Nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp tự lo tổ chức đại hội cổ đông từ đầu tới cuối thay vì thuê ngoài như các năm trước. Địa điểm tổ chức cũng đặt ngay tại trụ sở chính.

Năm nay, Tổng công ty Khí Việt Nam (mã CK: GAS) tiếp tục chọn tổ chức đại hội tại chính tòa nhà PV Gas, TP HCM. Chí phí tổ chức giảm 10% so với năm ngoái, chi phí in tài liệu chỉ khoảng 5 triệu đồng.

"Năm ngoái công ty còn mời ca sĩ đến biểu diễn, nhưng năm nay văn nghệ chủ yếu là cây nhà lá vườn do anh em nhân viên nội bộ đóng góp nhằm tiết kiệm chi phí", đại diện Công ty Khí Việt Nam chia sẻ. Ngoài ra, thay vì thuê PG đón tiếp như các lần trước, doanh nghiệp cũng sử dụng người nhà để phục vụ chương trình đại hội.

Nhiều doanh nghiệp tận dụng hội trường công ty để tiết kiệm chi phí thuê địa điểm trong mùa cổ đông 2013. Ảnh: Hồng Châu

Cũng theo xu thế tổ chức tại gia từ nhiều năm nay, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã CK: REE) tiết kiệm tới 1.000 USD mỗi mùa đại hội cổ đông. Đại diện công ty cho biết chi phí in ấn tài liệu và gửi thư năm nay đã giảm khoảng 20% so với 2012. Lễ tân phục vụ chủ yếu là nhân viên, lợi thế lớn là không phải thuê hội trường nên chi phí tiết kiệm khá nhiều.

Mất nhiều công sức để tổ chức, nhưng nếu không may số cổ đông lớn không thông qua kế hoạch thì doanh nghiệp vẫn phải tiến hành đại hội lại lần nữa. Trong đó, chỉ tính riêng chi phí in tài liệu đã mất 25 triệu đồng, cộng thêm 70 triệu đồng tiền ăn uống cho khách, chưa kể tốn công sức và thời gian của nhân viên. Vì vậy tự làm để tiết kiệm là thượng sách.

Năm qua, kết quả kinh doanh của Cơ điện lạnh tương đối khả quan khi lợi nhuận sau thuế trên 656 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2011, tỷ lệ cổ tức là 16%. Tuy vậy, cũng giống như Tổng công ty Khí, nơi lãi sau thuế đạt hơn 9.000 tỷ đồng, lãnh đạo công ty này cũng không có ý định "phóng tay" cho đại hội cổ đông.

Tại Hà Nội, công ty bảo hiểm trực thuộc một ngân hàng quốc doanh cũng tận dụng hội trường của tòa nhà để miễn phí tiền thuê địa điểm. Đại diện công ty cho hay ngân sách tổ chức cổ đông năm nay chỉ dao động vài chục triệu đồng nhưng vẫn bảo đảm trang trọng, lịch sự. "Tổ chức quá linh đình ở các khách sạn lớn chưa chắc làm cổ đông hài lòng vì cuối cùng chi phí tổ chức cũng lấy ra từ tiền vốn của họ", đại diện công ty nói.

Đối với những doanh nghiệp dự kiến đại hội cổ đông trước khi giải thể hoặc kinh doanh thua lỗ nhiều năm, yếu tố tiết kiệm càng được coi trọng hàng đầu. Công ty cổ phần Chứng khoán Âu Việt (Mã CK: AVS) tổ chức đại hội với ngân sách chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng.

Số cổ đông lớn chủ yếu là nội bộ nên khách tham dự tại Âu Việt chưa tới 40 người. Phần in ấn tài liệu cũng cắt giảm tối đa, chỉ in những thông tin quan trọng. Tiệc ngọt phục vụ cổ đông giờ nghỉ giải lao cũng không còn linh đình như những năm trước, công ty cũng chính thức giải thể sau đại hội.

