20/07/2021 8:15 AM
CafeLand - Các nhà đầu tư Singapore là những nhà đầu tư tích cực nhất trong nửa đầu năm 2021, trong khi Úc là điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất.

Theo báo cáo mới nhất của CBRE, các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài đã tăng trưởng mạnh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC), chiếm 41% trong tổng số 15,6 tỷ USD trong các giao dịch bất động sản văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và khách sạn được hoàn tất trong nửa đầu năm 2021.

Con số này cao hơn so với 35% thị phần trong 6 tháng đầu năm 2020. Trong số đó, các nhà đầu tư đến từ Singapore là những người dẫn đầu khi sự quan tâm tới lĩnh vực công nghiệp và logistics tăng lên.

Thị trường Úc thống trị hoạt động giao dịch tại Thái Bình Dương, chiếm 14,6 tỷ USD trong tổng số 15,5 tỷ USD doanh thu nửa đầu năm 2021, theo ông Tom Broderick, tác giả báo cáo của CBRE. Con số này tăng đáng kể so với doanh thu 10,8 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ hoạt động của người mua ở nước ngoài thậm chí còn cao hơn tại Úc với 43%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 37%.

“Trước những tác động do đại dịch gây ra, nhiều nhà đầu tư đã thận trọng, dẫn đến khối lượng giao dịch trên hầu hết các lĩnh vực trong nửa đầu năm 2020 giảm. Năm 2021, doanh số bán hàng đã tăng gấp đôi, với những tín hiệu tích cực từ việc tiêm vắc xin khiến các nhà đầu tư tự tin quay trở lại thị trường", ông Tom Broderick cho biết.

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ rằng các nhà đầu tư Singapore dẫn đầu những khoản giao dịch vào Úc, chiếm 3,2 tỷ USD hoạt động giao dịch. Đứng ở vị trí tiếp theo là các nhà đầu tư đến từ Mỹ.

Công nghiệp và logistics

Báo cáo nhấn mạnh rằng bất động sản công nghiệp và logistitcs tiếp tục là lĩnh vực đầu tư được theo dõi nhiều nhất ở APAC. Những nhà đầu tư nước ngoài đã chi ra khoảng 4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, tổng giá trị cổ phiếu được bán ra trong lĩnh vực này cũng đạt 4,7 tỷ USD.

Với sự cạnh tranh từ các nhóm nhà đầu tư nước ngoài cho các danh mục đầu tư lớn, các nhà đầu tư trong khu vực đã tích cực hơn ở cấp độ tài sản cá nhân, thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến các cơ hội bán và cho thuê lại.

“Lĩnh vực công nghiệp và logistics đang trên đà tạo nên kỷ lục về khối lượng đầu tư trong năm 2021. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục định giá cao khi họ tìm cách mở rộng danh mục đầu tư. Những nhóm này xác định rằng khu vực APAC vẫn đi sau nhiều quốc gia phát triển khác từ góc độ thương mại điện tử, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng liên tục về nhu cầu đối với không gian công nghiệp và logistics”, ôngChris O'Brien, Trưởng bộ phận thị trường vốn công nghiệp của CBRE cho biết.

Văn phòng

Theo CBRE, khối lượng đầu tư vào lĩnh vực văn phòng đang tăng lên, với tổng tài sản 5,8 tỷ USD được giao dịch trên khắp APAC trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, cả năm 2020 cũng chỉ ghi nhận mức đầu tư 7,8 tỷ USD.

Nguồn vốn nước ngoài chiếm 36% tổng doanh số bán hàng tại APAC, so với 48% vào năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này là do đóng cửa biên giới quốc tế. Báo cáo của CBRE cũng lưu ý rằng cả những nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong khu vực đều đã tích cực hoạt động trở lại, qua đó dần khôi phục niềm tin với lĩnh vực văn phòng sau một năm khó khăn.

“Nguồn vốn nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến các tài sản văn phòng cốt lõi trên toàn khu vực APAC, đặc biệt là ở Sydney và Melbourne. Các nhà đầu tư quốc tế vẫn nhìn thấy giá trị tại những thành phố này so với các thị trường văn phòng phát triển khác trong khu vực APAC. Ngoài ra, chiến lược dành riêng cho lĩnh vực văn phòng tại Úc và New Zealand cũng được đánh giá cao hơn”, Flint Davidson, người đứng đầu thị trường vốn văn phòng tại khu vực Thái Bình Dương của CBRE cho biết.

Bán lẻ và khách sạn

Báo cáo của CBRE dự báo hoạt động đầu tư đối với lĩnh vực bán lẻ và khách sạn trong năm 2021 sẽ được cải thiện so với năm 2020.

Bán lẻ vẫn là một thị trường tiềm năng, nhưng đại dịch Covid-19 khiến lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt bằng thương mại bị bỏ trống và có nhiều chủ đầu tư đã chuyển đổi mục đích của các trung tâm thương mại. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã thoái vốn, việc này tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư trong khu vực có thể sở hữu tài sản bán lẻ.

Về phân khúc khách sạn, việc đóng cửa biên giới quốc tế và nội địa tiếp tục gây xáo trộn lĩnh vực này. Tuy nhiên, một khi việc triển khai tiêm vắc xin được diễn ra trên diện rộng và đem lại hiệu quả, lĩnh vực này sẽ có cơ hội để phục hồi.

Anh Nguyễn (World Property Journal)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.