Mới đây, tại TP. Cần Thơ xảy ra một trường hợp hy hữu. Một người dân bị xử phạt 90 triệu đồng khi ra một cửa hàng vàng đổi 100 USD được người thân tặng để lấy 2.260.000 đồng. Số tiền bị phạt gấp khoảng 40 lần số tiền quy đổi.
Công an TP. Cần Thơ cho biết, đã dựa theo điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ) để ra quyết định xử phạt.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Để đưa ra một góc nhìn rõ ràng hơn liên quan tới quy định về mua bán, trao đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (cơ quan được Chính phủ giao trực tiếp quản lý ngoại hối, tiền tệ), CafeLand đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng.
CafeLand: Xin ông cho biết ý kiến của mình về trường hợp hy hữu xảy ra mới đây tại TP. Cần Thơ, khi một người dân đi đổi ngoại tệ bị phạt số tiền lên tới 90 triệu đồng?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đầu tiên, tôi cho rằng việc sử phạt 90 triệu đồng với hành vi mua bán, trao đổi ngoại tệ trái phép tại Cần thơ là đã làm đúng luật, áp dụng quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nghị định của Chính phủ. Tuy đúng luật nhưng có phù hợp với thực tế không thì chúng ta lại cần xem xét thêm.
Trên thực tế, quy định về quản lý ngoại hối và kinh doanh ngoại hối đã có từ lâu, nhưng để thấy một vụ phạt vạ như vừa qua thì bản thân tôi chưa thấy. Một vài tiệm vàng, cửa hàng kinh doanh có thể từng bị xử phạt về mua bán, trao đổi ngoại tệ trái phép, còn việc một người dân bị phạt vì đổi ngoại tệ tại tiệm vàng thì cũng là việc xưa nay hiếm và chính nó đã tạo một cú sốc (shock) trong người dân và dư luận.
Như vậy chẳng lẽ việc đổi ngoại tệ trái phép vẫn âm thầm diễn ra và âm thầm được cho qua?
Bước vài bước lên phố Hà Trung ngay giữa lòng thủ đô là chúng ta có thể trao đổi ngoại tệ ở hàng chục tiệm vàng và có thể ở đó cũng chẳng có cửa hàng nào là được cấp phép mua bán, trao đổi ngoại tệ cả. Nói thế để thấy, ở nước ta lâu nay có 2 thị trường song song tồn tại, một là thị trường chính thức và 2 là thị trường chợ đen hay người ta gọi bằng cái tên mỹ miều hơn là thị trường tự do. Và người dân là một trong những thành phần tạo ra, tham gia thị trường đó.
Lâu nay chúng ta ta “nhắm mắt” làm ngơ để cho thị trường phi chính thức tồn tại ngay giữa thủ đô thì tại sao lại có chuyện ở một nơi như Cần Thơ đùng một cái lôi người đổi USD tự do ra xử phạt?
Nói vậy để thấy, có hiện tượng bất nhất trong hành pháp và nếu cứ bất nhất như vậy thì pháp luật sẽ không bao giờ được thượng tôn.
Vậy có phải đó là do người dân cố tình không chấp hành luật pháp không, thưa ông?
Nói về luật pháp liên quan tới ngoại tệ thực tế còn rất nhiều việc phải bàn.
Thứ nhất, trên thực tế luật pháp Việt Nam vẫn cho phép người dân cầm giữ USD như một tài sản. Ví dụ như, người thân bên Mỹ của tôi gửi cho tôi tiền bằng USD thì tôi có quyền gửi ở ngân hàng hoặc có thể mang về. Điều đó là hợp pháp. Tuy nhiên, nếu tôi cần sử dụng số tiền đó cho nhu cầu cá nhân, mà đổi ra tiền đồng thì lại là bất hợp pháp.
Theo tôi điều này rất mâu thuẫn, bởi chúng ta đang thực hiện chống đô la hoá trong nền kinh tế. Vậy thì việc để người dân tự do đổi tiền USD sang tiền đồng sẽ nhằm giảm thiểu đô la hoá trong nền kinh tế, sao chúng ta phải cấm?
Vì vậy mà chính trong việc không cho phép lưu hành, thanh toán đô la nhưng lại cho phép cầm giữ đô la đã có sự mâu thuẫn và bất hợp lý. Thiết nghĩ cần xem lại toàn bộ quy định về vấn đề này.
Vậy theo ông, chúng ta nên “mở” quy định theo hướng nào để tránh sự bất nhất trong luật pháp và phù hợp với thực tiễn nước ta?
Theo tôi, nếu đã cấm thì cần cấm hết. Có Nghĩa là cấm cả tiệm vàng, cấm cả ngân hàng, cả người dân cầm giữ, lưu hành USD, chỉ cho một đồng nội tệ được lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy mới có thể tạo sự nhất quán trong luật.
Còn nếu chúng ta vẫn cho người dân nhận USD từ người thân, cầm giữ USD thì cũng cần cho người ta đổi USD khi cần thiết, không nên đưa ra các quy định ngặt nghèo gây khó khăn trong việc quy đổi ngoại tệ. Chỉ cấm với những trường hợp đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời. Còn việc người dân đổi USD ra tiền đồng để sử dụng là một việc tốt cho quá trình chống đô la hoá trong nền kinh tế nên khuyến khích thay vì cấm đoán.
NHNN cũng nên lên tiếng, đưa ra một quan điểm rõ ràng trong câu chuyện này, để xem trường hợp đổi 100 USD bị phạt 90 triệu hay việc phạt người đi đổi USD như hiện nay là có hợp lý?
-
Ngân hàng Nhà nước coi P2P là “tín dụng đen”?
CafeLand - Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, khi được hỏi về hình thức cho vay online nở rộ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gián tiếp khẳng định, đây là hình thức tín dụng đen và không nằm trong phạm vi quản lý của NHNN.