16/01/2017 3:25 PM
"Chúng ta có nhiều quy hoạch trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn với nhau, nên cần điều chỉnh lại hệ thống quy hoạch".
Đó là quan điểm của KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội với báo Đất Việt về câu chuyện quy hoạch Hà Nội bị băm nát do nhà cao tầng.
Định hướng các yếu tố chưa đồng bộ
Việc xây dựng cao ốc tại khu triển lãm Giảng Võ (Láng Hạ) hay hàng chục chung cư cao tầng đang mọc lên trên đoạn đường chỉ 2km đang khiến dư luận lo ngại, thậm chí Chủ tịch Hà Nội còn phải đau xót nói quy hoạch Hà Nội đang bị băm nát. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là việc xây dựng nói trên đều đúng Luật. Chúng ta phải hiểu nghịch lý này như thế nào, thưa ông?
- Để đánh giá thực trạng của một đô thị thì cần xem xét tách rời rõ ràng hai công việc cụ thể: một là, định hướng từ quy hoạch; hai là, công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Đến nay, Hà Nội đang thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt từ năm 2011, trong thời gian đó, thành phố đã xây dựng một số công trình, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng và trong đó có điều chỉnh quy hoạch.
Còn theo đánh giá chung, trong khu vực nội đô hiện có xen kẽ quá nhiều công trình cao tầng, đây là thực tế tồn tại. Từ tình hình này, căn cứ quy hoạch chung thực hiện từ năm 2011, thành phố đã có một quyết định, quy định về xây dựng công trình cao tầng tại thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ mới phê duyệt.
Bây giờ thực chất quản lý quy hoạch còn tồn tại mấy vấn đề: Đầu tiên, quy hoạch là một định hướng dài hạn, cho tới năm 2030, tầm nhìn 2050, những quy chế của thành phố về cao tầng là dành cho cả một tầm nhìn dài hạn, nhưng thực tế khi xem xét các dự án mới, chúng ta mới chỉ chú trọng dự án mà chưa chú trọng mối liên kết với khu vực xung quanh, chưa đồng bộ kế hoạch để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cả vùng, chưa xác định vùng trọng điểm, khu vực sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng.
Khu triển lãm Giảng Võ
Và đối với những khu vực này, đáng lẽ ra cơ sở hạ tầng phải đi trước như đường xá, các hạ tầng kỹ thuật như cấp, thoát nước, hiện nay chưa có gắn kết giữa quy hoạch với kế hoạch. Và khi giao dự án các nhà đầu tư lại xây dựng công trình theo ý của mình, kèm với đó các cơ quan quản lý chưa quản lý chặt chẽ, chưa gắn kết với tiến độ thực hiện hạ tầng kỹ thuật nên nảy sinh nhiều bất cập như hiện nay.
Một vấn đề khác nữa đó là trong thể chế quản lý hiện nay, chúng ta đưa ra có định hướng nhưng các chỉ tiêu, các yếu tố chưa đồng bộ. Cụ thể, chúng ta có đưa ra mật độ xây dựng, tầng cao tối đa, nhưng thiếu quản lý hệ số sử dụng đất cho nên còn để xảy ra tình trạng quá nhiều nhà cao tầng như vừa qua.
Ví dụ khu vực được dư luận quan tâm nhất là triển lãm Giảng Võ, nó tiêu biểu cho việc thiếu kiểm soát hệ số sử dụng đất. Chủ đầu tư đề xuất như vậy, nhưng về thể chế, về quản lý đầu tư xây dựng chưa đồng bộ với khu vực trọng điểm, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, nên mới mâu thuẫn.
Qua 5 năm từ sau quy hoạch chung của thành phố được thực hiện, chúng ta đã hoàn thành cơ bản các quy hoạch cụ thể gồm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, quy hoạch chung thị trấn, huyện, đó là thành công lớn.
Nhưng với 5 năm, chúng ta phải rà soát lại sớm các dự án, trên địa bàn Hà Nội sau khi mở rộng có hơn 700 dự án, có hơn 260 công trình cao tầng được xây dựng, phê duyệt.
Tất nhiên chúng ta có quy hoạch nhưng quy hoạch là định hướng nên cần có kế hoạch thực hiện từng khu vực, giai đoạn trọng điểm, hiện nay chưa có sự gắn kết này. Và chúng ta có nhiều quy hoạch trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn với nhau, vừa quy hoạch KT-XH, quy hoạch đất đai, quy hoạch ngành, cần điều chỉnh lại hệ thống quy hoạch.
