Trải qua bao thăng trầm, sóng gió, ông Cao Tiến Vị vẫn yêu và quyết tâm gắn bó với nghiệp làm giấy, dù biết rằng so với nhiều lĩnh vực siêu lợi nhuận khác, nghề giấy của ông kém hấp dẫn hơn nhiều.

Năm 2015 ông Vị bước vào tuổi 50, Giấy Sài Gòn bước sang tuổi 18. Gần 20 năm gắn bó, gây dựng doanh nghiệp, mặc dù Giấy Sài Gòn đã và đang ngày càng lớn mạnh, thể hiện trên nhiều phương diện song ông Vị vẫn còn không ít trăn trở…

Mục tiêu 4 năm tăng doanh thu gấp 4 lần

Tham vọng của ông Vị không phải là không có cơ sở khi doanh nghiệp của ông đã chiếm một thị phần áp đảo là 20% tại thị trường giấy trong nước, với mạng lưới phân phối trải rộng khắp từ Bắc chí Nam. Tháng 9/2014, Giấy Sài Gòn đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy giấy thứ 2 - Nhà máy Mỹ Xuân 2. Việc nhà máy với vốn đầu tư 120 triệu USD này đi vào vận hành đã nâng công suất giấy tiêu dùng của công ty tăng gấp 3 lần, từ 15.600 tấn/năm lên 43.680 tấn/năm; công suất giấy công nghiệp tăng hơn 4 lần, từ 53.040 tấn/năm lên 224.640 tấn/năm. Đồng thời, tài sản của doanh nghiệp cũng tăng mạnh trong vòng 5 năm qua, từ 1.365 tỷ đồng năm 2009 lên 3.220 tỷ năm 2014, tạo nền tảng vững chắc cho các kế hoạch phát triền kinh doanh của công ty sau này.

Kết thúc năm 2014, doanh thu Giấy Sài Gòn đạt 1.220 tỷ đồng. Ông Vị đặt kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên 3.800 tỷ đồng và đến 2018 sẽ tăng lên 4.500 tỷ, tức là trong vòng 4 năm sẽ tăng doanh thu lên gấp 4 lần. Đây quả là một con số thách thức đối với bất kỳ doanh nghiệp sản xuất nào, nhưng khi đặt ra kế hoạch kinh doanh táo bạo như vậy, ông Vị có lý riêng của mình. Theo ông, trong những năm tới, thị trường giấy trong nước vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển.

Hiện tiêu thụ giấy tiêu dùng bình quân đầu người hàng năm tại Việt Nam chỉ dưới 1 kg, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (mức bình quân thế giới hiện tại là 4,2 kg, dự kiến tăng lên 5,4 kg năm 2018 và 10 kg năm 2030), mở ra tiềm năng tăng trưởng to lớn trong tương lai dài. Dự kiến giai đoạn 2013-2017, thị trường Việt Nam tăng trưởng 12% mỗi năm, tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa. Xét về doanh thu thì riêng năm 2014, toàn thị trường giấy tiêu dùng đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cả nước hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất giấy tiêu dùng, song 96% số đó là các doanh nghiệp có công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Kể từ năm 2015, khi việc giao thương buôn bán với thị trường nước ngoài ngày càng thuận lợi, đồng thời nhận thức của người dân về các vấn đề an toàn vệ sinh ngày càng cao thì cơ hội cho các nhà sản xuất nhỏ càng bị thu hẹp. Lợi thế quy mô sẽ giúp các doanh nghiệp tốp đầu như Giấy Sài Gòn có thêm cơ hội tăng trưởng. Đó là cơ sở để Giấy Sài Gòn đặt mục tiêu tăng tỷ trọng xuất khẩu từ 15% năm 2014 lên 30% trong năm 2015.

Ở mặt hàng giấy bao bì, nhu cầu tại Việt Nam tăng trưởng ở mức trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2005-2012. Tăng trưởng của ngành bao bì carton và giấy bao bì dự kiến cũng tăng tỷ lệ thuận với tăng trưởng xuất khẩu những năm tới.

Mặc dù vậy, ông Vị cho rằng, đến khoảng năm 2020 thị trường sẽ phát triển chậm lại. “Khi đó, chúng tôi sẽ không phát triển theo hướng tăng sản lượng mà tìm cách gia tăng giá trị với nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú hơn”, ông Vị chia sẻ.

