CafeLand - Trong thời gian qua, rất nhiều người kỳ vọng Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) ra đời sẽ giải bài toán nợ xấu của Việt Nam. Thậm chí, không ít chuyên gia và quan chức còn cho rằng đây là “liều thuốc tiên” để cứu bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên, một câu hỏi vô cùng quan trọng nhưng lại không có nhiều người quan tâm và thực tế rất khó trả lời là kiếm đâu ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để cho VAMC mua nợ xấu?

Mới đây một số tờ báo lạc quan cho rằng sắp có lời giải cho 156.000 tỷ đồng nợ xấu. Con số này được suy ra từ tỷ lệ nợ xấu 6% mà Chính phủ mới công bố gần đây. Tuy nhiên, con số thực tế có thể gấp 3 lần còn số này cho nên việc xử lý nợ xấu sẽ khó khăn hơn nhiều.

Đề án VAMC ra đời để nhằm xử lý nợ xấu tuy nhiên cho đến nay thông tin về đề án này vẫn chưa hề tiết lộ. Để đánh giá xem liệu có nên kỳ vọng vào VAMC hay không thì nên xem nguồn tiền để xử lý nợ xấu được đưa ra từ đâu?

Tiền được rót từ Chính phủ

Theo thông tin về đề án xử lý nợ xấu thì VAMC trực thuộc Chính phủ. Để mua được nợ xấu thì VAMC phải có tiền, để có được số tiền này thì một cách nhanh nhất là Chính phủ phải cấp vốn hoặc bảo lãnh để cho VAMC được vay tiền để mua lại các khoản nợ xấu.

Trong trường hợp thứ nhất, Chính phủ trực tiếp bỏ tiền ra thì một câu hỏi đặt ra là Chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu? Trong nhiều năm qua Chính phủ luôn chật vật với việc thâm hụt ngân sách hàng năm rất cao. Gánh nặng nợ từ các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ đang khiến Chính phủ đau đầu. Chúng ta còn nhớ, quyết định tăng lương cơ bản cuối năm vừa qua làm tăng thêm chi tiêu ngân sách vài chục tỷ đồng nhưng phải cân nhắc rất nhiều lần. Hơn nữa, muốn chi tiêu từ ngân sách một khoản tiền lớn như vậy phải được thông qua tại Quốc hội. Và điều này gần như là không thể vì về mặt chính trị nó rất khó thuyết phục.

Trong trường hợp VAMC tự vay vốn thì chắc chắn không ngân hàng nào dám cho vay. Ngay cả khi Chính phủ bảo lãnh thì việc vay vốn từ ngân hàng để mua nợ xấu chính các ngân hàng thì hệ thống vẫn chưa hết rủi ro. Đây thực chất chỉ là việc tạm khoanh vùng nợ xấu. Trường hợp khả quan hơn là VAMC được bảo lãnh để vay nợ từ nước ngoài. Tuy nhiên, với bối cảnh tín nhiệm của Việt Nam hiện nay thì đây là một điều khó xảy ra trừ trường hợp Việt Nam vay dưới hình thức “cứu trợ”.

Tiền từ Ngân hàng Nhà nước

NHNN là nơi in và phát hành tiền và tất nhiên nguồn tiền ở đây là vô tận. Có lẽ chính vì điều này mà không ít khuyến nghị của chuyên gia hay quan chức đều cho rằng NHNN mua lại nợ xấu thông qua việc cấp vốn cho VAMC. Việc này nghe chừng thì rất đơn giản nhưng thực tế lại không như vậy.

Về nguyên tắc NHNN không thể tung tiền ra thoải mái vì nó sẽ làm gia tăng lạm phát. Theo Luật các tổ chức tín dụng thì NHNN chỉ được tái cấp vốn ngắn hạn cho ngân hàng thương mại hoặc mua trái phiếu ngắn hạn của Chính phủ. Ngoài ra, NHNN cũng có thể bơm tiền ra nền kinh tế bằng cách tham gia thị trường mở. Nghị quyết 02 có nhắc đến việc NHNN dành 20.000 – 40.000 tỷ đồng tái cấp vốn với kỳ hạn dài và lãi suất thấp để cho vay mua nhà. Đây được xem là một trong những giải pháp để làm giảm bớt nợ xấu nhưng nó không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Để NHNN có thể cấp vốn hoặc tái cấp vốn cho VAMC thì cần phải được chính Quốc hội thông qua bằng một Nghị quyết chứ chỉ mình Chính phủ thông qua là chưa đủ.

