Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng thiệt hại vật chất cho nhà ở, tạo ra các thách thức trong việc xác định giá nhà, chi phí nguyên vật liệu và rủi ro phát sinh khi xây dựng tại các vùng đất chịu ảnh hưởng.

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/31/nga-p-nguye-n-tra-i-9228-1653969400.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HktCfJg7AkgIpG3fAV-2KA

83% người mua nhà tại Mỹ cân nhắc các rủi ro từ biến đổi khí hậu

Theo cuộc khảo sát mới nhất của công ty bất động sản Zillow thực hiện từ tháng 04 đến tháng 07/2023, hơn 4/5 người mua nhà ở Mỹ đang xem xét rủi ro khí hậu trước khi mua một ngôi nhà mới.

Cụ thể, khoảng 83% trong số 12.000 người được hỏi cho biết họ đã cân nhắc về ít nhất một rủi ro khí hậu như lũ lụt, nhiệt độ khắc nghiệt, cháy rừng, bão hoặc hạn hán trong kế hoạch mua nhà của mình. Đặc biệt, những người mua trẻ tuổi “muốn biết liệu ngôi nhà của họ có an toàn trước nước biển dâng, nhiệt độ khắc nghiệt và cháy rừng hay không”.

Hậu quả trước mắt và lâu dài

Theo Viện Đất Đai Đô Thị Mỹ, biến đổi khí hậu gây ra hai loại rủi ro chính cho ngành bất động sản, đó là rủi ro vật lý và rủi ro theo thời gian.

Rủi ro vật lý là những rủi ro trực tiếp gây ra bởi các sự kiện thảm họa cụ thể, kéo theo sự gia tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và cải tạo lại các công trình bị hư hỏng hoặc bị phá hủy nghiêm trọng; chi phí bảo hiểm tài sản tăng vọt; và thiệt hại về kinh doanh và kinh tế sau thảm họa.

Rủi ro theo thời gian diễn ra từ từ, khi biến đổi khí hậu làm giảm tốc độ tăng trưởng và khả năng tồn tại của thị trường bất động sản cũng như giá trị bất động sản. Các chính sách và quy định công nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu có thể làm tăng chi phí đầu tư và sở hữu, bao gồm thuế, bảo hiểm, việc tuân thủ các quy định, và các chi phí cơ sở hạ tầng.

Gia tăng chi phí sửa chữa và bảo hiểm

Những đợt nắng nóng kéo dài làm tăng nguy cơ cháy rừng, hạn hán nhiều hơn gây hư hại nền móng nhà, trong khi mưa lớn và mực nước biển dâng cao gây ra lũ lụt cuốn trôi các căn nhà.

Theo công ty tư vấn CapRight, nhiệt độ toàn cầu cao hơn sẽ làm tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây rủi ro đáng kể cho bất động sản trong những năm tới. Các đợt nắng nóng mùa hè kéo dài hơn sẽ tăng công suất của các máy điều hòa không khí trong tòa nhà và làm tăng chi phí tiện ích, thời gian hạn hán kéo dài sẽ hạn chế nguồn nước cung cấp cho tòa nhà và làm tăng tỷ lệ cháy rừng.

Bên cạnh đó, các trận cuồng phong mạnh hơn và thường xuyên hơn sẽ đòi hỏi vật liệu xây dựng phải có khả năng phục hồi cao hơn. Trong số các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu, nước biển dâng được coi là “thảm họa” ảnh hưởng mạnh nhất và đe dọa trực tiếp đến ngành bất động sản, nhất là các bất động sản nghỉ dưỡng ven biển.

Việc sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ làm tăng chi phí sở hữu nhà. Hệ quả là, chủ nhà sẽ phải chi nhiều tiền hơn để bảo vệ căn nhà của mình. Không chỉ vậy, chủ nhà tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu sẽ khó có thể bán được nhà với giá cao.

Mặt khác, các công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng sẽ tính toán chi phí dự kiến cho các thiệt hại có thể phát sinh đối với căn nhà do biến đổi khí hậu, kéo theo áp lực giảm giá trị thị trường của căn nhà.

Giảm nhu cầu và giá trị đối với các căn nhà kém bền vững

Nhận thức ngày càng tăng về tác động xã hội tiêu cực của biến đổi khí hậu làm tăng nỗ lực của chính phủ và thị trường nhằm chống lại biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực của nó. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu đối với những ngôi nhà kém bền vững và kéo giá của những căn nhà này đi xuống theo ba cách sau.

Đầu tiên là các chính sách khí hậu. Ví dụ, bắt đầu từ năm 2030, các tập đoàn nhà ở và chủ nhà tư nhân ở Hà Lan sẽ không còn được phép cho thuê những ngôi nhà có nhãn năng lượng E, F và G. Điều này sẽ đòi hỏi họ phải đầu tư thêm vào những ngôi nhà này để tuân thủ các quy định và giảm giá cho thuê đối với những căn nhà kém bền vững.

Thứ hai, theo thời gian, những người tham gia vào thị trường nhà ở sẽ ngày càng ủng hộ những căn nhà được xây dựng một cách bền vững, mà chắc chắn sẽ giúp họ giảm thiểu các chi phí sửa chữa và vận hành.

Thứ ba, các công nghệ mới sẽ khiến tính bền vững trở nên hấp dẫn và phổ biến hơn. Hệ quả là, những ngôi nhà kém thân thiện với môi trường sẽ bị giảm định giá. Ở nhiều quốc gia như Hà Lan, hiệu quả sử dụng năng lượng của các ngôi nhà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán.

  • Nhà chọc trời đang nhấn chìm nhiều thành phố

    Nhà chọc trời đang nhấn chìm nhiều thành phố

    Nghiên cứu của Tom Parsons, một nhà địa chấn học động đất tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, cho thấy các thành phố trên khắp thế giới đều đang chìm dần dưới sức nặng của sự phát triển đô thị - đồng thời với mực nước biển đang dâng cao.

  • Biến đổi khí hậu: “Đại dịch” với ngành bất động sản

    Biến đổi khí hậu: “Đại dịch” với ngành bất động sản

    Biến đổi khí hậu gây ra những rủi ro trực tiếp và theo thời gian, có thể đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bất ổn do thiệt hại tài sản, giá cả tăng cao và hiệu quả vận hành giảm sút.

Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.