ xác minh, thu thập tài liệu, lập bảng kê khai tài sản, danh sách chủ nợ, ngăn chặn tất cả việc bán, tẩu tán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán... Sau đó, hội nghị chủ nợ sẽ được tổ chức và đề xuất với thẩm phán về việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp để bán thanh lý xử lý nợ.

Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm của doanh nghiệp bán ra không đủ để thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

Trong trường hợp chủ đầu tư phá sản thì người chịu thiệt nặng nhất là khách hàng.Vì theo quy định của Luật Phá sản 2014, thứ tự phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động sẽ được ưu tiên. Tiếp theo là nghĩa vụ đối với Nhà nước (nếu có) và khoản nợ trả cho khách hàng... Các thành viên của doanh nghiệp, cổ đông của doanh nghiệp chỉ được hưởng sau khi đã thanh toán hết nợ mà tài sản của doanh nghiệp vẫn còn.

Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay quyền sở hữu căn hộ thuộc dự án PetroVietnam Landmark chưa chuyển giao cho người mua, do đó người mua căn hộ chưa phải là chủ sở hữu nên không thể yêu cầu giao tài sản là căn hộ. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định phá sản thì chủ đầu tư vẫn có thể thực hiện tiếp việc xây dựng để bàn giao nhà ở nhằm bù trừ thanh toán với người mua nhà. Phương án giải quyết cụ thể tùy thuộc vào tình trạng giá trị tài sản của PVCLand, tình hình nợ và giao dịch liên quan khác đến dự án như việc thế chấp ngân hàng để không mất quyền lợi của các chủ thể khác, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Luật sư Phượng cho rằng, hiện nay dự án đang sẵn sàng bàn giao, do vậy người mua nhà nên đề nghị chủ đầu tư thực hiện việc bàn giao căn hộ và bù trừ thanh toán theo Điều 63 Luật Phá sản, hoặc xây dựng phương án phục hồi kinh doanh để quyết định khi tổ chức hội nghị chủ nợ, các chủ nợ không bảo đảm là người có quyền biểu quyết việc thông qua phương án phục hồi kinh doanh để hoàn thiện và bàn giao cho người mua nhà.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, nếu sau khi kiểm kê tài sản của doanh nghiệp và đem chi trả theo thứ tự ưu tiên thì số tiền còn lại sẽ không đáng bao nhiêu. Thậm chí nếu số nợ lớn hơn tài sản hiện có của doanh nghiệp thì sẽ là mất mát rất lớn cho khách hàng.

“Đây là vụ rất phức tạp, phải theo luật pháp, phải coi chủ đầu tư có cái gì, nợ cái gì và ưu tiên trả nợ cho ai theo quy định của luật. Ví dụ, trước nhất số nợ đầu tiên phải trả nhà nước, sau đó tới ngân hàng, các đối tác và cuối cùng mới tới khách hàng thì số tiền còn không bao nhiêu”, ông Đực nói.

Ông Đực cho rằng, câu chuyện của PetroVietnam Landmark sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của người mua nhà và thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Theo ông Đực, thị trường bất động sản Việt Nam khác với thị trường bất động sản của thế giới. Ở nước ngoài ngân hàng tài trợ cho doanh nghiệp vay hết, sau khi làm xong sản phẩm mới bán ra thị trường. Còn Việt Nam chủ yếu bán nhà hình thành trong tương lai, vừa vay tiền của ngân hàng vừa huy động vốn từ người mua. Hình thức này có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có điều tiêu cực như chủ đầu tư huy động vốn quá mức quy định, sử dụng vốn huy động sai mục đích, hay đem căn hộ thế chấp ngân hàng… do đó những câu chuyện tương tự như PetroVietnam Landmark thường xuyên xảy ra suốt thời gian qua.

Dự án Petro Vietnam Landmark là tổ hợp khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM do Công ty cổ phần bất động sản và Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng với 4 block căn hộ cao từ 17 – 21 tầng cung ứng khoảng 418 căn hộ. Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng.

Tuy nhiên, khi dự án đã xây dựng được khoảng 80% thì bỗng dưng ngừng thi công và đắp chiếu liên tiếp trong nhiều năm qua.


Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.