Nếu các cuộc điện đàm tuần này diễn ra tích cực, Bộ trưởng Tài chính và Đại diện Thương mại Mỹ sẽ đến Bắc Kinh đàm phán thương mại.

"Chúng tôi mong chờ cuộc điện đàm cấp bộ trưởng tuần này và hai bên thực hiện được sự tiến triển đáng kể. Sau đó, chúng tôi có thể đến Trung Quốc", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với các phóng viên tại Nhà Trắng trong một cuộc họp hôm qua (15/7).

Các cuộc điện đàm tuần này sẽ là lần thứ hai quan chức Mỹ - Trung đàm phán từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình thống nhất đình chiến thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hồi cuối tháng 6. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ tại cuộc họp báo hôm 15/7. Ảnh: Bloomberg

Hôm qua, ông Trump đã đăng lên mạng xã hội rằng: "Thuế quan Mỹ đang tác động lớn đến những doanh nghiệp muốn rời Trung Quốc đến các nước không phải chịu thuế. Đây là lý do Trung Quốc muốn thực hiện một thỏa thuận". Đây có thể là ngụ ý của Trump – đòn thuế Mỹ đã phát huy tác dụng như mong muốn khi siết chặt nền kinh tế Trung Quốc. Thông điệp của Tổng thống Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh công bố mức tăng trưởng GDP thấp nhất gần 30 năm.

Tuần trước, Trump đã phàn nàn việc Trung Quốc không thực hiện lời hứa tăng mua nông sản Mỹ của ông Tập tại G20. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết, đang cân nhắc mua thêm đậu nành, ngô và thịt lợn của Mỹ như một tín hiệu của sự hợp tác. Tuy nhiên, tổng khối lượng mua sẽ việc phụ thuộc vào tiến trình của các cuộc đàm phán thương mại.

Washington hiện vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Cố vấn kinh tế Larry Kudlow của Trump nói với báo giới hôm qua rằng, việc này là bước đi cần thiết để đàm phán thương mại giữa hai nước đi lên. "Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sớm công bố mua nông sản và dịch vụ của Mỹ với quy mô lớn", Kudlow cho hay.

Tú Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.