Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung: Đơn vị lập dự án đã đưa một thông tin rất ảo để thuyết phục Quốc hội chủ trương đầu tư Long Thành.

Hôm nay (14/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Xung quanh dự án này, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận ở tổ và có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, VOV.VN phỏng vấn bà Võ Thị Dung – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM về nội dung này.

Đại biểu Võ Thị Dung

PV: Thưa bà, một trong những lý do Chính phủ trình Quốc hội để “thuyết phục” chủ trương xây dựng sân bay Long Thành là “không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và phải giải tỏa quá đông dân cư”?

Bà Võ Thị Dung: Con số “phải giải tỏa 140.000 hộ” dân nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tôi sẽ làm rõ trên hội trường, vì hoàn toàn không có cơ sở. Con số này rất ảo. Nói chung, đơn vị lập dự án đã đưa một thông tin rất ảo để thuyết phục Quốc hội chủ trương đầu tư Long Thành. Điều đó là không thể chấp nhận được. Không dựa trên bất kỳ thống kê, khảo sát nào mà chỉ nói áng chừng, rất vô lý.

Chuyện không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với lý do ảnh hưởng tới giao thông cũng không thuyết phục. Bài toán giao thông mình phải tính, vì đâu có phải vì cái sân bay mà kẹt xe mà còn nhiều nguyên nhân khác. Tất nhiên, nếu mở rộng sân bay thì phải tính đến phương án giao thông. Nhưng đó không phải lý do chính nên tôi thấy không thuyết phục.

Tại sao còn 500 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất giao cho quân đội làm một sân golf hơn 100 ha ở trong đó mà cứ nói là không mở rộng được?

PV: Trong họp tổ, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã giải thích rằng, việc làm sân golf trong sân bay là tận dụng đất xen kẹp cho khỏi lãng phí, thưa bà?

Bà Võ Thị Dung: Đất đó không phải là để xây dựng đường băng mà có thể sử dụng để làm nhà ga và các mục đích khác phục vụ hàng không. Nhưng có thể thấy ở đây là nói lấy được chứ còn thực tế dân người ta bức xúc chuyện sân bay Tân Sơn Nhất không mở rộng mà đi xây dựng sân golf, dù đó là đất quân đội cũng là sở hữu toàn dân vậy tại sao không điều tiết.

Nghĩa là các lý lẽ Bộ GTVT đưa ra để khẳng định sự cấp thiết là chưa thuyết phục, chưa cấp thiết đến mức phải vội vã triển khai ngay dự án này. Còn tương lai, xây sân bay Long Thành tôi hoàn toàn đồng ý. Vấn đề còn lại là dự án này có sự chuẩn bị lâu rồi, đã qui hoạch, công bố cho dân… nên dân cũng thiệt hại nguồn lợi nên mình phải có chính sách để giải quyết, giữ đất để khi có tiền thì triển khai.

Ai cũng muốn có điều kiện để phát triển thì mong muốn đó của Đồng Nai cũng chính đáng, chúng tôi ủng hộ Đồng Nai, nhưng bây giờ vấn đề đặt ra là các sân bay đã khai thác hết chưa; hai nữa là tiền đâu để làm. Còn nói giờ làm vì mục tiêu đến 2020, 2030 có bao nhiêu lượt khách thì ai cam kết chuyện đó.

PV: Như vậy, bà có ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành không?

Bà Võ Thị Dung: Theo tôi thì không ai phản đối đầu tư xây dựng dự án này cả. Sự phát triển của đất nước cần phải có sân bay như vậy. Nhưng thời điểm nào mới là vấn đề quan trọng. Có thể triển khai ngay bây giờ không. Chính phủ, Bộ GTVT nói rằng, nếu triển khai bây giờ thì 10 năm nữa mới đưa vào khai thác, sử dụng được. Nhưng triển khai bây giờ phải với điều kiện mình phải có tiền.

Nói ngay trong gia đình mình thôi, muốn xây nhà đẹp để có điều kiện làm ăn, để thế chấp… thì phải có tiền mới tính được. Không có tiền thì ai dám đi vay để làm. Ý tôi muốn nói là tính cấp thiết thì đã cấp thiết chưa? Rõ ràng, chưa cấp thiết, vì hiện nay mình đã có một số sân bay chưa phát huy hết. Vì thế, nhiều ý kiến mong muốn là Chính phủ nghiên cứu đầu tư để khai thác hết công suất, điều kiện có thể mở rộng, có thể đầu tư sử dụng được cho hàng không dân dụng. Ví dụ sân bay Biên Hòa nói là bị độc không nâng cấp được. Vậy tại sao sân bay Đà Nẵng cũng độc mà mình tẩy độc vẫn sử dụng được. Vậy sao Biên Hòa mình không làm để nói chỗ đó là quan trọng. Chúng ta có mấy chục cái sân bay nhưng trong đó đa phần là dùng chung. Vậy tại sao sân bay Biên Hòa lại là quan trọng tới mức nào mà phải cá biệt?

Ngay sân bay Cần Thơ bây giờ cũng chỉ một tuần mấy chuyến thôi. Rồi sân bay Liên Khương (Đà Lạt) cũng không khai thác hết công suất.

Còn sân bay Tân Sơn Nhất thì lại không giải thích được chuyện tại sao 160 ha đưa vào làm sân golf mà nói rằng không mở rộng được.

PV: Như vậy, ý kiến của Chính phủ nói rằng, không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không thuyết phục, thưa bà?

Bà Võ Thị Dung: Đúng như vậy. Xây sân bay Long Thành không ai phản đối. Nói chung, TP HCM cũng đồng tình, nhưng bây giờ mình lấy tiền để làm thì phải tính toán. Rồi hiệu quả thì dự báo có đúng không? Khi muốn làm thì nói là sẽ đón hàng triệu lượt khách, nhưng mà không ai nói trước được điều đó có chắc chắn không. Nếu không chắc chắn mà mình lại làm đón lõng thì hóa ra lãng phí. Nếu khi có tiền mà mình lãng phí thì không nói, đằng này mình phải vay nợ, rồi nợ “ngập đầu” chưa biết trả nổi lúc nào mà giờ còn đi vay mượn nữa thì sao yên tâm?

PV: Bộ GTVT cũng có những đánh giá về độ an toàn khi để một sân bay lớn trong trung tâm thành phố, rồi người dân phải chịu ô nhiễm tiếng ồn, thưa bà?

Bà Võ Thị Dung: Đâu chỉ có Việt Nam có sân bay trong thành phố. Thế giới có khoảng 20 sân bay quốc tế như vậy. Ngay Hồng Kông cũng có sân bay giữa lòng thành phố. Những chuyện đó không phải lý do chính đáng.

Còn chuyện tiếng ồn tất nhiên là có thì phải giải quyết bằng cách ở khu vực xung quanh việc phát triển dân cư phải hạn chế tầm cao nhà cửa, qui hoạch tuyến để người dân không sống tập trung ở đó mà chỉ triển khai các dự án giao thông, cây xanh…

Nói câu chuyện an toàn thì ở đâu cũng phải có chứ không phải chỉ trong thành phố.

Nói chung, tôi không phản đối dự án xây dựng sân bay Long Thành, vấn đề mong muốn nhất là đầu tư khai thác công suất của các sân bay xung quanh đã.

PV: Xin cảm ơn bà!/.

Vũ Hạnh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.