21/01/2019 1:19 PM
CafeLand - Các chuyên gia tài chính nhận định Chính phủ có thể kiểm soát tốt lạm phát, dưới 4% trong năm 2019,. Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, lại đề xuất không nên giữ mức lạm phát thấp, mà chủ động đẩy nó lên 5-6% để tạo dư địa cho tăng trưởng kinh tế.

CafeLand: Năm 2019, lạm phát tiếp tục được Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Đa số các ý kiến chuyên gia đều nhận định rằng Chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát với mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại về kịch bản giá xăng dầu thế giới, cũng như lộ trình tăng giá điện. Xin ông cho biết nhận định của mình về con số lạm phát năm 2019?

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia Kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh: Thực tế cho thấy, trong mấy năm gần đây việc kiềm chế lạm phát đều đạt được mục tiêu đề ra. Nếu vẫn duy trì quan điểm chính sách như gần đây thì có thể nói con số lạm phát dưới 4% là hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, theo tôi trong năm 2019, với lạm phát không phải là kiềm chế mà là làm sao kiểm soát nó một cách chủ động. Hay nói rõ hơn là năm 2019 nên yêu cầu chủ động đẩy lạm phát lên 5-6% để thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2019 mục tiêu tăng trưởng là 6,8%, nhưng tăng trưởng 2018 rất cao ở mức 7,08%. Vì vậy năm 2019 có cơ hội tăng trưởng cao hơn năm 2018 và tốt nhất là ở mức khoảng 7,5%.

Theo đó, để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, nên nới rộng lạm phát lên 5-6% để có dư địa thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì năm 2018 chúng ta cố giữ mục tiêu lạm phát chỉ 4% nên chúng ta không có dư địa để điều chỉnh giá điện. Việc này sẽ liên quan đến vấn đề năng lượng của các năm tiếp theo, đồng thời liên quan đến vấn đề tăng trưởng trong dài hạn.Vì để có tăng trưởng cao lên cần phải sử dụng điện nhiều hơn.

Cũng như vậy, vì cố giữ mục tiêu lạm phát dưới 4% nên năm 2018 cố giữ tăng trưởng tín dụng không quá cao, khoảng 14%, mức này có thể coi là ổn trong năm 2018. Nhưng nếu áp dụng mức này cho năm 2019 thì quá thấp, và phải nới tín dụng lên chứ không nên để ở mức 14-15%.

Cụ thể hơn, với tốc độ tăng trưởng của năm 2018 thì mức tăng trưởng tín dụng như vậy là ổn vì đang có sự điều chỉnh tăng chất lượng tín dụng. Nhưng 2019 nếu muốn tăng trưởng cao hơn thì phải nới tín dụng lên, do nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào tín dụng. Bên cạnh đó, việc này cũng tạo dư địa cho điều chỉnh lãi suất.

Như vậy, theo ông cần đẩy lạm phát cao hơn để có dư địa giảm lãi suất?

Đúng là ý đó. Năm 2018, tại sao chúng ta không giảm được lãi suất? Nền kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc vào tín dụng. Vì thế tín dụng ảnh hưởng trực tiếp tới lạm phát, nếu kéo giảm lãi suất sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát do tăng tín dụng cho nền kinh tế lên.

Tuy nhiên bài toán năm 2019 là làm sao giảm lãi suất cho vay theo yêu cầu của Chính phủ. Nếu nới dư địa lạm phát lên mức 5-6% sẽ tạo điều kiện để nới tín dụng lên trong bối cảnh vẫn xử lý nợ xấu để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.

Giảm lãi suất cho vay, với lạm phát 5-6% vẫn sẽ đảm bảo lãi suất thực dương. Các ngân hàng đã tuân thủ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, vì vậy muốn tăng tín dụng các ngân hàng sẽ huy động thêm vốn trung dài hạn. Việc đẩy lạm phát lên sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước mạnh dạn hơn trong tăng trưởng tín dụng, tăng hạn múc cho ngân hàng thương mại, như vậy cũng có nghĩa là tăng lãi suất huy động lên, giảm lãi suất cho vay xuống mới đẩy được tín dụng ra nền kinh tế.

Nếu chúng ta không nới được lạm phát thì không tăng được tín dụng. Và việc nới tín dụng cũng có mặt lợi là lãi suất giảm, doanh nghiệp vay với chi phí vốn thấp hơn, từ đó giá thành sản phẩm hạ. Điều này cũng tác động tích cực để giảm lạm phát. Năm 2019 là cơ hội để chính sách tiền tệ kéo giảm lãi suất cho vay xuống.

Liên quan chính sách tài khoá, năm 2019 để thúc đẩy tăng trưởng thì phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công lên chứ không thể để giải ngân đì đẹt như 2018 được. Nói gì thì nói vẫn phải trông vào đầu tư của Nhà nước, vì vậy phải nâng cao hiệu quả. Nhưng nếu không đẩy giải ngân lên chắc chắn sẽ gây ra áp lực lạm phát. Nếu cố giữ lạm phát 4% thì sẽ rụt rè trong giải ngân vốn đầu tư. Lạm phát quá thấp sẽ làm cho nền kinh tế lạnh.

Còn lo lắng về những tác động từ bên ngoài tới kinh tế Việt Nan thì sao thưa ông? Những yếu tố này có đáng lo ngại sẽ tác động lên lạm phát?

Tác động bên ngoài nhìn vào thực tế thì là có lợi hơn là có hại cho kinh tế Việt Nam. Năm 2018 xuất khẩu của chúng ta tốt, nhập khẩu tốt, thặng dư xuất khẩu.

Càng có những biến động lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và bất ổn của nhiều nước, dòng vốn đầu tư không cần kêu gọi cũng tự động về Việt Nam. Trong khi thế giới căng thẳng thì Việt Nam lại được lựa chọn là điểm đến.

Con số đăng ký vốn FDI năm 2018 giảm, nhưng con số giải ngân thực lại tăng. Điều này cho thấy FDI đã đổ tiền tươi thóc thật vào Việt Nam. Vì thế có thể thấy, kinh tế thế giới không những không ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tích cực. Vấn đề là chúng ta có tận dụng được cơ hội này để tăng trưởng hay không thôi.

Xin cảm ơn ông!

  • Công ty Tài chính Prudential Việt Nam về tay Shinhan

    Công ty Tài chính Prudential Việt Nam về tay Shinhan

    CafeLand - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Quyết định số 90 về việc chấp thuận việc mua bán, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Prudential Holborn Life Limited tại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam cho Công ty Shinhan Card Co., Ltd.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.