02/09/2021 6:13 PM
Biến đổi khí hậu gây ra những rủi ro trực tiếp và theo thời gian, có thể đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bất ổn do thiệt hại tài sản, giá cả tăng cao và hiệu quả vận hành giảm sút.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại trên toàn cầu

Bang Florida của Mỹ, nổi tiếng thế giới với hàng loạt các khu nghỉ dưỡng ven biển và các công viên giải trí quy mô lớn. Tuy nhiên, vùng đất này đang đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng loạt bất động sản do các hiện tượng nước biển dâng cao, lũ lụt, và lũ lụt ngày nắng. Trên phạm vi toàn nước Mỹ, các thảm họa thiên nhiên, bao gồm lũ lụt, lở đất và cháy rừng, gây thiệt hại hơn 300 tỷ đô la cho ngành bất động sản trong năm 2017, phần lớn là với nhà ở và bất động sản thương mại.

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang phải hứng chịu trận bão Ida được coi là “mạnh nhất từ thế kỷ 19”. Cơn bão cấp 4 này cùng triều cường đang đe dọa phá hủy và làm hư hỏng gần 1 triệu ngôi nhà ở khu vực ven biển thuộc các bang Louisiana, Alabama và Mississippi với tổng chi phí tái thiết lên đến hơn 220 tỷ USD.

Theo công ty tư vấn CapRight, nhiệt độ toàn cầu cao hơn sẽ làm tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây rủi ro đáng kể cho bất động sản trong những năm tới. Các đợt nắng nóng mùa hè kéo dài hơn sẽ tăng công suất của các máy điều hòa không khí trong tòa nhà và làm tăng chi phí tiện ích, thời gian hạn hán kéo dài sẽ hạn chế nguồn nước cung cấp cho tòa nhà và làm tăng tỷ lệ cháy rừng.

Bên cạnh đó, các trận cuồng phong mạnh hơn và thường xuyên hơn sẽ đòi hỏi vật liệu xây dựng phải có khả năng phục hồi cao hơn. Trong số các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu, nước biển dâng được coi là “thảm họa” ảnh hưởng mạnh nhất và đe dọa trực tiếp đến ngành bất động sản, nhất là các bất động sản nghỉ dưỡng ven biển.

Tại Việt Nam, Hội An và Huế, những điểm đến du lịch hàng đầu, đã chứng kiến nhiều cơ sở du lịch và nghỉ dưỡng bị tàn phá do nước biển ăn sâu vào đất liền. Tại châu Âu, ước tính năm 2019 có khoảng 19% không gian bán lẻ và 16% không gian văn phòng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và/hoặc nước biển dâng.

Tại Singapore, quận tài chính trung tâm quanh Marina Bay Sand, nơi có hàng loạt cao ốc văn phòng sang trọng với tổng diện tích 1,9 triệu mét vuông ước tính trị giá hàng tỷ đô và là trụ sở của hàng loạt công ty đa quốc gia, đang đứng trước nguy cơ ngập úng khi mực nước biển dâng cao do sự nóng lên của toàn cầu. Theo chính phủ Singapore, họ có thể tiêu tốn 100 tỷ đô la Singapore (72 tỷ USD) hoặc mất hơn 100 năm để bảo vệ đảo quốc này khỏi mực nước biển dâng cao.

Hậu quả trước mắt và lâu dài

Theo Viện Đất Đai Đô Thị Mỹ, biến đổi khí hậu gây ra hai loại rủi ro chính cho ngành bất động sản, đó là rủi ro vật lý và rủi ro theo thời gian.

Rủi ro vật lý là những rủi ro trực tiếp gây ra bởi các sự kiện thảm họa cụ thể, kéo theo sự gia tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và cải tạo lại các công trình bị hư hỏng hoặc bị phá hủy nghiêm trọng; chi phí bảo hiểm tài sản tăng vọt; và thiệt hại về kinh doanh và kinh tế sau thảm họa.

Rủi ro theo thời gian diễn ra từ từ, khi biến đổi khí hậu làm giảm tốc độ tăng trưởng và khả năng tồn tại của thị trường bất động sản cũng như giá trị bất động sản. Các chính sách và quy định công nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu có thể làm tăng chi phí đầu tư và sở hữu, bao gồm thuế, bảo hiểm, việc tuân thủ các quy định, và các chi phí cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, phí bảo hiểm tài sản tăng vọt do sự không chắc chắn trước các sự kiện thời tiết bất thường, sẽ đẩy giá bất động sản lên cao. Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên thiết yếu cho bất động sản, chẳng hạn như năng lượng và nước, có thể ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ, cũng ảnh hưởng đến định giá của thị trường.

Giải pháp từ các bên liên quan

Thách thức hiện tại với ngành bất động sản là tìm ra cách đo lường và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu trong tương lai mà ảnh hưởng đến tính bền vững và khả năng phục hồi của bất động sản sản, cũng như giá trị tài sản, khả năng tăng vốn, doanh thu và tính thanh khoản.

Các chuyên gia trong ngành bất động sản đã bắt đầu giải quyết vấn đề này bằng cách lập bản đồ phân tích các rủi ro vật lý cụ thể liên quan đến bất động sản mà họ sở hữu. Họ cũng lập bản đồ kết hợp dữ liệu lịch sử và hiện tại, dữ liệu cụ thể về địa điểm với mô hình địa vật lý, khí tượng và kinh tế dự báo. Ngay cả rủi ro động đất cũng có thể được đưa vào tính toán.

Họ cũng đang xây dựng chiến lược phát triển bất động sản dựa trên việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, để biến mỗi tòa nhà trở thành một “chiếc máy” tự sản xuất năng lượng tiêu thụ, có thể tái sử dụng vật liệu đã qua sử dụng từ các công trình, hỗ trợ đa dạng sinh học và tiên phong về chuyển đổi khí hậu bằng cách tăng cường các mảng xanh trong công trình và giáo dục khách hàng bảo vệ môi trường.

Các nhà phát triển bất động sản đồng thời đang nỗ lực sử dụng nhiều vật liệu bền vững hơn với môi trường, nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn và ít nhiên liệu hóa thạch hơn, do đó giảm phát thải khí nhà kính góp phần gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Họ cũng áp dụng các thành tựu công nghệ trong quá trình xây dựng để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Nhiều chính phủ đã thông qua các quy tắc và hướng dẫn xây dựng theo hướng bền vững để phát triển các bất động sản không phát thải carbon và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Tất cả các nước châu Âu hiện đang quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn xây dựng. Năm 2021, Pháp sẽ áp đặt các quy định khắt khe hơn với lĩnh vực bất động sản, bao gồm chiến lược carbon thấp, tích hợp nền kinh tế vòng tròn, tôn trọng đa dạng sinh học, và yêu cầu giảm hoặc chấm dứt phát triển không gian tự nhiên trong các khu vực đô thị.

Ở nhiều khu vực của Mỹ, bao gồm cả khu vực Washington, không được phép xây dựng trong các vùng đồng bằng dễ ngập lụt hoặc vùng đất ngập nước để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đồng thời giúp kiểm soát lũ lụt.

Nhìn về bức tranh rộng lớn và dài hạn hơn khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, các chuyên gia cho rằng những giải pháp chống biến đổi khí hậu trong ngành bất động sản cần được thực hiện quyết liệt hơn. Đồng thời, các giải pháp này chỉ thực sự hiệu quả và bền vững khi ngành bất động sản có sự hợp tác chặt chẽ mọi lĩnh vực kinh tế và các cơ quan chính phủ trong một tầm nhìn chung về môi trường.

Lam Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.