Năm 2012, doanh thu môi giới của Chứng khoán Âu Việt đạt 2,69 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với năm ngoái. Doanh thu thuần từ 41,1 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 34,1 tỷ. Kết quả, công ty lỗ 10,56 tỷ đồng và vẫn còn lỗ lũy kế hơn 151 tỷ đồng.

Không phải đơn vị nào cũng cho rằng tằn tiện chi tiêu là cách tốt. Những doanh nghiệp này cho rằng đại hội cổ đông là dịp cả năm chỉ có một lần, do vậy dù có tiết kiệm đến mấy cũng phải tổ chức đến nơi đến chốn. Với quan điểm này, Công ty Chứng khoán SBS dành hẳn 120 triệu đồng để lo chương trình. Bà Hồ Trúc Lam, đại diện công ty cho biết chi phí tốn kém nhất chính là thuê địa điểm và gửi thư báo cổ đông.

"Phần lớn thư gửi cổ đông đều là dạng bảo đảm và đi các tỉnh, thậm chí ra nước ngoài, mỗi lần gửi như vậy chi phí rất tốn kém. Năm nay chúng tôi phải chi gần 70 triệu đồng chỉ để gửi thư đảm bảo", bà Lam bày tỏ. Tuy vậy, bà Lam cũng cho rằng, điều cổ đông quan tâm nhất khi đến với đại hội là nội dung buổi họp chứ chưa hẳn là sự linh đình, phô trương tốn kém.

Năm 2011, Chứng khoán SBS lỗ tới 1.649 tỷ đồng và tiếp tục âm 126 tỷ đồng vào năm 2012. Trong khi đó, chỉ mới vài năm trước (2010), doanh nghiệp vẫn lãi 101 tỷ đồng và đứng ở "chiếu trên" cùng những công ty chứng khoán có thị phần cao trên sàn.

Theo nhiều doanh nghiệp đã và sắp tổ chức đại hội cổ đông, 2012 vẫn là năm khó khăn về kinh tế, lợi nhuận hầu hết suy giảm, do vậy cũng không cần thiết phải tiến hành quá hoành tráng. "Điều quan trọng vẫn là cổ đông được gì, lãi công ty năm qua ra sao và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tới thế nào", lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tại TP HCM thẳng thắn. Vị này cũng dự báo xu hướng tiết kiệm còn có thể tiếp diễn trong thời gian tới.

Tường Vi - Hồng Châu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Trào lưu đại hội cổ đông tiết kiệm

    Trào lưu đại hội cổ đông tiết kiệm

    22/04/2013 7:46 AM

    Nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp tự lo tổ chức đại hội cổ đông từ đầu tới cuối thay vì thuê ngoài như các năm trước. Địa điểm tổ chức cũng đặt ngay tại trụ sở chính.

  • Ông Trương Gia Bình tiếp tục là Tổng giám đốc FPT

    Ông Trương Gia Bình tiếp tục là Tổng giám đốc FPT

    06/04/2013 11:03 PM

    Chủ tịch FPT cho biết có thể tìm được nhân sự thay thế ở vị Tổng giám đốc trước tháng 6 nhưng cổ đông nhất trí để ông tiếp tục giữ cương vị này, do lo ngại tập đoàn tiếp tục có biến động về nhân sự cấp cao.

  • Cổ đông Hòa Phát nóng ruột khoản 'nợ' 264 tỷ của bầu Kiên

    Cổ đông Hòa Phát nóng ruột khoản 'nợ' 264 tỷ của bầu Kiên

    29/03/2013 10:11 PM

    Theo lãnh đạo Hòa Phát, số cổ phiếu trị giá 264 tỷ đồng, tương ứng 15% vốn điều lệ Thép Hòa Phát đang được gia đình ông Kiên tìm cách xử lý, dự kiến bồi hoàn xong trong tháng 4 hoặc tháng 5 sắp tới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.