06/07/2018 10:20 AM
CafeLand- Đó là đánh giá của chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải khi trao đổi với CafeLand xoay quanh đề xuất xây cáp treo qua sông Hồng mới đây.

Thông tin từ đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố vừa tiếp nhận đề xuất của Tập đoàn Poma (công ty chuyên cáp treo của Pháp) về việc xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng. Đề xuất này đang được giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiên cứu.

Theo đó, tuyến cáp treo vượt sông Hồng sẽ được sử dụng để phục vụ hành khách công cộng giống như xe buýt, với điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên).

Tuyến cáp treo được xây dựng với các trụ đỡ cao từ 50 - 100 m, sức chứa từ 25 - 30 khách mỗi cabin. Theo kế hoạch, mỗi giờ cáp treo vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng làm cáp treo vượt sông Hồng là lãng phí và khó khả thi.

Tuyến cáp treo dự kiến dài hơn 5 km, trong đó có khoảng 1,2 km vượt sông Hồng, khoảng 4 km đi trên mặt đất và vượt các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất.

Điều đáng nói là, nhà đầu tư mới chỉ đưa ra đề xuất để xin chủ trương chứ chưa hề có kế hoạch tài chính cụ thể. Hiện TP. Hà Nội cũng chưa có quy hoạch cáp treo qua đô thị và lo ngại rằng, tuyến cáp có thể ảnh hưởng đến cảnh quan sông Hồng.

Bình luận về đề xuất này, ông Thủy, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông, khẳng định: “Không nên làm, không hiệu quả và quá lãng phí”.

Vị tiến sĩ này cho rằng, làm gì cũng phải tính đến yếu tố kinh tế - kỹ thuật và lý giải về tính khả thi của nó. Có thể làm cáp treo đi qua sông Hồng nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều bất cập.

“Việc xây dựng cáp treo qua một thành phố, mà đồng bằng là rất hiếm. Loại hình vận tải này thường được xây dựng ở những nơi mát mẻ, thoáng đãng, các địa điểm có vùng núi cao (Thụy Sỹ), hải đảo, gần cảng biển (Anh)... Nhưng chủ yếu xây dựng cho du lịch, phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, giải trí của du khách chứ không phải để di chuyển từ bến xe này qua bến xe kia. Dù là vậy đi nữa thì hành khách cũng chỉ là muốn về nhà hoặc đến nơi làm việc một cách nhanh nhất chứ không ai có thời gian mà ngắm cảnh”, ông Thủy lý giải và khẳng định, việc xây cáp treo vượt sông Hồng để chống ùn tắc giao thông là cực kỳ khó khăn.

Vị chuyên gia giao thông này cho rằng, ùn tắc xảy ra ở khu vực trung tâm, ở Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, những con phố có mật độ dân số cao... chứ không ùn tắc ở khu vực làm cáp treo. Hơn nữa, đây là loại vận tải đặc biệt, vận tải “nhà giàu”.

Tuyến cáp treo dự kiến dài hơn 5 km, trong đó có khoảng 1,2 km vượt sông Hồng. Ảnh: Internet.

Ông cho biết, những năm 70, 80 Việt Nam không hề phát triển du lịch vì quá nghèo. Sau này, để phát triển du lịch có những vùng phải xây cáp treo như Phú Quốc, Đà Nẵng, Sapa... Loại hình vận tải này có kết cấu tự động, giá cáp đắt, hệ thống cabin rất hiện đại, dùng để vận chuyển với giá cước cao bao gồm yếu tố du lịch. Do đó, năng suất khai thác sẽ thấp, chắc chắn thấp hơn xe buýt.

“Xe buýt nếu chạy liên tục có thể đảm đương được 6.000 – 7.000 hành khách/giờ. Nhưng nếu cáp treo vận chuyển lượng hành khách nhiều như vậy một cách liên tục sẽ rất nguy hiểm. Do đó, chỉ có thể làm cabin nhỏ, dẫn tới tính hiệu quả thấp và không thể áp dụng đại trà”, ông Thủy phân tích.

Về vấn đề an toàn, ông Thủy cho rằng, đây là phương tiện đi trên cáp. Các phương tiện mặt đất còn xảy ra tai nạn thì loại hình này càng không thể đảm bảo các thiết bị không có trục trặc.

Trước các ý kiến cho rằng xây dựng cáp treo sẽ không phải giải tỏa, không ảnh hưởng đến người dân, ông Thủy cho rằng đây là nhận thức hoàn toàn sai lầm.

“Vẫn phải giải tỏa để đảm bảo an toàn. Khi cáp treo đi qua các dãy nhà, cột điện, vùng dân cư đông đúc không giải tỏa không được, chẳng may thiết bị cáp trục trặc thì sẽ rất nguy hiểm, xác suất rơi không phải không có, cũng không ai khẳng định không có nếu giông bão hoặc các sự cố khác xảy ra đột ngột. Cho nên đừng nghĩ không phải giải tỏa”, ông Thủy khẳng định.

Với những lý do trên, vị chuyên gia này cho rằng, không nên làm cáp treo ở Hà Nội cũng như cáp treo vượt sông Hồng.

Được biết, hiện nay Hà Nội đã khởi cộng Dự án đường trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, kết nối giao thông từ nội đô đi sân bay Nội Bài và liên kết các khu vực phía Bắc thủ đô. Theo ông Thủy, tuyến đường này sẽ trùng quy hoạch với đường cáp treo đang được đề xuất. “Như vậy vừa lãng phí, vừa khó khả thi, mà lại không hiệu quả trong việc giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho thành phố”, ông Thủy đánh giá.

Bất động sản sẽ được hưởng lợi

Đó là một thông tin thú vị! Tất cả những cáp treo mà chúng ta biết đều liên quan đến du lịch. Do đó, với việc xây cáp treo qua sông Hồng cho mục đích giao thông thì khả năng hỗ trợ vận tải hành khách thay cho đường bộ sẽ thấp hơn. Nếu nhằm mục đích du lịch thì khá hay, sẽ tạo điểm nhấn cho Hà Nội khi hiện nay chúng ta chưa khai thác được tiềm năng của sông Hồng.

Ở trên thế giới, con sông luôn là điểm trung tâm của thành phố, tác động đến môi trường đô thị, giao thông, quy hoạch 2 bên bờ sông. Đó là bài toán mà có lẽ Hà Nội cũng đang dần xây dựng. Với sự thay đổi đó, chắc chắn bất động sản sẽ được hưởng lợi. Như ở Sài Gòn, sông Sài Gòn được quy hoạch khá tốt, nên bất động sản 2 bên bờ sông đặc biệt là khu vực quận 2, Thảo Điền An Phú, Thủ Thiêm) được hưởng lợi rất lớn.

Với Hà Nội, bài toán quy hoạch sông Hồng cũng đã được cân nhắc và tính toán, câu chuyện sau đó là công tác triển khai, kỹ thuật, giải phóng mặt bằng sẽ mất thời gian. Việc đề xuất cáp treo cũng có thể là một trong những phương án nằm trong lộ trình quy hoạch dọc sông Hồng. Nếu được xây dựng và đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến hiện trạng di tích lịch sử sẽ góp phần làm cho quy hoạch 2 bên bờ sông tốt hơn. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài trong tương lai, chưa thể tác động ngay tức thì tới thị trường bất động sản.

Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Định giá và Quản lý Tài Sản của CBRE Việt Nam

Cao Thùy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.