Tôi rất mừng khi hiện nay Quốc hội đang xem Luật quy hoạch, khi có Luật thì sẽ điều tiết lại hệ thống quy hoạch một cách thống nhất được.
Mới đây, chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhận định quy hoạch thành phố đã bị băm nát, nên giờ phải trả giá. Nhận thức như vậy của lãnh đạo Hà Nội có ý nghĩa như thế nào trong việc sửa quy trình sai? Nếu không sửa, người Hà Nội sẽ phải trả giá như thế nào?
- Hà Nội hiện nay phát triển nhưng vẫn bảo tồn quy hoạch nội đô, vẫn có khu phát triển mới, có khu mở rộng. Vấn đề ở đây chỉ là thành phố chưa xác định được khu ưu tiên phát triển, mà vẫn để cho các chủ đầu tư lựa chọn vị trí cho mình, nhưng vị trí có thể là vị trí của dài hạn chứ không phải trung hạn.
Đã đến lúc chúng ta phải xem xét đồng bộ các cơ sở pháp lý để quản lý. Cuối cùng phân công, phân cấp cho rõ ràng, trách nhiệm thuộc ai, làm rõ công tác quy hoạch và công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau.
Hãy bắt tay làm sớm làm việc này thì Hà Nội mới phát triển đồng bộ được, đỡ thêm việc ách tắc giao thông, điều chỉnh cơ cấu phương tiện giao thông, thay đổi phương thức giao thông, lấy phương tiện giao thông công cộng là chủ yếu, chứ không phải xe cá nhân.
Cuối cùng là năng lực quản lý, văn hóa giao thông, đối với quy hoạch cũng phải như vậy, phải có nhìn nhận tổng thể, phân đợt quy hoạch, làm rõ quy trình trong điều chỉnh quy hoạch, xác định rõ vai trò cộng đồng, cộng đồng có quyền tham gia điều chỉnh quy hoạch.
Phía Bộ Xây dựng đến nay cũng phải thừa nhận chúng ta chưa gắn quy hoạch với kế hoạch thực hiện, trong khi quy hoạch là định hướng dài hạn.
Và vấn đề nằm ở điểm, nếu quy hoạch có đầy đủ cơ sở pháp lý quản lý thì mới có thể chấm dứt được tình trạng xây dựng xôi đỗ như hiện nay.
3 việc Hà Nội cần làm
Trước đây, HN đã từng đề cập đến vai trò của một KTS trưởng nhưng chức danh này cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng, giờ có phải là lúc HN nhất định phải chọn ra một người để sửa chữa quy hoạch HN hay không và nếu thế thì bắt đầu sẽ là ở đâu?
- Xu thế hiện nay là tăng cường phân công, phân cấp, tăng cường quản lý điều chỉnh lãnh thổ, còn mô hình KTS trưởng trước đây là mô hình "tản quy hoạch", tập trung quyền lực vào một cơ quan, nhưng sau khi tổng kết 10 năm thực hiện thì tất cả đều thấy có vấn đề, nên đã dừng lại.
Quy hoạch Hà Nội đang bị băm nát bởi các dự án cao tầng
Bây giờ cũng cần người chỉ huy chung, nhưng theo tôi đó sẽ là chính quyền địa phương, với Hà Nội thì đó chính là UBND TP, còn với các quận, huyện thì phân cấp cho rõ trách nhiệm.
Hiện nay trong xu thế của thế giới, quản trị đô thị là tăng cường phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm. Chúng ta không nên đặt lại vấn đề dùng KTS trưởng, hiện nay thế giới đã bỏ hết, như Singapore một thành phố sử dụng nhiều chức danh này, nhưng giờ cũng đã xóa bỏ, chuyển thành mô hình cơ quan quản lý.
Với tư cách chuyên gia quy hoạch đô thị ông sẽ dành lời khuyên cho HN như thế nào trong tình thế này?
- Theo tôi có 3 việc cần làm, quan trọng nhất là xây dựng cơ chế đồng bộ, tạo ra nguồn lực, vì hiện nay đã có lộ trình, có định hướng nhưng vẫn cần xác định rõ nguồn lực để thực hiện.
Sau đó, phải xác định rõ Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để thực hiện, nhưng quy hoạch mới chỉ là định hướng, là công cụ, còn tổ chức thực hiện, quản lý xây dựng theo quy hoạch mới là quan trọng.
Cuối cùng, cần rà soát lại công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, khi làm được thì mới mất đi những tồn tại bức xúc trong quy hoạch hiện nay.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!
Châu An (Đất việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.