17/10/2024 6:02 PM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 1128/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045. Đây là quy hoạch quan trọng, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum trong thời gian tới.

Phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành khu du lịch quốc gia

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch bao gồm diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 05 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông.

Phạm vi lập quy hoạch có quy mô diện tích là 90.153 ha.

Khu du lịch Măng Đen là khu du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quốc gia với trọng tâm là các hoạt động kinh tế du lịch khai thác các lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch khác có liên quan.

Xây dựng và phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành một trong những trọng điểm về phát triển du lịch cả nước với các sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao gắn liền đặc trưng về khí hậu trong lành mát mẻ, cảnh quan sinh thái và văn hóa truyền thống.

Phấn đấu đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen trở thành khu du lịch quốc gia có thương hiệu, hạ tầng du lịch đồng bộ với hệ thống đô thị, nông thôn, hạ tầng xã hội, kỹ thuật và kết nối thuận lợi với hạ tầng giao thông vận tải quốc gia;…

Theo quy hoạch, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 80.300 người; đến năm 2035 khoảng 102.700 người; đến năm 2045 khoảng 181.500 người.

Dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2030 đạt khoảng 2 triệu lượt khách (không kể khách du lịch trong thời gian ngắn); đến năm 2035 đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách; đến năm 2045 đạt khoảng 5 triệu lượt khách.

Về cơ sở lưu trú, đến năm 2030 khoảng 6.000 – 8.000 phòng; đến năm 2035, khoảng 8.000 – 10.000 phòng; đến năm 2045, khoảng 16.000 – 20.000 phòng.

Đến năm 2030, nhu cầu sử dụng đất xây dựng các chức năng khoảng 6.263 ha, trong đó đất phát triển dịch vụ du lịch khoảng 909 ha; đến năm 2035, nhu cầu sử dụng đất xây dựng các chức năng khoảng 8.200 ha, trong đó đất phát triển dịch vụ du lịch khoảng 1.363 ha; đến năm 2045, nhu cầu sử dụng đất xây dựng các chức năng khoảng 10.668 ha, trong đó đất phát triển dịch vụ du lịch khoảng 2.295 ha.

Khu du lịch Măng Đen phát triển theo mô hình phân tán, đa trung tâm gắn kết với hệ sinh thái rừng tự nhiên: 02 hành lang phát triển (dọc tuyến Quốc lộ 24 và dọc tuyến Tỉnh lộ 676); 03 trung tâm du lịch (gồm trung tâm du lịch chính tại thị trấn Măng Đen và đô thị Măng Cành; trung tâm du lịch vệ tinh, tương hỗ phía Bắc tại đô thị Măng Bút và xã Đăk Tăng; trung tâm du lịch vệ tinh, tương hỗ phía Đông tại đô thị Hiếu và xã Pờ Ê); 04 đô thị (thị trấn Măng Đen và các đô thị Măng Cành, Măng Bút, Hiếu).

Về định hướng đô thị, thị trấn Măng Đen là đô thị trung tâm huyện lỵ, có vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - văn hóa, thương mại dịch vụ của huyện Kon Plông. Đến năm 2030, đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại IV; năm 2045 đạt tiêu chuẩn của đô thị loại III.

Đô thị Măng Cành, đô thị Măng Bút và đô thị Hiếu là các trung tâm kinh tế - văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch, có chức năng hỗ trợ phát triển cho thị trấn Măng Đen; đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trong giai đoạn 2031-2050.

Định hướng phát triển không gian

Quy hoạch vừa được phê duyệt cũng cho biết những nội dung định hướng phát triển không gian, cụ thể như sau:

Phân khu 1: Khu trung tâm dịch vụ du lịch tổng hợp chất lượng cao tại thị trấn Măng Đen, diện tích 14.807 ha; dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 112.200 người; dự báo khách du lịch đến năm 2045 khoảng 5 triệu khách.

Định hướng phát triển thành không gian du lịch tổng hợp chất lượng cao, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và dịch vụ.

Sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, thể dục thể thao, sân gôn, cáp treo; du lịch khám phá nông, lâm nghiệp gắn liền với các khu nông nghiệp trồng rau hoa xứ lạnh,…

Phân khu 2: Khu trung tâm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao tại xã Măng Cành, diện tích 13.201 ha; dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 15.900 người; dự báo khách du lịch đến năm 2045 khoảng 800.000 khách.

Định hướng phát triển trở thành một không gian du lịch hỗ trợ.

Sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, thể dục thể thao, sân gôn; du lịch khám phá sinh thái rừng gắn liền với khu bảo tồn loài và sinh cảnh Kon Plông.

Phân khu 3: Khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe tại xã Măng Bút, diện tích 18.835 ha; dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 21.500 người; dự báo khách du lịch đến năm 2045 khoảng 1,5 triệu khách.

Định hướng phát triển: Hình thành các khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, các khu thể dục thể thao, sân gôn; phát triển các điểm du lịch tham quan, khám phá vùng trồng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác dưới tán rừng; phát triển các điểm du lịch tại các khu vực có cảnh quan đẹp dọc sông Đăk S'Nghé và các hồ thủy lợi; phát triển các làng du lịch cộng đồng tại các thôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số.

Phân khu 4: Khu trung tâm du lịch văn hóa tại xã Đăk Tăng, diện tích 11.684 ha; dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 7.900 người; dự báo khách du lịch đến năm 2045 khoảng 150.000 khách.

Định hướng phát triển: Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng các khu dân cư, thôn bản hiện hữu, phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan và hỗ trợ phát triển du lịch; phát triển các điểm du lịch trải nghiệm, các hoạt động thể thao dưới nước tại khu vực các khu đảo, khu vực xung quanh lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum.

Phân khu 5: Khu trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái gắn với vùng trồng cây công nghiệp xứ lạnh tại xã Hiếu, diện tích 20.493 ha; dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 15.000 người; dự báo khách du lịch đến năm 2045 khoảng 115.000 khách.

Về định hướng phát triển, tại phân khu này có các làng du lịch cộng đồng tại các thôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số; các khu thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái gắn liền cảnh quan rừng tự nhiên, đồi núi tại khu vực giao lộ quốc lộ 24 – đường Đông Trường Sơn;…

Phân khu 6: Khu trung tâm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại xã Pờ Ê, diện tích 11.133 ha; dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 9.000 người; dự báo khách du lịch đến năm 2045 khoảng 250.000 khách.

Về định hướng phát triển, tại phân khu này sẽ hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, thể dục thể thao, sân gôn; khu thương mại dịch vụ; phát triển các làng du lịch cộng đồng tại thôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số.

Hình thành các điểm du lịch gắn liền lòng hồ thủy điện và các khu vực có cảnh quan đẹp giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Phát triển các khu sản xuất nông nghiệp trồng cây công nghiệp xứ lạnh: Chè, cà phê gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Lê Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.