CafeLand - Theo Bộ Xây dựng, việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến tổ chức thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân.

Tình trạng chậm di dời nhà máy, xí nghiệp khỏi nội đô là do thiếu nguồn lực thưc hiện.

Trong kiến nghị gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, cử tri TP. Hà Nội tiếp tục đề nghị di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 23/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành với lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi.

UBND TP. Hà Nội chủ trì thực hiện lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện đối với các cơ sở giáo dục đào tạo. Bộ Y tế chủ trì thực hiện đối với các cơ sở y tế cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về tình hình triển khai, UBND TP. Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời; xây dựng danh mục công trình cần di dời cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành, xác định lộ trình và tổ chức thực hiện.

Đối với công tác di dời cơ sở y tế và giáo dục đào tạo, Bộ Y tế đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648 ngày 18/05/2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209 ngày 17/02/2021, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy hoạch được duyệt.

Theo Bộ Xây dựng, việc di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô thành phố Hà Nội là rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến tổ chức thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân.

Trong số đó có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời.

Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đỏi hòi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn.

Ngoài ra, sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình và biện pháp thực hiện; đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết.

Bộ Xây dựng cũng đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bộ sẽ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc điều chỉnh theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển và điều kiện, tình hình thực tế.

Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp với địa phương tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển có hiệu quả; tạo sự liên kết không gian vùng, chia sẻ chức năng giữa các đô thị trong vùng, tạo động lực, sức hấp dẫn cho các đô thị vệ tinh, khai thác tiềm năng đô thị trung tâm nhằm giảm áp lực gia tăng dân số cơ học vào đô thị lớn.

Liên quan đến vấn đề này, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng sở dĩ có tình trạng chậm di dời này là do thiếu nguồn lực thưc hiện, vì muốn di dời phải có nguồn lực ngân sách.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do này để chậm di dời đến vị trí mới. Một số khác thì cho rằng, doanh nghiệp khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm nếu di dời nhà máy khỏi nội đô.

Tuy nhiên, khó khăn quan trọng nhất là nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương chưa thể hiện sự quyết liệt.

Cái khó nữa là sự thiếu giám sát nhất định trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Hai mươi năm nay đặt ra chủ trương di dời, thậm chí có những cơ sở đã có quyết định di dời 4 - 5 năm nay nhưng không thực hiện.

Khi chưa di dời thì nhà máy đó vẫn sản xuất, gây ô nhiễm, trong khi cơ quan chức năng chưa có sự giám sát chặt chẽ về tác động của việc sản xuất tại những cơ sở này đối với môi trường.

Cũng theo ông Nghiêm, Luật bảo vệ môi trường mới đã xác định rõ vai trò của chủ dự án, chủ sở hữu nhưng luật đó vẫn không có hiệu lực.

Hà Nội đã chủ trương di dời nhà máy, khu công nghiệp ra khỏi nội đô từ lâu, các luật liên quan đều có tác động nhưng chính những người đóng vai trò giám sát chưa làm hết trách nhiệm.

Bên cạnh vấn đề chậm di dời nhà máy, xí nghiệp khỏi nội đô, cử tri Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm thực hiện và hoàn thiện công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh Hòa Lạc nhằm thu hút các dự án đầu tư, thực hiện quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thất và các huyện, thị nằm trong vùng quy hoạch.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho hay, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 705 ngày 28/5/2020.

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo tổ chức lập các quy hoạch phân khu đô thị để cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, làm cơ sở xác định các dự án đầu tư và lập quy hoạch chi tiết.

“Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải được thực hiện đảm bảo tiến độ theo quy định pháp luật. Bộ Xây dựng sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai theo Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thực hiện góp ý kiến đối với các đồ án quy hoạch phân khu theo quy định”, Bộ Xây dựng cho biết.

  • Di dời nhà máy khỏi nội đô, bao giờ mới hoàn thành?

    Di dời nhà máy khỏi nội đô, bao giờ mới hoàn thành?

    CafeLand - Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch chung ra khỏi khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Đây được xem là vấn đề cấp bách, thế nhưng tiến độ di dời dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.