Nguồn tin của Reuteurs cho biết, các nhà quản lý Trung Quốc muốn các công ty phát triển bất động sản trong nước cung cấp thông tin chi tiết về việc phát hành thương phiếu trong báo cáo hàng tháng.
Các nhà phát triển bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là những nhà phát hành thương phiếu lớn. Năm 2020, các công ty này đã vay nợ 556 tỷ USD dưới dạng thương phiếu, tăng 20% so với năm 2019.
Thương phiếu, không được tính là nợ chịu lãi, thường được sử dụng trong lĩnh vực bất động sản như một khoản phải trả cho các chủ nợ hoặc các nhà cung cấp xây dựng vào một ngày cố định trong tương lai, thường là trong vòng một năm, mặc dù đôi khi các nhà cung cấp này bán thương phiếu trước hạn với mức giá thấp hơn ra các thị trường thứ cấp.
Nhưng các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều thương phiếu để huy động vốn.
Động thái tăng cường giám sát của các cơ quan quản lý Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các tập đoàn bất động sản như China Evergrande Group - nhà phát triển Trung Quốc đang mắc nợ nhiều nhất với khoản vay 88 tỷ USD, China Fortune Land và Sichuan Languang Development đang quá hạn trả nợ thương phiếu ngày càng nhiều.
Việc giám sát cũng nằm trong chiến lược của Bắc Kinh để tìm cách giải quyết tình trạng vay nợ vô tội vạ của các nhà phát triển bên ngoài các kênh tài chính thông thường như vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, đồng thời hạn chế các rủi ro tài chính.
Các nhà quản lý muốn minh bạch hơn việc báo cáo của các nhà phát triển để biết rõ về số tiền họ đang nắm giữ cũng như các khoản nợ đang có, theo nguồn tin từ một nhà phát triển giấu tên. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bình luận gì về thông tin này.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau cú sốc do COVID-19, làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài chính và tình trạng phát triển nóng. Cuối năm ngoái, các nhà chức trách đã bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế đối với lĩnh vực này, bao gồm cả việc hạn chế các khoản nợ.
Mười hai nhà phát triển lớn của Trung Quốc, bao gồm Evergrande, phải báo cáo về tình trạng nợ của họ từ các kênh bao gồm ngân hàng, thị trường nợ và các khoản mục ngoài bảng cân đối trong một kế hoạch thí điểm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan quản lý nhà ở triển khai từ cuối năm ngoái. Tuy vậy, chương trình này chưa yêu cầu cung cấp thông tin về nợ thương phiếu.
Lỗ hổng pháp lý
Các nhà môi giới cho biết, một số nhà phát triển phát hành thương phiếu cho các công ty liên kết và thậm chí là các công ty vỏ bọc, hoặc cấp nhiều thương phiếu cho một nhà cung cấp với cùng một hóa đơn. Các bên nhận thương phiếu sẽ bán chúng trực tiếp trên thị trường thứ cấp và giao lại tiền mặt cho công ty phát hành.
Theo các nhà quản lý, nhiều tổ chức tài chính tại Trung Quốc cũng là chủ sở hữu của các thương phiếu này. Một số trong đó biến thương phiếu thành một sản phẩm quản lý tài sản và ủy thác để bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Xinpeng Zhu, một luật sư tại công ty Luật Rongying Thượng Hải, người đại diện cho các chủ sở hữu thương phiếu bao gồm các công ty quản lý quỹ và tài sản, ngân hàng, công ty môi giới và nhà đầu tư bán lẻ cho biết: “Đó là một lỗ hổng pháp lý”.
Evergrande là công ty phát hành thương phiếu lớn nhất trong số các doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc. Evergrande Real Estate Group đã phát hành thương phiếu với tổng trị giá 32 tỷ USD vào cuối năm 2020, cao hơn 24% so với năm 2019 và 390% so với năm 2015.
Các nhà phân tích cho biết, con số thực tế về số thương phiếu chưa thanh toán của công ty mẹ niêm yết tại Hồng Kông có thể cao hơn nhiều, vì không phải tất cả các công cụ vay nợ đều được hợp nhất vào tài chính của công ty mẹ và các công ty con và liên kết khác của Evergrande cũng phát hành thương phiếu.
Evergrande cho biết họ chỉ có một lượng thương phiếu “cực kỳ nhỏ” không được hoàn trả đúng hạn. Họ không phát hành bất kỳ thương phiếu nào cho các công ty liên kết vì mục đích tài chính, và họ không biết về việc các thương phiếu của họ được đóng gói thành các sản phẩm quản lý tài sản.
Bất chấp việc Evergrande tuyên bố vào tháng trước rằng họ đang thu xếp các khoản thanh toán cho một số thương phiếu quá hạn, tập đoàn này đã chứng kiến một đợt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu lớn. Trái phiếu trong nước và ngoài nước của Evergrande đáo hạn trong hai năm tới được giao dịch với lợi suất lần lượt là 35% và 23%.
Theo nền tảng giao dịch thương phiếu Weipiaobao, thương phiếu của Evergrande Yuanlin, một đơn vị thiết kế và xây dựng khu vườn cho các dự án của công ty mẹ Evergrande, đã được bán vào thứ Ba với giá thấp hơn 36% so với giá trị phát hành. Các tài liệu thương mại cho các nhà phát triển khác được bán với giá thấp hơn trung bình 20% so với giá trị phát hành.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.