ThS. Hồ Bá Tình

ThS. Hồ Bá Tình
Chuyên gia kinh tế

Lạm phát liệu có bùng nổ hay không?

11/05/2022 8:59 AM
ThS. Hồ Bá Tình ThS. Hồ Bá Tình
Lạm phát của Hoa Kỳ tăng cao nhất trong 40 năm qua, thâm hụt ngân sách và nợ công của quốc gia này cũng đang ở mức cao chưa từng có. Trái ngược với mức lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát ở Việt Nam trong những tháng vừa qua tăng khá thấp.

Tuy nhiên, có lẽ trong mỗi chúng ta đều cảm nhận được giá cả hàng hóa tăng lên qua mỗi bữa cơm hàng ngày và chi phí mỗi khi ra đường. Vậy, lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới có thực sự đáng ngại và nó ảnh hưởng như thế nào đển thị trường bất động sản?

Trước khi nói về những ảnh hưởng của lạm phát đến bất động sản, chúng ta cần tìm hiểu thêm về các quan điểm về lạm phát. Thực vậy, lạm phát là một khái niệm khá quen thuộc và chúng ta có thể nghe nói hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng có lẽ không có nhiều người hiểu sâu về từ ngữ khá quen thuộc này. Vậy lạm phát thực là gì?

Theo cách hiểu phổ biến nhất hiện nay, lạm phát là việc giá cả hàng hóa tăng lên. Ngược lại khi giá cả hàng hóa giảm thì gọi là giảm phát.

Thông thường để đo lường lạm phát, người ta sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số giá tiêu dùng lõi (chỉ số giá tiêu dùng thông thường trừ thực phẩm và năng lượng).

Chỉ số CPI được đo lường mức tăng giá của các nhóm hàng hóa tiêu biểu trong rổ tiêu dùng của người dân. Tỷ trọng mỗi loại hàng hóa tùy theo cơ cấu tiêu dùng trung bình của một người dân. Mục tiêu của chỉ số CPI đo lường mức ảnh hưởng của việc tăng giá đối với chi phí tiêu dùng trung bình của một người dân.

Với cách tính CPI như vậy, chỉ số này không phản ánh hoàn toàn đầy đủ mức giá tăng chung của toàn bộ hàng hóa trong nền kinh tế. Do đó, trong nhiều trường hợp, để phân tích lạm phát, các nhà kinh tế còn sử dụng thêm chỉ số khử lạm phát (GDP deflator).

Chỉ số điều chỉnh GDP đo lường mức giá trung bình của tất cả mọi hàng hóa và dịch vụ được tính vào GDP. Chỉ số điều chỉnh GDP được tính bằng tỉ số giữa GDP danh nghĩa và GDP thực tế.

Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng lạm phát? Nguồn gốc của lạm phát là việc lạm dụng việc phát hành tiền ra nền kinh tế. Như vậy, rõ ràng nguyên nhân chính lạm phát là do việc “in” tiền quá nhiều. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến hiện tượng lạm phát quá ở nhiều quốc gia. Ở những nền kinh tế bị siêu lạm phát đều do những chính phủ các quốc gia này in tiền nhiều để bù đắp thâm hụt ngân sách.

Hiện tại, lạm phát ở Hoa Kỳ đang ở mức 7,9%, mức cao nhất kể từ 1981 đến nay. Còn ở châu Âu, con số này lên tới 7,5%, mức cao nhất kể từ khi ra đời của khối Liên minh châu Âu. Những con số này cho thấy đây là thời kỳ “siêu lạm phát” ở những nền kinh tế đã phát triển và có tính ổn định cao như Hoa Kỳ và châu Âu. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này chính là chính sách cung tiền ồ ạt của Cục dự trữ liên bảng Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong suốt hơn 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khác dẫn đến làm phát là “cầu kéo”. Hiểu một cách đơn giản khi nhu cầu tăng lên vượt qua mức sản xuất hàng hóa thông thường thì dẫn đến giá hàng hóa tăng. Thời gian qua, kinh tế nhiều quốc gia đã phục hồi một cách mạnh mẽ. Nhu cầu hàng hóa tiêu dùng và nguyên liệu sản xuất đột ngột tăng mạnh sau thời gian đình đốn cũng đã làm cho giá hàng hóa tăng.

