28/02/2017 8:55 AM
NHNN vừa công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm để lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của 1 cá nhân tại 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tối đa 75 triệu đồng. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH.
TS. nhận định thế nào về việc mức BHTG dự kiến được nâng từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng?
- Theo tôi, đây là mức tăng đáng kể, tích cực nhưng vẫn chưa đủ. Bởi qua một thời gian dài 12 năm mới tăng lên được mức 75 triệu đồng là quá thấp.
Thứ nhất, số lượng khách hàng gửi tiền NH sau 12 năm đã tăng lên rất cao, số lượng vốn huy động được cũng cao hơn rất nhiều. Do đó, nếu BHTG chỉ ở mức 75 triệu đồng sẽ không bảo đảm cho rất nhiều khách hàng có những món tiền trên số dư đó.
Thứ hai, theo thông lệ quốc tế, mức BHTG phải đi cùng với thu nhập người dân, vì người dân thu nhập càng nhiều, họ càng có khả năng gửi tiền vào NH nên mức BHTG cũng phải tăng lên phù hợp. Trước đây, thu nhập người dân rất thấp, nhưng bây giờ đã lên đến 2.000USD/người/năm, tương đương khoảng 45 triệu đồng/người/năm.
Ở Hoa Kỳ, thu nhập bình quân của người dân ở khoảng 40.000-50.000USD và hạn mức BHTG hiện tại 250.000USD, tức cao gấp 5 lần thu nhập bình quân đầu người. Theo nguyên tắc, thu nhập bình quân hiện tại đầu người của Việt Nam là 45 triệu đồng, nên hạn mức BHTG phải trên 200 triệu đồng. Tôi cho rằng mức BHTG vào khoảng 180-200 triệu đồng mới hợp lý.
Song trong thời điểm này, việc giữ nguyên mức BHTG 50 triệu đồng hay tăng lên 75 triệu đồng, 100 triệu đồng có lẽ người dân cũng không quá quan tâm. Bởi hiện tại không có NH nào phá sản được, NH gặp khó NHNN sẵn sàng bảo hộ và nhảy vào cứu như đã làm với 3 NH 0 đồng trong 2 năm qua.
Nếu sau này, NHNN cho phép các NH phá sản, lúc bấy giờ người dân mới xem BHTG cần hạn mức bao nhiêu và khách hàng sẽ tìm những NH có sức khỏe tốt để gửi nếu số tiền lớn trên hạn mức BHTG. Vì vậy, tôi cho rằng trong tương lai hạn mức BHTG và sức khỏe NH trở nên quan trọng. Còn hiện tại, tất cả mọi NH đều được bảo vệ, NH nào trả lãi suất cao, người dân sẽ dồn vào gửi tiền, nên hạn mức BHTG không được quan tâm nhiều.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Theo ông, tại các quốc gia khác trên thế giới BHTG đóng vai trò như thế nào?
- BHTG ở các nước có một điểm khác mà hiện tại BHTG ở Việt Nam không thực hiện. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, NH Trung ương là Cục Dự trữ Liên bang (FED) không phải là cơ quan BHTG, mà có một cơ quan BHTG là Tổng công ty BHTG liên bang (FDIC). FDIC là công ty của chính phủ, thực hiện BHTG cho khách hàng với hạn mức 250.000USD/tài khoản.
FDIC đứng mũi chịu sào, phải bồi thường cho khách hàng khi NH phá sản nên có một chức năng rất đặc biệt là giám sát, thanh tra các NH rất chặt chẽ. Vai trò của FED chỉ là quản lý hệ thống, do không gặp rủi ro nên FED cũng thanh tra, giám sát nhưng không chặt chẽ bằng FDIC. Trong khi ở Việt Nam, BHTG Việt Nam (DIV) trên nguyên tắc có chức năng thanh tra, giám sát NH nhưng không thực hiện.
Cho đến bây giờ, việc thanh tra NH đều do Cục Thanh tra, giám sát NH của NHNN thực hiện. Đây là một thiếu sót. Nếu trong tương lai, BHTG tăng hạn mức lên và đóng vai trò bồi thường thiệt hại cho khách hàng, DIV cần phải có thêm chức năng giám sát NH để xem các NH hoạt động như thế nào, vì chính họ là người chịu rủi ro chứ không phải NHNN, nếu không đến lúc các NH phá sản, DIV sẽ vỡ nợ.
Thêm một điểm nữa cũng rất quan trọng là cho đến bây giờ các NH vẫn trả phí cào bằng cho DIV, bất kể NH mạnh hay yếu đều trả tỷ lệ phí trên khoản tiền gửi bằng nhau. Trong khi ở Hoa Kỳ, các NH được xếp loại từ NH tốt cho đến NH xấu, mỗi NH tùy theo mức độ rủi ro sẽ đóng một tỷ lệ phí khác nhau.
NH tốt đóng phí ít, NH yếu đóng phí rất cao. Điều này công bằng vì NH nào hoạt động yếu kém, rủi ro nhiều thì khả năng công ty BHTG phải bồi thường cho khách hàng của NH đó cao hơn nên hoạt động không tốt, yếu kém sẽ phải đóng phí cao hơn. Còn ở Việt Nam, các NH vẫn trả đồng đều lệ phí, đây cũng là điểm cần thay đổi trong tương lai.
Đối với DIV, Chính phủ cũng đã đề nghị cần phải đóng góp vai trò lớn hơn trong tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu. Theo ông, DIV cần hỗ trợ những vấn đề nào trong quá trình tái cơ cấu TCTD?
- Cho đến bây giờ, DIV chỉ mới bồi thường cho những quỹ tín dụng Nhân dân và chưa có bồi thường cho khách hàng của NH nào. Tại thời điểm này cũng chưa có gì thay đổi vì các NH nếu quá yếu kém, NHNN yêu cầu sáp nhập hoặc mua lại với giá 0 đồng.
Nhưng trong tương lai xa, nếu NHNN cho phép các NH phá sản, lúc bấy giờ chức năng của DIV phải tăng cường một cách mạnh mẽ, phải tăng hạn mức, thu phí nhiều hơn đối với các NH yếu kém, cùng với NHNN thanh tra giám sát NH có đề xuất tái cơ cấu.
Bởi vì đây là công ty bảo hiểm, NH nào yếu kém sụp đổ, họ phải bồi thường cho khách hàng của NH đó. Do đó, DIV phải tham gia vào tiến trình tái cơ cấu, không những tham gia thanh tra giám sát mà còn phải chủ động như NHNN, yêu cầu các NH yếu kém hoặc sáp nhập với nhau hoặc đề nghị phá sản NH.
Xin cảm ơn ông.
Yên Lam (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.