Tiền từ việc VAMC tự phát hành trái phiếu

Đây là phương án được đưa ra trong đề án gần đây nhất. Cho đến nay vẫn chưa rõ trái phiếu mà VAMC phát hành sẽ dưới dạng nào và có giá trị như thế nào. Một số đề xuất cho rằng Chính phủ nên bảo lãnh cho trái phiếu của VAMC. Nếu điều này xảy ra thì trái phiếu của VAMC sẽ có giá trị khá cao và có thể mua bán trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, một rủi ro rất lớn là khi VAMC thua lỗ do mua nợ với giá quá cao hoặc việc xử lý nợ xấu không thành công thì gánh nặng tài chính lại dồn vào ngân sách. Lúc đó nhân dân lại phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì khoản nợ này.

Đề xuất được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây là trái phiếu do VAMC phát hành sẽ hoán đổi nợ xấu của doanh nghiệp. Giá chuyển đổi có thể bằng mệnh giá hoặc bằng giá trị còn lại sau khi trích lập dự phòng nợ xấu. Đối với phương án này thì nợ xấu của doanh nghiệp vẫn chưa được định giá một cách khách quan và chắc chắn chưa sát giá trị thật của nó. Bên cạnh đó đây chỉ là việc “hoán đổi” để khoanh vùng nợ xấu còn về bản chất nợ xấu trong nền kinh tế vẫn không hề thay đổi. Để xử lý nợ xấu cần một quá trình xử lý phức tạp và lâu dài.

Tóm lại: Đề án xử lý nợ xấu sắp được ban hành nhưng một câu hỏi căn bản đặt ra là tiền đâu để mua nợ xấu vẫn chưa có một câu trả lời thích đáng. Dù lấy tiền từ nguồn nào như đã phân tích ở trên thì cũng có quá nhiều rào cản. Bên cạnh đó công đoạn khó khăn và vô cùng phức tạp là xử lý nợ xấu đó như thế nào thì lại rất ít được đề cập. Điều này cho thấy không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc xử lý nợ xấu khi mọi thứ vẫn chưa rõ ràng.

* Bạn đọc có thể trao đổi bình luận thêm ở trang Bạn đọc viết của CafeLand

  • Chủ tịch HoREA thiếu kiến thức kinh tế?

    Chủ tịch HoREA thiếu kiến thức kinh tế?

    CafeLand – Mới đây Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đưa ra kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Kiến nghị này đã gây ra một làn sóng phản ứng trong dư luận và từ nhiều chuyên gia. Những lý giải về đề xuất này cho thấy có thể những người đưa ra kiến nghị cần phải cập nhật lại các kiến thức cơ bản về quy luật kinh tế. <br/br>

  • Kính lúp: In tiền cứu bất động sản “lợi bất cập hại”

    Kính lúp: In tiền cứu bất động sản “lợi bất cập hại”

    CafeLand - Thêm một lần nữa việc cứu bất động sản lại được bàn đến một cách sôi nỗi. Giải pháp được nhiều người “khuyến nghị” và cũng đã được đại diện phía NHNN đưa ra là NHNN sẽ cấp vốn giá rẻ và thời gian dài cho người dân mua nhà. Nếu các chính sách này được thực thi thì rõ ràng đây là việc in tiền để cứu bất động sản. Trước mắt thị trường bất động sản có thể tốt hơn nhưng về dài hạn đây là một chính sách vô cùng rủi ro. <br/br>

  • 20 nghìn tỷ cứu được bất động sản?

    20 nghìn tỷ cứu được bất động sản?

    CafeLand - Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Ngân hàng nhà nước sẽ chỉ đạo các NHTM cho người dân vay mua nhà thu nhập thấp với mức 6%/năm với thời hạn vay 15 năm. Tổng số tiền sau đó được tiết lộ là vào khoảng 20-24 nghìn tỷ đồng. Vậy liệu rằng giải pháp này có cứu được bất động sản và giúp ích cho nền kinh tế? <br/br>

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.