Rộng cửa tìm đối tác chiến lược

Để đi được tới giai đoạn ổn định như hiện tại, ông Vị đã cùng với doanh nghiệp của mình vượt qua bao lần sóng gió. Gần đây nhất có lẽ là vào tháng 8/2013, khi Daio Paper Corporation của Nhật thoái vốn hoàn toàn khỏi Giấy Sài Gòn sau hơn 2 năm đồng hành. Ở thời điểm đó, nhà máy giấy thứ 2 của công ty ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang trong giai đoạn xây dựng dở dang và rất cần vốn. May mắn, Giấy Sài Gòn vẫn có đối tác khác đồng hành. Ông Mai Hữu Tín, bạn thân của ông Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Mai &Co (nắm 42,3% cổ phần Giấy Sài Gòn) đã trở thành Chủ tịch HĐQT Giấy Sài Gòn, còn ông Vị làm Tổng giám đốc điều hành. “Trong bối cảnh hiện tại, Giấy Sài Gòn vẫn cần một người hiểu ngành nghề trực tiếp điều hành để phát triển tốt hơn”, ông Vị giải thích và cho rằng, mình và Giấy Sài Gòn may mắn khi nhanh chóng tìm được “người cùng thuyền" mới.

Với lợi thế quy mô, giấy Sài Gòn đặt mục tiêu tăng tỷ trọng xuất khẩu từ 15% năm 2014 lên 30% trong năm 2015

Vốn là bạn thâm giao, việc phân chia quản lý, điều hành doanh nghiệp giữa ông Vị và ông Tín cũng dễ dàng xuôi chèo mát mái. “Dù là bạn, chúng tôi vẫn có những nguyên tắc quản trị, cứ thống nhất theo đó mà làm. Hơn 1 năm qua làm việc chung, giữa tôi và anh Tín chưa xảy ra vấn đề gì. Hai anh em cũng xác định đồng hành lâu dài nên tôn trọng các quyết định và ý kiến của nhau”, ông Vị nói.

Tuy nhiên, để Giấy Sài Gòn có thể đi xa hơn ông Vị cho biết, công ty vẫn rộng cửa tìm đối tác chiến lược. Đối tác, theo ông Vị, phải là người cùng ngành nghề, cùng mục tiêu xây dựng và phát triển doanh nghiệp, là người bạn đồng hành cùng Giấy Sài Gòn chinh phục những mục tiêu mới. Để đảm bảo những tiêu chí trên, ông Vị chủ trương tìm các đối tác ở khu vực châu Á, nơi có sự tương đồng văn hóa và khoảng cách địa lý không quá xa để thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi.

Vẫn trung thành với giấy

Tốt nghiệp khoa Kinh tế - kế hoạch, Đại học Kinh tế TP.HCM năm 1992, ông Vị có một thời gian làm nhà nước. Nhưng vốn có máu kinh doanh, năm 1997, ở độ tuổi 32, ông quyết định nghỉ việc ra lập doanh nghiệp riêng. Ngành nghề được ông Vị chọn là làm giấy, vốn còn khá xa lạ với rất nhiều doanh nghiệp trong nước khi đó. Thời điểm ấy, Giấy Sài Gòn là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất cả 2 loại giấy là giấy công nghiệp và giấy sinh hoạt (tissue). Khi đó, các nhà máy giấy trong nước chủ yếu sản xuất từ nguyên liệu bột giấy, nghĩa là sẽ phải tàn phá rừng, nên ông Vị quyết đi theo con đường khác: sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu đầu vào. Đây cũng là lý do mà Daio được chọn làm đối tác chiến lược để đi đường dài với Giấy Sài Gòn khi công ty quyết định gọi vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.

Để lập nghiệp riêng, ông Vị chọn Gò Vấp làm căn cứ đầu tiên. Khi đó, đất ở đây được quy hoạch là đất khu công nghiệp và dân cư. Công việc kinh doanh diễn ra khá thuận lợi cho tới năm 1999, khi Toyo, một doanh nghiệp chuyên sản xuất giấy hùng mạnh tại Nhật Bản đầu tư 30 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Trước quy mô bề thế và sự chuyên nghiệp của đối thủ, ông Vị đã từng nghĩ rất có thể phải bỏ cuộc vì trước sau cũng sẽ bị đối thủ này “nuốt chửng”. Mối lo chưa dứt thì khu đất sản xuất lại bị quy hoạch thành khu dân cư, ông Vị bắt buộc phải dời nhà xưởng tới khu đất mới.

