CafeLand - Mặc dù đã có quy định về hành nghề môi giới bất động sản, nhưng việc quản lý vẫn nhiều còn bất cập. Thị trường vẫn bị nhầm lẫn giữa những môi giới chân chính và “cò đất”, mà nguyên nhân bởi cách thức quản lý chưa đến nơi đến chốn. CafeLand đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch Công ty Maxland, về thực trang nghề môi giới hiện nay.

Ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch HĐQT MaxLand.

CafeLand - Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản liên tục xảy ra những cơn sốt đất. Có ý kiến cho rằng, thực trạng này có sự tham gia của một đội ngũ môi giới đẩy giá đất, gây nhiễu thị trường. Theo ông, nên kiểm soát tình trạng này như thế nào?

Ông Trần Đức Diễn: Tôi nghĩ, sẽ không chính xác nếu chúng ta coi tất cả nhừng người tham gia vào nghề môi giới là môi giới, cũng không nên đánh đồng tất cả các môi giới với hình ảnh của “cò đất”.

Hiện nay, chúng ta đã có quy định về hành nghề môi giới, đã có tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, đã có chứng chỉ hành nghề, đã có quy chuẩn cho việc môi giới và thanh toán phí môi giới. Vấn đề đặt ra là tại sao lại lại không quản lý được? Vì chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn mà thôi.

Nếu các bạn môi giới có chứng chỉ hành nghề có mã số, có hồ sơ lý lịch trên hệ thống của cơ quan quản lý (Sở Xây dựng) hoặc Hội Môi giới bằng cách nhập mã số hoặc quét QR Code, khách hàng có thể biết được nhân viên môi giới có được phép hành nghề hay không, lịch sử giao dịch thế nào, thuộc đơn vị nào quản lý, có bị khiếu nại hay thành tích gì trong quá khứ không…

Như vậy, bước đầu sẽ tạo ra được sự phân biệt giữa các bạn hành nghề môi giới hợp pháp và bất hợp pháp, phối hợp với dữ liệu đó để xác định trách nhiệm quản lý của các đơn vị phân phối, thậm chí cả chủ nhà, chủ đầu tư khi thanh toán phí môi giới (hoa hồng) cho các bạn môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề.

Từ đó việc áp dụng chế tài và minh bạch thuế sẽ làm giảm dần số lượng môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, kết hợp với giáo dục và tuyên truyền, chúng ta sẽ nâng cao được chất lượng đội ngũ hành nghề môi giới và cũng từng bước tiến tới quản lý được. Và như vậy, nghề môi giới mới thực sự trở thành một nghề cần có chuyên môn và chuyên nghiệp, như đáng lẽ ra cần phải có.

Theo ông, các hội, sàn giao dịch nên phát huy vai trò như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ môi giới chất lượng, chuyên nghiệp, gây dựng niềm tin với khách hàng và lành mạnh hoá thị trường?

Sàn giao dịch bất động sản cũng như các sàn giao dịch hàng hóa khác, cũng là một thành tố của thị trường. Một mình sàn giao dịch không thể xây dựng nên được đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, góp phần minh bạch thị trường được.

Với sự biến động nhân sự trong ngành như hiện nay, khó có sàn giao dịch nào có thể áp dụng một cơ chế thực sự khắt khe để tuyển chọn, đào tạo và quản lý đội ngũ nhân viên đúng chuẩn.

Việc này phải có trách nhiệm chung của cả cơ quan quản lý về việc tạo lập hành lang pháp lý và giám sát, kiểm soát việc thực hiện nghiêm túc. Các chủ đầu tư hoặc người bán có ý thức yêu cầu đơn vị tham gia môi giới có đủ tiêu chuẩn. Các sàn giao dịch hoặc công ty môi giới có trách nhiệm hoạt động theo đúng các quy định về việc môi giới.

Người mua cũng cần có ý thức về việc nhận cung cấp dịch vụ từ những đơn vị, cá nhân được phép hoạt động môi giới. Bản thân nhân viên môi giới cũng phải xác định được tính chất nghề nghiệp để có sự gắn bó lâu dài, tuân thủ pháp luật và có ý thức học hỏi trau dồi đạo đức, kỹ năng cũng như nâng cao sự tự hào nghề nghiệp.

Có nhiều doanh nghiệp, sàn tổ chức sát hạch để chọn lọc nhân sự chất lượng. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này? Liệu với một nghề biến động nhân sự liên tục như nghề môi giới, giải pháp này áp dụng có khả thi? Các doanh nghiệp có nên tăng chế độ cho môi giới để họ yên tâm làm việc?

Về nguyên lý của nghề môi giới, thu nhập phải được dựa trên các giao dịch thành công. Người môi giới thực thụ hiểu điều đó.

Không có doanh nghiệp nào, tổ chức nào có thể trả lương cho những người không tạo ra hiệu quả một cách dài hạn được. Tôi nghĩ vì tính xô bồ hiện nay của thị trường lao động trong lĩnh vực môi giới, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh nên những người môi giới đôi khi phải rất nỗ lực mới sống được với nghề và gắn bó được với nghề một cách chân chính.

Tuy nhiên, nếu bạn là môi giới có kỹ năng, có kiến thức, năng động và mong muốn có thu nhập cao, thì môi giới bất động sản không phải là một lựa chọn tồi. Với mục tiêu của bạn, việc tăng thêm chế độ cơ bản không phải là lý do chính để bạn gắn bó với nghề hay với doanh nghiệp.

Còn các doanh nghiệp, họ cũng sẽ tìm ra cách đi riêng phù hợp với thực tế của mình. Khó có một công thức chung nào cho sự thành công, nhưng lao động một cách nghiêm túc, chân chính và chăm chỉ sẽ giúp chúng ta đến thành công chắc chắn hơn.

Xin cảm ơn ông!

  • Môi giới thổi giá bất động sản có bị xử phạt?

    Môi giới thổi giá bất động sản có bị xử phạt?

    Nghề môi giới bất động sản ra đời lâu nhưng thiếu hành lang pháp lý nên nảy sinh nhiều bất cập. Cơ quan quản lý thì lúng túng vì chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe với hành vi môi giới lệch chuẩn, tạo ra những cơn sốt ảo trên thị trường.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.