CafeLand - Bất chấp chi phí gia tăng, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và sự bùng nổ đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng linh hoạt của Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế và giúp nền kinh tế của nước này phát triển chuỗi giá trị. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một cường quốc về xuất khẩu, định hình lại bức tranh thương mại toàn cầu.

Sự trỗi dậy thần tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự thành công xuất sắc của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Dù trong những năm gần đây nền kinh tế Trung Quốc đã tái cân bằng với việc mở rộng xuất khẩu, không có gì làm giảm khả năng cạnh tranh thương mại của quốc gia này.

Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất của nhà sản xuất pin xe điện Octillion ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Trung Quốc đã giữ lại nhiều chuỗi cung ứng quan trọng, khiến nhiều đối tác cần phải hợp tác với họ.

Vị thế của Trung Quốc này là “công xưởng của thế giới” đã được củng cố bất chấp sự gia tăng cơ cấu trong chi phí sản xuất và các sự kiện gần đây như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, dù chúng đều có thể làm suy yếu vị thế của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các đợt tăng thuế liên tiếp của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc đã dẫn tới những hậu quả được dự đoán từ trước. Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 17% từ năm 2017 đến cuối năm 2019, dẫn đến thị phần của Trung Quốc trong thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này đã giảm mạnh.

Nhưng trên phạm vi toàn cầu, thị phần của Trung Quốc tăng khoảng 0,5%, hơn gấp đôi so với thị phần của quốc gia có mức tăng lớn nhất tiếp theo là Việt Nam, đạt khoảng 0,2% so với cùng kỳ, theo dữ liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD).

Cần cẩu chuyển container lên các tàu vận tải tại một cảng ở Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm nhưng thị phần trên toàn cầu lại tăng lên.

Điều này xảy ra vì hai lý do. Đầu tiên, bằng cách chuyển trọng tâm khỏi Hoa Kỳ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã có thể khám phá các thị trường mới trong khu vực ASEAN và các quốc gia dọc theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Thứ hai, sự chuyển hướng xuất khẩu đã mang lại nhiều lợi ích Trung Quốc. Bằng cách bán nguyên liệu đầu vào cho các nước thứ ba để lắp ráp trước khi sản phẩm cuối cùng được chuyển đến Mỹ, Trung Quốc có thể lách một số khoản thuế thương mại, trong khi vẫn thu về được giá trị trong sản phẩm hoàn thiện bán ra.

Việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào đầu năm 2020 đã giúp một số công ty thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do Covid-19 cùng các biện pháp nghiêm ngặt của Bắc Kinh để kiểm soát dịch bệnh, đã gần như làm tê liệt nền kinh tế.

Khi việc sản xuất bị đình trệ và xuất khẩu sụp đổ, nhiều người nghĩ rằng đại dịch có thể kích hoạt một đợt di chuyển hàng loạt chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, điều này sẽ đánh dấu thời kỳ thống trị của quốc gia này đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó không giống vậy.

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc ngăn chặn sự bùng phát Covid-19, mở đường cho việc phục hồi sản xuất và xuất khẩu một cách nhanh chóng. Mặt khác, sự lây lan nhanh chóng của vi-rút sang phần còn lại của thế giới đã tàn phá sản xuất toàn cầu, khiến hoạt động thương mại của các nước đều bị ảnh hưởng.

Các hành khách mặc đồ bảo hộ xếp hàng để lên chuyến bay tại sân bay Hong Kong vào ngày 9 tháng 7. Trung Quốc đã trở thành phương án cuối cùng cho nhiều hàng hóa liên quan đến đại dịch, bao gồm cả thiết bị bảo vệ cá nhân.

Do đó, Trung Quốc trở thành giải pháp cuối cùng cho nhiều mặt hàng liên quan đến đại dịch, bao gồm thiết bị bảo vệ cá nhân, máy y tế và thiết bị điện tử để làm việc từ xa. Do Trung Quốc đi ngược xu hướng với các quốc gia khác khi đã phần nào kiểm soát đại dịch, thị phần xuất khẩu của nước này tăng vọt vào năm 2020 và vốn đầu tư nước ngoài liên tục chảy vào nền kinh tế.

Việc chống chọi với cuộc chiến thương mại và Covid-19 phản ánh khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Theo nghiên cứu, khả năng phục hồi này không còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh về chi phí do nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển và chu kỳ nhân khẩu học có sự thay đổi. Thay vào đó, nó là kết quả của việc nâng cấp nhanh chóng hệ thống sản xuất nội địa, cho phép nền kinh tế của nước này phát triển chuỗi giá trị.

Ví dụ như việc Trung Quốc tham gia vào sản xuất iPhone. Từ việc chỉ quản lý một phần việc là lắp ráp hoàn thiện trong quá trình sản xuất iPhone 3G vào năm 2008, Trung Quốc đã đóng góp tới 11 linh kiện cho việc sản xuất iPhone X vào năm 2018. Tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng chi phí thanh toán và giá trị bán lẻ của iPhone cũng tăng từ bảy đến tám lần trong 10 năm.

Đồng thời, Apple đã tăng đáng kể khối lượng công việc sản xuất tại Trung Quốc trong những năm gần đây, trái ngược với các cuộc đàm phán thường xuyên về việc công ty này rời Trung Quốc để chuyển đến các địa điểm cạnh tranh hơn. Theo Reuters, vào năm 2019 khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Trung Quốc vẫn chiếm 52 trong tổng số 59 trung tâm sản xuất toàn cầu của Apple, tăng từ 30 trong năm 2015 và 32 vào năm 2017.

Sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc xuất khẩu cũng đã định hình lại bức tranh toàn cảnh về thương mại toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy các nền kinh tế phát triển - dẫn đầu là Nhật Bản và Mỹ - đã mất thị phần đáng kể vào tay Trung Quốc trong phân khúc xuất khẩu có tay nghề cao và trung bình.

Mặt khác, Trung Quốc đã mất thị phần trong một số lĩnh vực có kỹ năng thấp và thâm dụng lao động (sử dụng lượng lớn lao động trong công việc) trong những năm gần đây - do chi phí lương tăng - vào các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã giữ lại nhiều chuỗi cung ứng quan trọng, khiến các đối tác khác cần hợp tác với họ. Từ đó, cho phép Trung Quốc mở rộng mạng lưới sản xuất ra ngoài biên giới thay vì chịu thiệt hại từ xu hướng di dời từ Trung Quốc sang các nước khác của các doanh nghiệp. Chiến lược này đã giúp Trung Quốc thiết lập một hệ sinh thái sản xuất toàn diện và lâu dài, tiếp tục giữ ngôi vị “công xưởng của thế giới” trong tương lai.

Lam Vy (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.