Biến đổi khí hậu đang leo thang nhưng doanh nghiệp chủ yếu đối phó
Do đó, biến đổi khí hậu khó nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận. Cũng ví lý do này mà khả năng huy động nguồn lực và sự ủng hộ từ công chúng cho việc thích ứng với thách thức này cũng không cao.
Trong những năm gần đây, ngoại tác gây ra bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng hơn. Không chỉ dừng lại ở thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu đang định hình điều kiện sống tự nhiên theo hướng khắc nghiệt hơn như hiện tượng khô hạn và nhiễm mặn thường xuyên khiến cho những vùng đất trước đây có nhiều lợi thế trồng trọt thì bây giờ lại dần trở nên suy kiệt.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nề nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do chưa được nhìn nhận nghiêm túc và chưa có sự chuẩn bị trước, việc đối mặt với thách thức trở nên cam go hơn bao giờ hết.
Chính phủ đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng nhưng còn mang tính chất tạm thời
Số liệu thống kê cho thấy gần đây nguồn ngân sách chính phủ đổ vào các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu đang tăng nhanh, phần lớn các hạng mục được chi tiêu là cơ sở hạ tầng chống lại tác động tiêu cực của thiên nhiên.
Gần đây, nhiều công trình thủy lợi được xây dựng giúp ngăn chặn và điều tiết nguồn nước để chống xâm lấn mặn ra đời tiêu tốn khá nhiều ngân sách nhà nước được xem như giải pháp duy nhất trong bối cảnh khẩn cấp đầy thách thức.
Thực tế này cũng cho thấy mức độ quan tâm cao và sự cố gắng can thiệp của chính phủ nhằm cải thiện tình hình và hỗ trợ người dân duy trì cuộc sống trước những thay đổi quá lớn của điều kiện tự nhiên.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nhằm kiểm soát mặn và giữ ngọt là một ví dụ điển hình. Cống Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đã tiêu tốn 3000 tỷ đồng được xem là một “siêu dự án” giúp cải thiện sinh kế cho đối tượng người dân trên diện tích 890.000 ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.
Đặc biệt dự án hướng đến cung cấp nước cho khu vực U Minh Thượng, U Minh Hạ và vùng Tây Quản Lộ - Phụng Hiệp trong mùa khô, giúp thoát nước nhằm giảm ngập úng trong mùa mưa có kết hợp với tuyến đê chống ngập lụt do nước biển dâng cao.
Dự án thủy lợi này được đánh giá là xuất hiện đúng lúc nhằm hỗ trợ người dân trước biển đổi khí hậu. Tuy nhiên, cách làm mang tính kỹ thuật và can thiệp cứng nhắc lại đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và người dân.
Việc xây cống và đê để hướng đến ngăn mặn, giữ ngọt vô tình ảnh hưởng đến đặc điểm đa dạng về sinh kế của người dân khi tạo ra một môi trường sống quá đồng nhất trên một diện tích ảnh hưởng rộng lớn.
Vấn đề này có thể gây ra sự phản kháng mạnh từ phía một nhóm người dân, thậm chí họ có thể phá đê để dẫn nước vào và trong mắt chính phủ đây là nhóm đang phá hoại công trình.
Hơn nữa, hiện tượng thời tiết cực đoan nếu được can thiệp thô bạo bằng các biện pháp kỹ thuật như trên thì chính con người cũng đang trở nên cực đoan và một lần nữa làm thay đổi bản chất của tự nhiên chứ không thuận thiên.
Hậu quả của sự can thiệp này có thể lại tiếp tục gây ra tác động tiêu cực tương tự như biến đổi khí hậu. Như vậy, dù lớn và kịp thời, các dự án hạ tầng của chính phủ lại chỉ mang tính tạm thời trong ngắn hạn và có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong trung và dài hạn.