"Trong bối cảnh hiện tại, Giấy Sài Gòn vẫn cần một người hiểu ngành nghề trực tiếp điều hành để công ty phát triển tốt hơn"

Mảnh đất tiếp theo được ông Vị lựa chọn gây dựng lại cơ đồ là Khu Công nghiệp Mỹ Xuân ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đầu những năm 2003, khi Giấy Sài Gòn chuyển đổi sang mô hình cổ phần, ông bắt đầu nghĩ đến chuyện biến mô hình quản trị gia đình thành kiểu quản lý chuyên nghiệp thường thấy ở nhiều tập đoàn đa quốc gia. Để chuẩn bị cho việc này, ông đã tiến hành chuẩn hóa hệ thống phân phối trên toàn quốc và xây dựng Nhà máy Mỹ Xuân 1 vào năm 2005, đồng thời mời nhiều nhân sự cốt cán về làm việc.

Khi nhu cầu đối với các sản phẩm giấy không ngừng gia tăng, năm 2007, Giấy Sài Gòn đầu tư xây thêm Nhà máy Mỹ Xuân 2. Đó cũng là lúc nhu cầu về vốn đầu tư tăng mạnh và ông Vị xác định tìm đối tác chiến lược để có thể cùng Giấy Sài Gòn đi đường dài. Daio Paper Coporation, doanh nghiệp giấy lớn thứ 3 của Nhật Bản được thành lập từ năm 1943 đã tham gia đầu tư vào Giấy Sài Gòn khi nhà máy mới bước vào năm thứ 4 xây dựng. Thế nhưng, rắc rối trong nội bộ của Daio đã khiến mọi kế hoạch của ông Vị bị trì hoãn suốt 2 năm. Cho tới khi công ty Mai & Co, một nhà đầu tư tài chính đa ngành bước vào thay thế Daio vào năm thứ 6 xây dựng nhà máy, mọi việc mới trở lại guồng quay ổn định. Ông Vị quyết định quay trở lại điều hành công ty sau nhiều lần trao quyền bất thành và sau bao biến cố.

Để có được thành quả như hiện tại, tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ: thời gian, cơ hội và quyền lợi, nhưng với tôi, đó thực sự là những trải nghiệm thú vị. Tôi nghĩ rằng, đến thời điểm này, Giấy Sài Gòn đang phát triển ổn định và điều đó hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực của tôi và tập thể nhân viên”, ông Vị đúc kết.

Có lẽ vẫn còn phải chờ thêm thời gian để Giấy Sài Gòn “thử lửa”. Dù vậy, người đàn ông này vẫn tin điều hành và phát triển doanh nghiệp không phải là cuộc chơi một sớm một chiều. Lỡ gắn với nghiệp làm giấy là phải làm đến cùng. Ông vẫn luôn hy vọng con đường phía trước sẽ có thêm người đồng hành, chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng những thành quả xứng đáng từ công sức của mình.

Lê Dung (Doanh Nhân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Lăn lộn cùng giấy

    Lăn lộn cùng giấy

    16/02/2015 9:44 PM

    Trải qua bao thăng trầm, sóng gió, ông Cao Tiến Vị vẫn yêu và quyết tâm gắn bó với nghiệp làm giấy, dù biết rằng so với nhiều lĩnh vực siêu lợi nhuận khác, nghề giấy của ông kém hấp dẫn hơn nhiều.

  • Ông Cao Tiến Vị: "Nghiệp điều hành" chưa dứt

    Ông Cao Tiến Vị: "Nghiệp điều hành" chưa dứt

    22/01/2015 1:23 PM

    Tự nhận mình thuộc mẫu người nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội nhưng gần hai mươi năm qua, Công ty Giấy Sài Gòn do ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc, sáng lập đã trải qua không ít thăng trầm.

  • Giấy Sài Gòn: Đường xa không thể độc hành

    Giấy Sài Gòn: Đường xa không thể độc hành

    16/09/2013 9:23 AM

    Là nhà sáng lập Giấy Sài gòn, ông Cao Tiến Vị không khỏi bồi hồi trước những thay đổi lớn trong công ty. Nhưng ông xác định chỉ có M&A mới có thể giúp Giấy Sài Gòn phát triển.

  • Nhân duyên mới của Giấy Sài Gòn

    Nhân duyên mới của Giấy Sài Gòn

    10/09/2013 9:21 PM

    Cuộc hôn nhân từng được kỳ vọng giữa SGP và Daio Paper đã kết thúc êm ả với sự xuất hiện đúng lúc của một cổ đông mới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.