Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.
Tăng trưởng FDI là động lực
Đánh giá chung về môi trường đầu tư trong quý của Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho biết kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2024, với lạm phát dự kiến đạt 4,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ bất động sản công nghiệp, trong khi du lịch quốc tế và lĩnh vực bán lẻ cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn.
Tăng trưởng FDI hàng năm ổn định là động lực chính thúc đẩy ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, cả nước cung cấp 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.
Đối với lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, mặc dù dự kiến chi tiêu trong nước sẽ chậm lại, thị trường bán lẻ vẫn ghi nhận tình hình hoạt động mạnh mẽ do mặt bằng bán lẻ hạn chế và tầng lớp khách hàng tiêu dùng trung lưu đang gia tăng.
Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ
Vừa qua AEON Mall đang tiếp tục kế hoạch mở rộng với sự kiện khai trương AEON Mall Huế (8,6 ha) vào tháng 9. Ông lớn bán lẻ đến từ Nhật Bản cũng đã mua lại một khu đất rộng 10,5 ha tại Thanh Hóa để làm trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung và được phê duyệt Quy hoạch tổng thể 1/500 cho dự án AEON Mall Biên Hòa (12 ha). Becamex IDC cũng đã khởi công một dự án thương mại phức hợp rộng 7 ha tại Thành phố mới Bình Dương.
Ở lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng, du khách quốc tế đang quay trở lại Việt Nam với hơn 11,4 triệu lượt khách trong tám tháng đầu năm 2024, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1% so với năm 2019. Đến năm 2028, 191 dự án khách sạn dự kiến sẽ mang đến khoảng 49.800 phòng; 75% nguồn cung mới này thuộc phân khúc trung cấp đến cao cấp, với 70% mang thương hiệu của các chuỗi khách sạn hạng sang quốc tế, định vị Việt Nam là thị trường trọng điểm trong khu vực.
Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8, thị trường nhà ở vẫn hoạt động khá trầm lắng trong quý 3/2024.
Nhu cầu của khối ngoại với dự án nhà ở vẫn rất lớn
Bà Trần Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills cho biết thị trường Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, nhờ đó nhu cầu đối với hầu hết các phân khúc bất động sản như nhà ở, công nghiệp, thương mại văn phòng. Điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Theo bà Linh, việc các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản đồng loạt có hiệu lực vào tháng 8 vừa rồi tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch giúp rút ngắn thời gian phê duyệt pháp lý, giúp nhà đầu tư xác định rõ ràng chi phí đầu tư ban đầu (chi phí sử dụng đất), từ đó giúp các dự án đầu tư bất động sản trở nên hấp dẫn hơn.
Nhu cầu của khối ngoại đối với dự án bất động sản nhà ở vẫn rất lớn
Hiện nay các nhà đầu tư có nhiều cơ hội M&A các dự án tiềm năng hoặc hợp tác với các đối tác địa phương để phát triển các dự án lớn. Nhu cầu thị trường đa dạng thu hút các khẩu vị đầu tư khác nhau.
“Nhu cầu của khối ngoại đối với dự án bất động sản nhà ở thực chất vẫn rất lớn, không kém nhu cầu đối với các dự án khu công nghiệp, văn phòng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ luôn yêu cầu các dự án bất động sản đều phải có hiện trạng pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để phát triển” bà Linh chia sẻ.
Cụ thể, hầu hết các nhà đầu tư đều yêu cầu dự án cần có quy hoạch chi tiết 1/500, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu dự án phải có thông báo đóng tiền sử dụng đất. Trong khi đó, thời gian gần đây việc phê duyệt pháp lý dự án đang chậm lại do trong thời kỳ thay đổi nhiều bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản.
“Do đó, gần đây nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở khá hạn chế. Khối ngoại vì vậy, chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng, vốn là những dự án đang vận hành, pháp lý rõ ràng và sẵn sàng hơn, dễ thực hiện M&A hơn”, bà Linh nói thêm.
-
“Đại bàng” nào dẫn đầu dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam?
Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn đầu tư, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2023.
-
Hải Phòng thu hút hơn 3,5 tỷ USD chỉ trong tháng đầu năm
TP. Hải Phòng mới đây đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án đầu tư trong nước (DDI) và 6 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 3,5 tỷ USD.
-
Doanh thu đạt hơn 11 tỷ USD, thị trường bất động sản TP.HCM đã vui trở lại?
Cục Thống kê TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh giảm giúp tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồ...
-
Hơn 6,3 tỷ USD vốn ngoại vào bất động sản
Trong năm 2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 18,8% so với năm 2023.