Doanh nghiệp chủ yếu đối phó để có thể tiếp tục duy trì hoạt động
Doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi biến đổi khí hậu khá lớn. Theo kết quả khảo sát của Quỹ Châu Á và VCCI vào năm 2020, ba tác động lớn nhất mà biến đổi khí hậu gây ra cho các doanh nghiệp đó là làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; suy giảm doanh thu, năng suất lao động và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, khi được hỏi về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đa phần các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở hành động gia cố, sửa chữa, xây dựng lại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Các giải pháp dài hạn bền vững như thay đổi mô thức vận hành hay nghiên cứu ứng dụng công nghệ còn rất ít. Dường như các doanh nghiệp vẫn chưa đủ động lực để chuyển đổi và họ vẫn đang cố gắng đối phó với thiên nhiên nhằm duy trì hoạt động chứ chưa tìm ra được một giải pháp thích ứng tốt hơn.
Ở Việt Nam, số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 95% với các mô hình sản xuất giới hạn, nguồn lực về tài chính, công nghệ và con người không đủ lớn để tạo nên sức mạnh chuyển đổi. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến họ khó lòng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn có nhiều nguồn lực hơn lại chủ yếu giải quyết vấn đề trong phạm vi hoạt động và khuôn khổ không gian của chính mình nên các thách thức cũng chỉ tạm thời được hạn chế trong một giới hạn nhất định và hoàn toàn có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi các không gian khác có thể gây thêm ngoại tác tiêu cực.
Vai trò các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam còn khá hạn chế và chưa có nhiều động thái tác động đủ lớn đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.
Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp ở Đồng Bằng sông Cửu Long. Nguồn: Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2022
Phản ứng của khu vực dân sự khá bị động do chưa thể nhận diện đúng vấn đề
Người dân là đối tượng đông về số lượng, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nề trên diện rộng nhưng lại là nhóm ít hiểu đúng bản chất các hiện tượng và vấn đề trục trặc nên có cách hành xử khá bị động và tự phát.
Ở các thành phố lớn, hiện tượng ngập lụt, kẹt xe hay chất lượng sống giảm do ô nhiễm không khí, hàng hóa khan hiếm thường nhận được nhiều lời ta thán, trách móc nhưng chủ yếu là đổ lỗi lẫn nhau nhiều hơn là tìm ra một giải pháp chung vừa toàn diện, thấu đáo vừa phù hợp với bối cảnh và năng lực quốc gia.
Ở các vùng nông thôn, nơi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trực diện và nặng nề hơn, khi nguồn sinh kế không còn nữa, người dân có khuynh hướng di cư đến các thành phố lớn, đô thị công nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Việc di cư ồ ạt trong một giai đoạn ngắn gây quá tải đối với các hạ tầng xã hội. Hơn nữa, quy mô nền kinh tế ở những nơi đến trong nhất thời cũng khó lòng hấp thu hết được nguồn lao động mới dẫn đến các vấn đề trục trặc về kinh tế xã hội.
Gần đây, nguồn tài trợ từ các tổ chức xã hội đang có khuynh hướng chảy vào nhóm quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu bao gồm Việt Nam.
Tuy nhiên, do thông tin hạn chế, giải pháp cục bộ chưa có chiều sâu và chưa thể xem xét dưới góc nhìn của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như cách các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây tác động dây chuyền nên các chương trình khắc phục được tài trợ cũng chỉ có tác động trên một phạm vi nhỏ, chưa chỉ ra được các điểm nghẽn cốt lõi và cũng chưa đảm bảo tính bền vững nên vẫn mang đặc điểm đối phó nhiều hơn là thích ứng.
Trước khi tìm ra giải pháp chung phù hợp và hiệu quả, việc cần làm là xây dựng cơ chế phối hợp để cùng tìm hiểu góc nhìn từ các đối tượng, vùng miền, ngành nghề chuyên môn và tầm nhìn khác nhau cũng như khả năng đóng góp sáng kiến, giải pháp để giúp cả một cộng đồng lớn có thể thích ứng với biến đổi khí hậu mà không gây cản trở hay thiệt hại lẫn nhau.
Trong bối cảnh đầy thách thức và khẩn cấp, thông tin chính xác và đúng lúc sẽ giúp tất cả các bên liên quan có thể đưa ra quyết định và cách hành xử đúng đắn, có tính phối hợp cao và đảm bảo nhất quán để không gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhìn chung, vấn đề biến đổi khí hậu đang dần chín muồi và đây là lúc rất cần sự đoàn kết, đồng lòng chung tay cùng giải quyết từ tất cả các đối tượng trong cộng đồng cả nước.