Ngày 26/3/2013, ông Antreas Artemis, 59 tuổi, Chủ tịch Bank of Cyprus, ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất của Cộng hòa Síp (Cyprus) đã chính thức tuyên bố từ chức.

Antreas Artemis

Cùng với ông, 4 thành viên Ban giám đốc của Bank of Cyprus cũng đồng loạt đệ đơn xin từ chức.

Trong hơn 10 ngày qua, toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại của quốc đảo này đã bị tê liệt, tạm ngừng hoạt động để trông chờ vào gói cứu trợ của bộ ba nhà tài trợ, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngày 25/3, Chính phủ Cyprus và bộ ba trên đã đạt được thoả thuận về gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro (12,78 tỷ USD). Gói cứu trợ này giúp cho hệ thống ngân hàng thương mại Cyprus không bị sụp đổ vì cạn tiền mặt, song nhiều điều kiện đi kèm cũng rất ngặt nghèo buộc Chính phủ Cyprus và các ngân hàng phải tuân theo.

Ngày 28/3, các ngân hàng thương mại Cyprus đã mở cửa trở lại, sau khi tiền mặt đã được vận chuyển trực tiếp từ Frankfurt (Đức) sang cho Cyprus.

Quy định ngặt nghèo ở tầm vĩ mô là, để được tiếp nhận 10 tỷ euro, Chính phủ Cyprus phải thu được 5,8 tỷ euro từ việc đánh thuế các khoản tiền gửi ngân hàng có giá trị trên 100.000 euro.

Trước mắt, Chính phủ Cyprus đã áp dụng nhiều quy định chặt chẽ ở tầm vi mô, như mỗi người chỉ được rút tiền từ ngân hàng (qua máy ATM, điểm giao dịch) tối đa 300 euro/ngày; mỗi người rời khỏi Cyprus chỉ được mang tối đa 3.000 euro; cấm toàn bộ các giao dịch chuyển séc ra tiền mặt… Ngân hàng Trung ương Cyprus sẽ duyệt tất cả các giao dịch có giá trị từ 5.000 euro đến 200.000 euro.

Hơn nữa, Cyprus Popular Bank (còn gọi là Laiki Bank), ngân hàng thương mại lớn thứ 2 của Cyprus bị buộc phải phá sản. Tất cả các khoản tiền gửi tốt (có giá trị dưới 100.000 euro) của Laiki Bank được chuyển về cho Bank of Cyprus quản lý; các khoản tiền gửi bị coi là “có vấn đề”, từ 100.000 euro trở lên sẽ bị “đóng băng”, nằm bất động một chỗ, chờ thống nhất cách xử lý. Nhẹ nhất là các chủ nhân được lấy lại tiền sau khi phải chịu một khoản thuế (có thể lên tới 40%).

Theo nhiều nguồn tin, các nhà đầu tư Nga đang gửi tiền, với số lượng khoảng 30 tỷ euro tại các ngân hàng thương mại Cyprus. Trong số này, không ít trường hợp được coi là có dấu hiệu rửa tiền.

Nhiều năm qua, các ngân hàng thương mại Cyprus đã sử dụng tiền gửi của các nhà đầu tư Nga để mua lại trái phiếu Hy Lạp. Khi trái phiếu Hy Lạp mất giá, các ngân hàng Cyprus đã bị mất khối tiền.

Không ít ý kiến cho rằng, nhiều nhà đầu tư Nga đã hưởng lợi mức thuế thấp từ nhiều năm qua, thì nay cũng phải chấp nhận đóng góp phần nào khi Cyprus gặp khó khăn.

Tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev là một trong số những cổ đông của Bank of Cyprus đã ví gói giải cứu trên như một tối hậu thư với những cổ đông của ngân hàng: “Hoặc là ông phải tự tử hoặc là chúng tôi buộc phải giết ông”.

Ông Antreas Artemis đã đưa ra quyết định từ chức ngay sau cuộc gặp với ông Panicos Demetriades, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cyprus và Bộ trưởng Tài chính Michael Sarris.

Ông Andreas Artemis cho biết, lý do từ chức là vì ông quá lo ngại về các điều khoản trong bản thỏa thuận cứu trợ mà Chính phủ Cyprus đã ký với các chủ nợ, cũng như không chịu nổi áp lực vượt quá sức chịu đựng của ông trong thời gian qua.

Cho dù lãnh đạo Bank of Cyprus thuyết phục ông ở lại, song vị thuyền trưởng của con tàu đang tròng trành quyết ra đi, bỏ chức vụ cùng bổng lộc để tự cứu... thân mình.

Theo nhiều nhà phân tích, thực ra, tình hình xấu nhất với Bank of Cyprus đã qua, song ông Andreas Artemis lấy lý do thiếu kinh nghiệm điều hành ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng để từ chức cho bằng được.

Xét cho cùng, ông Antreas Artemis cũng có lý và phần nào dễ nhận được sự thông cảm của nhiều người trong cuộc.

Thứ nhất, ông mới ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Bank of Cyprus được gần 7 tháng (từ ngày 29/8/2012).

Thứ hai, ông không được đào tạo chính quy về ngân hàng, nên quản lý ngân hàng trong lúc bình thường thì được, còn khi “nước sôi lửa bỏng” thì khó ổn. Ông Antreas Artemis đã có bằng cử nhân và thạc sỹ về kỹ thuật xây dựng của Đại học London (Anh). Trước khi gia nhập Bank of Cyprus vào năm 2000, ông đã nhiều năm là quan chức trong cơ quan quản lý viễn thông của Chính phủ Cyprus.

Hơn nữa, ông Yiannis Kypri, Giám đốc điều hành (CEO) Bank of Cyprus, một cộng sự đắc lực của ông đã bị Ngân hàng Trung ương Cyprus “đình chỉ công tác”, cho ngồi chơi xơi nước, sau khi lớn tiếng phản đối gói cứu trợ.

Chia sẻ với báo giới, ông Antreas Artemis tâm sự: “Tôi như bị trói chân, trói tay, chẳng có quyền hành gì, nhất nhất đều phải làm theo lệnh của các chính trị gia. Vì thế, tôi chẳng còn thiết tha với công việc nữa. Từ chức lúc này là thượng sách”.

Trung Hiếu ( Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.