CafeLand - Những chuyên gia bất động sản hàng đầu thế giới đã có vài cuộc thảo luận để khám phá những cơ hội và thách thức mà ngành này phải đối mặt trong năm tới.

Hiện nay, công nghệ chính là công cụ hữu hiệu nhất giúp kết nối khách hàng và các công ty bất động sản.

Trong một sự kiện trực tuyến được tổ chức tại Mỹ vừa qua, công ty dịch vụ số bất động sản Qualia và các đối tác đã thảo luận về những gì có thể xảy ra trong lĩnh vực bất động sản vào năm 2021. Trong số các chủ đề chính được thảo luận, việc chuyển đổi hình thức làm việc, chống dây gian lận và làm thế nào để duy trì các mối quan hệ trong đại dịch là những điều được nhắc tới nhiều nhất.

Theo Diane Tomb, giám đốc điều hành của Hiệp hội Quyền sở hữu đất Mỹ, duy trì các mối quan hệ là rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh cho vay quyền sở hữu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã khiến điều này gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, công nghệ đã và các hình thức làm việc trực tuyến đã giúp mọi người có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn.

“Chúng tôi thực sự đang cố gắng làm những điều tốt nhất có thể. Chúng tôi tạo ra một chương trình để khách hàng có thể truy cập trực tuyến và tìm hiểu mọi thứ về các khoản vay của họ cũng như những gì đang diễn ra trên thị trường. Đó là những điều mới lạ cho tất cả mọi người”, ông Tomb cho biết.

Trong khi đó, Rick Hill, người đứng đầu lĩnh vực cho vay công nghệ số tại Hiệp hội Ngân hàng cho vay thế chấp phát biểu: “Việc kinh doanh tốt có nền tảng từ những mối quan hệ thân thiết. Tôi nghĩ rằng điều này còn quan trọng hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Vì vậy, tất cả các công ty đều cố gắng duy trì mối quan hệ với khách hàng”.

Một bước tiến lớn trong lĩnh vực bất động sản là giờ đây, một số thủ tục như công chứng đã có thể thực hiện thông qua hình thức trực tuyến. Điều này giúp đơn giản hóa nhiều quy trình.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng việc áp dụng công nghệ cho các thủ tục hằng ngày sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Aaron Davis, giám đốc điều hành của mạng lưới các nhà môi giới tại bang Florida, Mỹ cho biết chi phí in ấn có thể được cắt giảm và thời gian cũng sẽ được tiết kiệm một cách đáng kể.

Max Lamb, một đối tác của Qualia cho biết việc áp dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực bất động sản giúp gia tăng lượng lơn khách hàng tiềm năng. Ông tin rằng các hình thức thanh toán trực tuyến sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành bất động sản toàn cầu vào năm tới.

"Đó chắc chắn là một sự thay đổi cần thiết. Công nghệ sẽ giúp giải quyết các vấn đề khi mọi người làm việc trên cùng một nền tảng . Điều này sẽ giúp giảm bớt những vụ việc nhầm lẫn thông tin. Tuy nhiên, các công ty cũng nên cẩn thận vì việc áp dụng công nghệ phổ biến đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra các vụ gian lận sẽ cao hơn", ông Lamb lưu ý.

Trên thực tế, khi mọi người tiếp tục làm việc từ xa, gian lận thương mại điện tử chính là vấn đề đáng lo ngại nhất.

Tom Cronkright, giám đốc điều hành của CertifID, một công ty chống gian lận điện tử nói rằng số vụ gian lận đã tăng nhanh chóng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

“Các thủ đoạn gian lận đều rất tinh vi và được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Năm 2020 thực sự là một năm đáng quên đối với các công ty chống gian lận điện tử”, ông nói.

Trong khi đó, Argun Kilic, giám đốc điều hành của công ty AREAL.ai đã đưa ra lời khuyên rằng cách tốt nhất để đảm bảo an toàn khi thanh toán trực tuyến là sử dụng những nền tảng uy tín và các bước xác minh phải được thực hiện rõ ràng. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên sử dụng xác thực bằng nhiều yếu tố.

Tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng năm 2020 chính là năm bùng nổ đối với việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản. Điều đó nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021, ngay cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và mọi người quay trở lại văn phòng làm việc. Mặc dù vậy, rủi ro về gian lận điện tử cũng là vấn đề đang hiện hữu và cần được giải quyết sớm.

Anh Nguyễn (Housingwire)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.