Hai năm qua, các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với loạt khó khăn, chủ yếu bởi "ách tắc" pháp lý và nguồn vốn. Thay vì phát triển dự án, một số chủ đầu tư lớn gần như mất cả năm để xin tháo gỡ vướng mắc tại các dự án hay tái cơ cấu tài sản để có nguồn lực trả nợ ngân hàng, thanh toán trái phiếu. Niềm tin của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Những yếu tố này khiến nguồn cung lẫn thanh khoản trên thị trường giảm mạnh, thậm chí đóng băng ở nhiều phân khúc.
Sang đầu năm nay, nhờ nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cũng như nhiều biện pháp tháo gỡ của các cơ quan quản lý, nhất là Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua, thị trường đã dần vượt đáy và bước cũng cho thấy những tín hiệu phục hồi. Tại mùa họp đại hội cổ đông vừa qua, các đại gia bất động sản cũng đã có những chia sẻ cho thấy kỳ vọng về bức tranh thị trường tươi sáng hơn từ nửa cuối năm nay.
Đánh giá tác động của Luật đất đai, dự kiến có hiệu lực sớm nửa năm (từ ngày 1/7), Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cho rằng sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, dù có thể làm tăng chi phí phát triển dự án, giá thành sản phẩm, cũng như đòi hỏi chủ đầu tư phải chuyên nghiệp hơn. Ông cũng tin tưởng các dự án đang gặp vướng pháp lý của Novaland sẽ được tháo gỡ.
Tương tự, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Vinhomes - doanh nghiệp lớn nhất thị trường bất động sản - cũng đánh giá 3 luật mới (gồm Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sửa đổi) sẽ giúp thị trường minh bạch, rõ ràng hơn và bớt sự chồng chéo giữa các luật.
Tuy nhiên, ông cũng có phần thận trọng khi cho rằng để các luật này ảnh hưởng tích cực tới thị trường còn cần phải chờ các nghị định hướng dẫn thi hành do Bộ Xây Dựng, Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng có hiệu lực.
Bất động sản khu đông dọc theo Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, tháng 2/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Về diễn biến thị trường từ đầu năm, Nam Long - ông lớn địa ốc phía Nam cho biết đạt doanh số khoảng 1.160 tỷ chỉ trong quý I - cao hơn cả nửa đầu đầu năm ngoái. Theo lãnh đạo công ty, đây cũng là tín hiệu cho thấy thị trường bắt đầu sôi động trở lại trong bối cảnh lãi suất hiện thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Thực tế tại TP HCM, số liệu của Cục Thống kê thành phố cũng cho thấy doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt trên 61.000 tỷ đồng trong quý đầu năm tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2023, doanh thu lĩnh vực này giảm 10,1%.
Tuy nhiên, CEO Vinhomes Nguyễn Thu Hằng dự đoán thị trường sẽ phục hồi nhưng tốc độ có thể không nhanh như kỳ vọng. Theo bà, nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng sẽ tăng, song vẫn còn hạn chế với các sản phẩm đủ pháp lý, vị trí đẹp.
Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm cũng cho rằng thị trường địa ốc năm sau mới phục hồi rõ ràng khi ông đánh giá những tín hiệu phục hồi hiện nay chưa bền vững. "Hơi ấm có thể trở lại thị trường từ cuối năm nay và chắc chắn hơn từ năm sau", ông Tâm nói.
Tương tự, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú - Invest nhận định thị trường phục hồi tốt hơn vào năm sau. Công ty này năm nay sẽ triển khai một dự án ở phía Bắc và chờ thời điểm thị trường tích cực để ra hàng.
Về thách thức còn tồn tại năm nay, theo Chủ tịch Nam Long - Nguyễn Xuân Quang, dù các công ty quy mô có thể khác nhau, các vấn đề phải giải quyết vẫn là xử lý hàng tồn kho, nợ quá hạn và khách hàng thanh lý hợp đồng. Năm nay, Nam Long tiếp tục đặt niềm tin vào các sản phẩm vừa túi tiền (affordable housing). Chủ tịch Nam Long lý giải công ty chỉ bán và tập trung vào những gì thị trường cần để tránh đầu tư nhiều tiền những không tiêu thụ được, dẫn đến tồn kho cao.
Ông chủ Phát Đạt cũng cho rằng sau những biến động vừa qua, nhu cầu, tiêu chuẩn với sản phẩm bất động sản tại Việt Nam đang thay đổi rất nhiều. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tập trung vào nhu cầu nhà ở của nhóm khách hàng trẻ tại các đô thị đang phát triển. Sau giai đoạn khó khăn, đến cuối năm ngoái, chủ đầu tư này cũng đã đưa được dư nợ trái phiếu về 0.
Dù vậy, không nhiều doanh nghiệp địa ốc có thể giải quyết sạch nợ trái phiếu như Phát Đạt. Nhiều ông lớn sẽ vẫn phải xoay xở dòng tiền để trả nợ khi theo Bộ Tài chính đến cuối năm nay, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản vào khoảng 99.500 tỷ đồng.
-
Bất động sản đã vượt giai đoạn “ngập” trong khó khăn, 3 phân khúc được dự báo sẽ sớm phục hồi
Theo đánh giá của chuyên gia, khó khăn của thị trường bất động sản đã ở lại phía sau. Trong thời gian tới, có 3 phân khúc được dự báo sẽ sớm phục hồi, tạo động lực cho cả thị trường.
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....
-
Đề xuất giảm vốn đầu tư, gia hạn thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được đề xuất giảm tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời gian hoàn thành đến hết tháng 9/2026.
-
TP.HCM kêu gọi đầu tư 16 dự án bất động sản
UBND TP.HCM vừa ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó lĩnh vực bất động sản có 16 dự án