Nguyên nhân quan trọng khác là chi phí đẩy. Đại dịch covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến nhiều quốc gia mệnh danh là công xưởng của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và việc vận chuyển lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu như dầu thô cũng tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào cho nhiều hàng hóa tăng mạnh. Đây cũng chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát trên toàn cầu diễn ra mạnh thời gian qua.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam, dù trong cơn bão lạm phát toàn cầu, giá dầu thô, sắt thép đều tăng mạnh như CPI của Việt Nam năm 2021 tăng 1,84% và 4 tháng đầu năm 2022 cũng chỉ tăng 2,09%. Như vậy, lạm phát Việt Nam đang ở thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Nguyên nhân cơ bản khiến lạm phát vẫn ở mức thấp là do NHNN đã kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng khá chặt chẽ. Dù chịu ảnh hưởng nhiều của chi phí đẩy giá hàng hóa và chi phí nhập khẩu nhưng giá cả hàng hóa chung vẫn tương đối ổn định.

Vậy lạm phát ở Việt Nam có bùng nổ trong thời gian tới hay không?

Đó là câu hỏi mà phần lớn trong chúng ta đang thắc mắc vào lúc này vì lạm phát là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các chính sách và các yếu tố vĩ mô khác. Rộng hơn nếu lạm phát tăng mạnh sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế.

Trên thực tế, trước việc lạm phát tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua, FED đã nâng lãi suất lên thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức 0,75 -1% và ngày 05/5 vừa qua. Đây là một đợt tăng ngoài dự đoán của các chuyên gia, các nhà đầu tư nên đã làm cho thị trường chứng khoán Mỹ giảm trong 5 phiên giao dịch vừa qua.

Đối với Việt Nam, dù chỉ số CPI tăng ở mức “khiêm tốn” nhưng dường như mỗi chúng ta đều cảm nhận được giá cả nhiều mặt hàng đã tăng mạnh. Thực vậy, không chỉ những mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều của giá hàng hóa thế giới như xăng dầu, sắt thép, nguyên vật liệu cơ bản thì các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, lương thực, thực phẩm trong nước cũng tăng khá mạnh.

Tuy nhiên, liệu lạm phát có bùng nổ hay không? Để trả lời cầu hỏi này, chúng ta hay nhìn vào nguyên sâu xa của tình hình lạm phát sẽ phần nào có câu trả lời. Thực vậy, khác với nhiều quốc gia khác, dù chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi đại dịch trong năm 2021 nhưng Việt Nam không thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ một cách khá thận trọng.

Thật vậy, Việt Nam vẫn duy trì lãi suất tái chiết khấu lên đến 4%, cao hơn nhiều quốc gia khác. Tăng trưởng tín dụng năm 2021 cũng được khống chế ở mức 13,53%. Thâm hụt ngân sách năm 2021 cũng chỉ ở mức 5,8%, thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác điển hình như 16,7% của Hòa Kỳ hay mức 12,6% của Nhật Bản.

Trong 4 tháng đầu năm, tín dụng lại có sự tăng trưởng khá ấn tượng với mức 5,04%, cao gấp 2,03 lần so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng trưởng tín dụng cao của những tháng đầu năm 2022 có thể là khá tích cực, bởi doanh nghiệp đã vay mượn nhiều hơn để đầu tư tái sản xuất sau một khoảng thời gian dài khó khăn.

Trong Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook) được cập nhật vào tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới và tăng con số dự báo lạm phát. Tuy nhiên, báo cáo của IMF vẫn đánh giá khá tích cực triển vọng kinh tế thế giới sau khi Covid bị khống chế và các quốc giá sẽ có giải pháp để ngăn chặn lạm phát cao. Do đó, mức lạm phát ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ chỉ còn dưới 3% năm 2023, tức mức gần 8% năm 2022.

Như vậy, có thể thấy việc lạm phát của thế giới có thể không tăng quá cao dù chiến tranh Nga – Ukraina đang gây ảnh hưởng khá tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Đối với Việt Nam, lạm phát vẫn là một rủi ro lớn, nhưng tôi cho rằng khả năng lạm phát tăng mạnh không nhiều. IMF và Worldbank đều dự báo, CPI Việt Nam tăng dưới 4%.

Đối với với thị trường bất động sản, nhiều người luôn cho rằng đây là một kênh trú ẩn giúp giảm thiểu rủi ro khi tỷ lệ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, thực tế giá bất động sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Về dài hạn, bất động sản sẽ tăng khi đồng tiền mất giá, tức lạm phát cao. Tuy nhiên, ngắn hạn thì giá bất động sản có thể giảm bởi lạm phát, vì lúc đó chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt và ảnh hưởng đến dòng tiền vào kênh đầu tư này.

Đó là lý thuyết. Còn hiện tại tôi vẫn cho rằng, lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam sẽ ở mức khá thấp (dưới 4%), dù chịu ảnh hưởng lớn bởi giá nhiều mặt hàng trên thế giới đang tăng mạnh. Do đó, việc đầu tư bất động sản lúc này cần xem xét nhiều yếu tố khác chứ không phải là việc sợ lạm phát nên mua bất động sản.

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.