28/03/2021 7:30 PM
Giãn dân phố cổ, di dời trường học, trụ sở các bộ ngành, bệnh viện, cải tạo chung cư… là những giải pháp Hà Nội đang thực hiện di dân ra ngoài khu vực nội đô

Về tổng thể, quy hoạch gồm 6 đồ án phân khu đô thị nội đô lịch sử H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỷ lệ 1/2000 tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; quy mô nghiên cứu trên 2.700ha, hướng đến việc kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 dự kiến còn 672.000 dân; Quy hoạch hướng tới việc phát triển hệ thống đường giao thông, đường sắt đô thị đồng bộ, đầy đủ; phát triển đường sắt đô thị, xung quanh có hệ thống bãi đỗ xe.

Một khu dân cư đông đúc, khu vực Nguyễn Khoái-Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo đó, dân số dự kiến phải di dời ra khu vực nội đô khoảng 215.000 người đòi hỏi một nguồn lực lớn và việc cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và đồng bộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm số dân khỏi nội đô là khả thi.

Trên thực tế từ nhiều năm nay, Hà Nội đang thực hiện một loạt các giải pháp phục vụ cho mục tiêu di dời dân ra ngoài khu vực nội đô lịch sử như: di dời trụ sở các bộ ngành, trường học, bệnh viện, di dân phố cổ, cải tạo chung cư cũ…

Đối với việc di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176 ha; giảm khoảng 120.000 người. Trong đó, giải phóng mở đường 213ha, giải phóng dân cư các khu lấn chiếm, các khu di tích lịch sử, các khu lấn chiếm đất công… Đồng thời, khoảng 100.000 dân còn lại sẽ giảm cơ học tự nhiên do việc di dời theo các bộ, ngành.

Trên thực tế, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Đến nay đã có một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… nhưng tiếp sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác (chỉ Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ).

Đối với việc di dời các trường Đại học, Cao đẳng, các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa vẫn đang tập trung nhiều trường ĐH lớn như: Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Thủy lợi… mỗi trường trung bình 10.000 sinh viên là áp lực lớn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Năm 2011, Thủ trướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dụng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh việc sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ khu vực nội đô khống chế số lượng khoảng 30.000 sinh viên, trong đó chủ trương xây mới các khu, cụm đại học học ở các huyện ngoại thành Thạch Thất, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên với diện tích từ 3.500 đến 4.500 ha, quy mô khoảng 50.000 sinh viên.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng thực hiện di dời. Một số trường triển khai ì ạch như Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp 1.000 ha ở Hòa Lạc đến nay vẫn chưa đưa vào dạy học được.

Một cụ bà sinh hoạt trong khu bếp ăn chung tại số nhà 34 Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (ảnh: Nguyễn Hà).

Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, Quy hoạch nội đô lịch sử vừa được phê duyệt cũng gắn với đề án giãn dân tại quận đã triển khai trong nhiều năm qua.

Mục tiêu đến năm 2020, Đề án giãn dân phố cổ di dời khoảng 30.000 dân ra khỏi khu vực. Khu phố cổ Hà Nội hiện có diện tích khoảng hơn 82ha với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dân số hiện có hơn 66.000 người, mật độ 823 người/ha, rất cao so với yêu cầu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô về mật độ dân khống chế cho khu phố cổ đến năm 2020 là 500 người/ha.

Vào giữa năm 2019, Đề án giãn dân phố cổ được tái khởi động sau 20 năm “nằm im”.

Theo đề án này, có 2 đối tượng thuộc diện di dời, thứ nhất đối tượng bắt buộc là cư dân sống ở đình, đền, di tích, trường học, hoặc đất công sản…; thứ hai là cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp cần phải di dời.

Tuy nhiên đến nay, cả 2 đối tượng trên đều có những khó khăn trong rà soát. Đối với diện bắt buộc, việc xác định ranh giới chung riêng giữa di tích, quản lý công sản với của người dân rất khó. Bởi qua nhiều năm diện tích lấn chiếm, cơi nới, sử dụng rất nhiều. Có những di tích có tên trong danh mục quản lý nhưng khi kiểm tra thực tế lại không còn, giải quyết thế nào vẫn chưa có phương án.

Đối với diện tự nguyện, các phường cơ bản đã có thống kê. Tuy nhiên, người dân chưa đồng thuận. Thứ nhất là chính sách tái định cư, trước đây thành phố áp dụng chính sách như nhà ở xã hội nhưng gần đây lại là nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Do đó, không khuyến khích được người dân tham gia.

Ngoài ra, trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ ở khu vực nội đô, tỷ lệ được cải tạo 1% do vướng mắc với nhiều nguyên nhân. Để giải quyết vấn đề này, tới đây, Hà Nội sẽ xây dựng đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ để có cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô.

Những vướng mắc khó khăn trong di dân phố cổ, trường học, bệnh viện, bộ ngành, cải tạo chung cư cũ,… đang rất cần TP Hà Nội sớm có giải pháp khả thi để thực hiện hóa các đồ án quy hoạch phân khu đô thị vừa được Hà Nội công bố./.

H.La (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.